Thứ sáu 22/11/2024 01:47

Mỹ Đức: Đưa các nguồn vốn ưu đãi đến tận tay người thụ hưởng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Những năm qua, ngoài việc hỗ trợ các hộ nông dân, hộ nghèo được vay nguồn vốn từ ngân hàng chính sách, Ban Thường vụ Hội nông dân huyện Mỹ Đức (Hà Nội) còn tăng cường hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế thông qua nguồn vốn quỹ Hỗ trợ nông dân cấp TP, cấp huyện và cấp xã để nông dân có thêm các nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình.
Mô hình trồng rau sắng của hộ ông Vương Văn Kiện, xóm 12, thôn Đục Khê, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức. Ảnh: Thu An
Mô hình trồng rau sắng của hộ ông Vương Văn Kiện, xóm 12, thôn Đục Khê, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức. Ảnh: Thu An

Giúp nhiều hộ nghèo có vốn

Trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân huyện Mỹ Đức đã phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện thực hiện tốt việc ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhằm đưa các nguồn vốn ưu đãi đến tận tay người thụ hưởng, giúp nhiều hộ nghèo có vốn để đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của địa phương.

Theo đó, để nâng cao hiệu quả chương trình ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được thụ hưởng nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện luôn bám sát nội dung ủy thác, Nghị quyết của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện, các văn bản chỉ đạo của Hội cấp trên và NHCSXH các cấp, chỉ đạo các cấp hội cơ sở, các Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) trực thuộc Hội quản lý thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Chính phủ về cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách khác.

Đến nay, toàn huyện Mỹ Đức có 22/22 cơ sở Hội đã thực hiện nhận uỷ thác với NHCSXH huyện Mỹ Đức với 12 chương trình tín dụng, với tổng dư nợ đến nay đạt 167,938 tỷ đồng, cho 3.474 hộ vay, trong đó, từ đầu năm 2023 đến nay, doanh số cho vay của toàn huyện hội lên đến 46 tỷ đồng cho gần 1000 lượt hộ vay, tăng 364 hộ so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách, Ban thường vụ Hội nông dân huyện còn tăng cường hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế thông qua nguồn vốn quỹ Hỗ trợ nông dân cấp TP, cấp huyện và cấp xã để nông dân có thêm các nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Cùng với đó, Hội Nông dân các cấp trong huyện còn tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi đến hội viên và nhân dân trên địa bàn bằng nhiều hình thức như lồng ghép với các hội nghị và các buổi sinh hoạt của các Chi hội gắn với đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; “Nông dân Hà Nội chỉ sản xuất, chế biến, tiêu dùng và bán ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn”, “Xây dựng Người Nông dân Hà Nội thanh lịch, văn minh”; tích cực phối hợp với các ngành tổ chức 5 lớp tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các hộ vay vốn; Tổ chức tập huấn kinh tế tập thể, hình thức, cách làm phát triển kinh tế tập thể được 35 lớp với 4.216 lượt người tham dự; tuyên truyền, vận động nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể.

Ngoài ra, các cấp Hội còn tổ chức cho hội viên nông dân đi thăm quan nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả để tổ chức cho nông dân tham quan, trao đổi kinh nghiệm. Qua đó, đã tạo ra sự lan tỏa, cuốn hút hộ nghèo tham gia thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, từng bước làm quen với sản xuất hàng hóa, sử dụng vốn đúng mục đích, nhiều hộ đạt mức thu nhập cao, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống.

Nhiều mô hình trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao

Theo UBND huyện Mỹ Đức, những năm gần đây trên địa bàn huyện Mỹ Đức đã xuất hiện nhiều mô hình trang trại đặc thù như: Mô hình trồng rau sắng đặc sản kết hợp trồng cây ăn quả (nhãn, vải, na, mơ...) tại xã Hương Sơn; các trang trại chăn nuôi lợn gia công tại xã An Mỹ, nuôi gà siêu trứng ở xã Phúc Lâm, nuôi lợn bản địa ở xã An Phú... đều cho thu nhập cao. ..

Trong 5 năm qua, toàn huyện đã thành lập được 6 chi hội nghề nghiệp 110 tổ hội nghề nghiệp chủ yếu về Mây tre giang đan, dệt gia công khăn mặt bông, may gang tay, chăn nuôi lợn chăn nuôi bò sinh sản, V. A.C; xây dựng được 28 mô hình kinh tế tập thể như: mô hình Rau Sắng ở Hương Sơn, V. A. C ở xã Hồng Sơn, Vạn Kim, Thượng Lâm, Mây tre giang đan tại xã An Mỹ, gia công khăn mặt bông tại xã Phùng Xá, may gang tay tại xã Mỹ Thành và có nhiều trang trại, gia trại do nông dân làm chủ đã đạt doanh thu 300-900 triệu đồng/ha/năm, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 5-8 triệu đồng/người/tháng.

Điển hình như: Mô hình nuôi trứng vịt sạch của ông Hoàng Tiến Tuyên, thôn Vĩnh An, xã Hồng Sơn tham gia mô hình chăn nuôi vịt lấy trứng theo quy trình VietGAP. Sau khi được hội nông dân xã quan tâm, tạo điều kiện để gia đình ông tiếp cận nguồn vốn vay giải quyết việc làm từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện.

Ông Hoàng Tiến Tuyên đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư cải tạo vườn tạp, chuồng trại và ao nuôi cá để phát triển mô hình kinh tế VAC tại thôn Vĩnh An và đã đạt hiệu quả kinh tế cao. Sau một thời gian đầu tư, Ông Tuyên đã thực hiện thành công mô hình với quy mô chăn nuôi 5.000 con vịt đẻ, diện tích chuồng nuôi là 800 m2. Đến nay, mô hình chăn nuôi vịt sạch của gia đình ông Tuyên đang thực hiện theo quy trình Vietgaps.

Đến nay, sản phẩm trứng vịt sạch của hộ gia đình ông Tuyên đã được Trung tâm phân tích và chứng nhận sản phẩm nông nghiệp TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận số: 0715/GCN - TTPT, ngày 18/10/2022 với quy mô chăn nuôi 5.000 con, sản lượng trứng là 1.460.000 quả trứng/năm. Sản phẩm đã đăng ký truy xuất nguồn gốc và đã được cấp mã QR trên Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm TP Hà Nội.

Ông Hoàng Tiến Tuyên chia sẻ, nhờ sự quan tâm giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, của hợp tác xã nông nghiệp và đặc biệt là Hội nông dân xã đã quan tâm tạo điều kiện cho gia đình tôi được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội nên tôi có thêm kinh phí và nguồn lực để đầu tư cải tạo vườn trại. “Nhờ vậy, kinh tế của gia đình tôi cũng ngày một đi lên. Những người nông dân chân lấm tay bùn như chúng tôi rất mong nhà nước có thật nhiều các chính sách kích cầu để tạo động lực cho chúng tôi yêu đất bám ruộng và làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình” – ông Tuyên cho hay.

Theo UBND huyện Mỹ Đức, nhiều hội viên nông dân trong huyện khi được tiếp cận các nguồn vốn chính sách đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đầu tư phát triển các mô hình trang trại VAC, mô hình trồng cây ăn quả, mô hình trồng cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi … để hướng đến phát triển bền vững, góp phần tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của huyện.Từ nguồn vốn vay của NHCSXH đã tạo điều kiện và động lực khích lệ hội viên nông dân tích cực lao động sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thực hiện tốt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.

Đến nay, toàn huyện Mỹ Đức có 22/22 cơ sở Hội đã thực hiện nhận uỷ thác với NHCSXH huyện Mỹ Đức với 12 chương trình tín dụng, với tổng dư nợ đến nay đạt 167,938 tỷ đồng, cho 3.474 hộ vay, trong đó, từ đầu năm 2023 đến nay, doanh số cho vay của toàn huyện hội lên đến 46 tỷ đồng cho gần 1.000 lượt hộ vay, tăng 364 hộ so với cùng kỳ năm 2022.
Hà Nội: Nguồn vốn tín dụng chính sách sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng thụ hưởng
Tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tiếp cận nguồn vốn
Khánh Phong
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động