Chủ nhật 28/04/2024 01:58

Hà Nội sẽ cân đối giá nước sạch để thu hút doanh nghiệp đầu tư

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Từ năm 2013 đến nay, Hà Nội chưa tăng giá nước sạch, vì vậy TP Hà Nội sẽ tính toán, cân đối, điều chỉnh giá nước sạch để thu hút doanh nghiệp đầu tư trong thời gian tới.
Hà Nội sẽ cân đối giá nước sạch để thu hút doanh nghiệp đầu tư
Hà Nội sẽ cân đối giá nước sạch để thu hút doanh nghiệp đầu tư

Đảm cấp nước sạch đáp ứng nhu cầu cho người dân sử dụng

Sau gần 10 năm không tăng giá, TP Hà Nội đang nghiên cứu điều chỉnh mức giá nước sinh hoạt nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây chính là tiền đề để Thành phố có những điều chỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng nguồn cung cũng như bảo đảm nâng cao chất lượng nguồn nước sạch.

Để bảo đảm cấp nước sạch đáp ứng nhu cầu cho người dân sử dụng nước sạch sinh hoạt trong đợt Hè năm 2023, Sở Xây dựng Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị cấp nước duy trì, vận hành tối đa công suất các nhà máy nước, trạm cấp nước; phân bổ, điều tiết nguồn nước bảo đảm hài hòa giữa nguồn cấp và nhu cầu cũng như khả năng tiếp cận của từng khu vực.

Mặt khác, Sở Xây dựng cũng yêu cầu các đơn vị liên quan, thường xuyên tuần tra, kiểm tra, phát hiện và sẵn sàng, kịp thời sửa chữa, khắc phục các sự cố rò rỉ, vỡ ống, đặc biệt là tuyến truyền dẫn nước sạch sông Đà số 1 hiện có.

Trường hợp xảy ra sự cố, Sở Xây dựng sẽ bố trí đủ xe téc phục vụ nhân dân trong trường hợp sự cố mất nước, ưu tiên các khu vực bệnh viện, trường học. Còn tại những khu cốt nền cao, Sở Xây dựng chỉ đạo các đơn vị cấp nước sẽ lắp đặt máy bơm tăng áp di động; vận hành mạng lưới cấp nước phân khu theo giờ; ứng dụng công nghệ 4.0 để quản lý khách hàng sử dụng nước…

Trong trường hợp xảy ra sự cố về cấp nước, các đơn vị cung cấp nước sạch cần có thông báo kịp thời tới nhân dân, khách hàng biết để thực hiện các giải pháp hạn chế ảnh hưởng tới sản xuất, sinh hoạt khi thiếu nước, triển khai ngay các biện pháp để sớm cấp nước trở lại…

Trên thực tế, hiện khả năng phân phối cấp nguồn của Thành phố vẫn chưa đồng bộ. Đơn cử như Công ty Cổ phần Viwaco đang quản lý, cung cấp dịch vụ cấp nước cho hơn 171.000 khách hàng, gồm khu vực quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, một phần quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Trì (phía Tây Quốc lộ 1A) với công suất cấp nước trung bình khoảng 232.000m3/ngày-đêm.

Về cơ bản, các địa bàn này đều là khu vực đông dân cư, khi nhu cầu sử dụng cao đã lấy gần như toàn bộ công suất thiết kế của nước sạch sông Đà. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu nước tại các khu vực cũng sử dụng chung nguồn cung nước sạch sông Đà nhưng nằm vị trí cao hơn như Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức. Do đó dẫn đến tình trạng thiếu nguồn nước.

Ngoài ra, việc chênh giá giữa các đơn vị cấp nguồn (nước sạch sông Đà; nước mặt sông Đuống) khiến công tác bổ sung bù đắp nguồn nước sạch cũng gặp nhiều khó khăn.

Cân đối giá nước sạch để thu hút doanh nghiệp đầu tư

Hiện nay, giá nước sạch sinh hoạt ở Hà Nội đang áp dụng theo Quyết định 38/QĐ-UBND ngày 19/9/2013. Theo đó, với 10m3 đầu tiên giá bán 5.973 đồng/m3 và tối đa 15.929 đồng/m3 khi dùng trên 30m3 (áp dụng từ 1/10/2015).

Đến năm 2019, TP đã có kế hoạch điều chỉnh giá nước 3 năm một lần. Phương án điều chỉnh được liên ngành thành phố xây dựng năm 2019 theo lộ trình 3 năm 2020 - 2022 với giá nước tăng lần lượt là 7.466 đồng/m3; 8.960 đồng/m3 và 9.963 đồng/m3 cho 10 m3 đầu tiên. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 và Chính phủ chỉ đạo chưa điều chỉnh giá một số mặt hàng đầu vào của các ngành sản xuất nên thành phố chưa xem xét phương án trên.

Từ thực tế hiện tại, Sở Tài chính Hà Nội đã trình phương án đề nghị UBND Thành phố điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt, đó là điều chỉnh giá 10m3 đầu tiên (hộ/tháng) từ 5.973 đồng/m3 hiện nay sẽ tăng lên 7.500 đồng/m3 từ tháng 7/2023 và lên 8.500 đồng/m3 vào năm 2024.

Mức giá cao nhất với nước sinh hoạt trong năm 2024 sẽ là 27.000 đồng/m3 nếu sử dụng trên 30m3/hộ/tháng. Như vậy, với nhu cầu dùng nước thực tế tại Hà Nội ở khu vực nội thành đang ở mức 100-150 lít/ngày/ người, mỗi hộ gia đình sẽ dùng 10-16 m3/tháng, tương đương số tiền phải chi thêm là 15.000-26.000 đồng một tháng. Tại nông thôn, mức dùng 50-70 lít/ngày/ người, một hộ gia đình sẽ sử dụng 6-8 m3/tháng nên số tiền họ phải chi thêm là 10.000-13.000 đồng/tháng.

Trong trường hợp Hà Nội áp dụng mức giá mới thì giá thu thực tế từ người dân vẫn tương đương hoặc thấp hơn so với các tỉnh, TP. Cụ thể, tiền nước phải chi trả 10m3 đầu tiên của người dân Hà Nội là 75.000 đồng/hộ, Bình Dương 101.500 đồng/hộ, Quảng Ninh là 81.000 đồng/hộ; Điện Biên 80.000 đồng/hộ. Đây là mức giá được cho là phù hợp trong bối cảnh chi phí đầu vào, nguyên vật liệu, nhân công đều tăng cao so với 10 năm trước, trong khi đó áp lực bảo đảm chất lượng nguồn nước luôn là ưu tiền hàng đầu.

Thông tin TP chuẩn bị tăng giá nước sạch sinh hoạt hiện đang thu hút sự chú ý dư luận, bởi giá nước tăng đồng nghĩa chi phí sinh hoạt sẽ tăng thêm. Đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá bán lẻ nước sạch sinh hoạt đến khả năng chi trả của khách hàng, Sở Tài chính cho biết, dự kiến đối với các hộ dân cư với nhu cầu tiêu dùng nước thực tế tại Hà Nội ở khu vực nội thành đang ở mức đến 10m3 thì số tiền phải chi thêm khoảng: 15.270 đồng/tháng.

Đối với các nhóm khách hàng có hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ thì mức giá nước tăng khoảng 20%, chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trên tổng chi phí. Theo tính toán của liên ngành, phương án điều chỉnh giá nước nếu tính đến tác động đến chỉ số giá tiêu dùng chung của TP là 1,48%.

Theo tính toán của Sở Tài chính, tiền nước trong tổng thu nhập và chi tiêu của một hộ gia đình tại khu vực thành thị trong một tháng chỉ chiếm 0,72%. Như vậy, mức tăng theo lộ trình cơ bản không tác động đến đời sống và khả năng chi tiêu của người dân.

Đáng chú ý, giá nước sạch sinh hoạt đề xuất điều chỉnh của Hà Nội tương đương hoặc thấp hơn so với các tỉnh, TP đã ban hành, trong đó giá nước cho mục đích sinh hoạt 1 (của gia đình sử dụng đến 10 m3/tháng) của Hà Nội thấp hơn nhiều tỉnh, TP. Cụ thể, tiền phải chi trả cho 10 m3 nước đầu tiên của Hà Nội là 75.000 đồng/hộ, Bình Dương 101.500 đồng/hộ, Quảng Ninh là 81.000 đồng/hộ, Điện Biên là 80.000 đồng/hộ…

Trong khi đó, nhu cầu sử dụng nước sạch tại Hà Nội ngày một tăng và nhu cầu chất lượng nước sạch ngày càng cao, trong khi nguồn nước ngầm suy giảm và có dấu hiệu ô nhiễm, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách rất hạn chế. Điều này đặt ra vấn đề cấp thiết phải điều chỉnh tăng giá nước sạch sinh hoạt.

Theo phân tích của Sở Tài chính, giá nước sạch nếu không được điều chỉnh sẽ gây ra nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước cho nhân dân Thủ đô… Trước tiên, giá tiêu thụ nước sạch thực hiện theo Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND và Quyết định số 39/2013/QĐ-UBND, đến thời điểm năm 2023 đã thực hiện được 10 năm, giá cả các yếu tố đầu vào đã tăng lên và các cơ chế chính sách của Nhà nước cũng có nhiều thay đổi nên giá nước theo quy định đến thời điểm hiện nay đã cơ bản không đáp ứng được chi phí sản xuất kinh doanh theo quy định của các công ty cấp nước. Do vậy, việc không điều chỉnh hoặc chậm điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch có thể dẫn tới các tác động tiêu cực như không đảm bảo nguồn cung cấp nước sạch.

Bên cạnh đó, nếu không điều chỉnh giá nước sạch sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư các nhà máy nước mới; các dự án cải tạo, nâng công suất các nhà máy nước đang vận hành theo quy hoạch cấp nước.

Việc giá nước thấp cũng ảnh hưởng đến khả năng thanh toán các khoản vay của các nhà đầu tư, do đó ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư các dự án tuyến ống cấp nước theo quy hoạch. Điều này gây thiếu nước cục bộ ở một số khu vực, tại một số thời điểm. Không những vậy, giá nước thấp là hạn chế đối với việc xã hội hóa thu hút các nguồn vốn từ các nhà đầu tư tư nhân vào lĩnh vực cấp nước.

Để bảo đảm nguồn nước sạch cho người dân, TP đã kêu gọi các nhà đầu tư và thu hút được 23 nhà đầu tư tư nhân, triển khai 39 dự án cấp nước gồm cả dự án nguồn nước và mạng lưới. Trong đó có doanh nghiệp không thực hiện dự án, phần lớn các dự án còn lại đều chậm tiến độ hoàn thành.

Đại diện Sở Tài chính khẳng định, giá nước sạch được điều chỉnh tăng theo lộ trình, cơ bản không tác động lớn đến khả năng chi tiêu của người dân, đối tượng sử dụng nước sạch sinh hoạt. Đồng thời, việc này sẽ tạo sự tự chủ về tài chính cho doanh nghiệp cấp nước, bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả và nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước cho Nhân dân Thủ đô.

Theo phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt: Giá bán lẻ nước sinh hoạt 10m3 đầu tiên (hộ/tháng) từ 5.973 đồng/m3 hiện nay sẽ tăng lên 7.500 đồng/m3 từ tháng 7/2023 và lên 8.500 đồng/m3 vào năm 2024; từ 10-20m3 (hộ/tháng) tăng từ 7.052 đồng/m3 lên 8.800 đồng/m3 từ tháng 7/2023 và lên 9.900 đồng/m3 vào năm 2024; từ 20-30m3 (hộ/tháng) tăng từ 8.669 đồng/m3 lên lần lượt mức 12.000 đồng/m3 và 16.000 đồng/m3.

Mức giá cao nhất với nước sinh hoạt trong năm 2024 sẽ là 27.000 đồng/m3 khi sử dụng trên 30m3 (hộ/tháng).

Theo tính toán, với nhu cầu tiêu dùng nước thực tế tại Hà Nội ở khu vực nội thành đang ở mức 100-150 lít/ngày/người thì một hộ gia đình sẽ sử dụng 10-16 m3/tháng, theo đó số tiền phải chi thêm là 15.000-26.000 đồng/tháng.

Tại khu vực nông thôn, mức tiêu dùng 50-70 lít/ngày/người thì một hộ gia đình sẽ là 6-8m3/tháng và số tiền phải chi thêm 10.000-13.000 đồng/tháng.

Hà Nội: Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 158,7 triệu USD trong quý I/2023
Hà Nội đẩy mạnh công tác hỗ trợ kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước
Từ ngày 8/5, quy định mới về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp sẽ như thế nào?
Phú An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động