Hà Nội đẩy mạnh thực hiện quy định về định danh và xác thực điện tử
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTrong 9 tháng triển khai Đề án 06, Hà Nội đã thu nhận hơn 6 triệu hồ sơ cấp CCCD gắn chíp điện tử, hơn 3,5 triệu hồ sơ định danh điện tử |
Hoàn thành triển khai 21/25 dịch vụ công thiết yếu
Đề án 06 là Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Triển khai Đề án 06 là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ, gồm: Hạ tầng giao thông, chuyển đổi số và chống biến đổi khí hậu. Vì thế, việc triển khai hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ sẽ góp phần bảo đảm quản lý thống nhất, tập trung, thuận lợi, tiết kiệm, minh bạch và hiệu quả. Hà Nội là 1 trong 5 địa phương triển khai điểm Đề án 06 của Chính phủ. Vì thế, việc thực hiện cần có sự chuyển động rõ nét để người dân và DN được hưởng lợi.
Được biết, trong 9 tháng triển khai Đề án 06, Hà Nội đã hoàn thành kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa Cổng dịch vụ công TP với Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư; hoàn thành triển khai 21/25 dịch vụ công thiết yếu với tổng số tiếp nhận và giải quyết trên 500.000 hồ sơ trực tuyến trên các lĩnh vực. Đồng thời, TP đã thu nhận hơn 6 triệu hồ sơ cấp CCCD gắn chíp điện tử, hơn 3,5 triệu hồ sơ định danh điện tử; cập nhật 13.598.999 dữ liệu thông tin tiêm chủng; cập nhật 472.096 thông tin công dân diện chính sách trên hệ thống CSDL quốc gia về dân cư.
TP đã rà soát, làm sạch 3 cấp đối với gần 8 triệu thông tin công dân (đạt tỉ lệ 99,5%), thực hiện “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng Covid-19 cho 700.000 trường hợp. TP hiện đã có 4,4 triệu người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) được đồng bộ dữ liệu, có thể sử dụng CCCD để đi khám chữa bệnh; có 503 cơ sở khám chữa bệnh BHYT đã áp dụng sử dụng CCCD tra cứu khám chữa bệnh; 56.710 lượt công dân sử dụng CCCD để tra cứu khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh. Toàn TP đã cập nhật thông tin trợ cấp cho người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 trên hệ thống CSDL quốc gia về dân cư cho 472.096 trường hợp, trong đó, 440.885 trường hợp đã nhận tiền trợ cấp với tổng số tiền đã phát là 392 tỷ đồng.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn, từ nay đến cuối năm 2022, TP tiếp tục đặt ra các mục tiêu và giải pháp đột phá nhằm thúc đẩy, triển khai mạnh mẽ hơn nữa các nhiệm vụ của Đề án 06 trên địa bàn. Trong đó, tập trung cao điểm công tác tuyên truyền để người dân trên địa bàn đăng ký tài khoản định danh điện tử, sử dụng ứng dụng VneID và các dịch vụ công trực tuyến của TP - những lợi ích mà Đề án 06 đem lại cho đời sống người dân. Đồng thời, TP triển khai các giải pháp để thúc đẩy công dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.
Hoàn thiện và xây dựng các CSDL phục vụ các vấn đề dân sinh cấp thiết
Đến nay, công dân trên địa bàn Thủ đô đã có thể sử dụng 21/25 dịch vụ công thiết yếu tích hợp trên các Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công TP và Cổng dịch vụ công các Bộ, ngành. Bốn dịch vụ công chưa triển khai: Cấp phiếu lý lịch tư pháp; đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí; đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp giấy chứng nhận.
Ngoài 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06, TP Hà Nội đang triển khai bảo đảm theo lộ trình đến hết tháng 11/2022, hoàn thành tái cấu trúc và tích hợp 928 dịch vụ công trực tuyến toàn bộ hoặc một phần lên Cổng dịch vụ công quốc gia theo Kế hoạch của TP; bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu 70% thủ tục hành chính đủ điều kiện tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia trong năm 2022.
Đánh giá về những tồn tại, qua khảo sát, số lượng công dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến đa số phát sinh tại các quận nội thành, các huyện ngoại thành số lượng này còn hạn chế. Tâm lý của người dân đối với việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến còn e ngại và do thói quen của người dân muốn đến tận nơi, muốn được tư vấn, hướng dẫn trực tiếp. Việc sử dụng các thiết bị thông minh hỗ trợ cho việc thực hiện đối với người cao tuổi còn nhiều hạn chế. Việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến chưa linh hoạt và đơn giản cũng như việc phát sinh thêm một số chi phí như phí dịch vụ bưu chính, thanh toán trực tuyến.
Cùng với đó, một số khó khăn, vướng mắc nữa đó là việc kết nối với các CSDL/hệ thống dữ liệu của một số Bộ, ngành còn vướng mắc, chưa thông suốt. Nhân lực, trang thiết bị phục vụ Đề án 06 còn chậm, chưa kịp thời so với tình hình thực tế, trình độ công nghệ thông tin của cán bộ phụ trách. Lộ trình thực hiện số hóa tại bộ phận một cửa cấp Sở đang bị chậm do chưa có tính năng số hóa của Hệ thống thông tin một cửa điện tử của TP và hướng dẫn chi tiết về quy định đối với lưu trữ hồ sơ điện tử. Việc xây dựng và chia sẻ các CSDL như: Chứng sinh điện tử/báo tử điện tử/khám sức khỏe điện tử/bảo hiểm xã hội/người có công/trẻ em… còn hạn chế và chưa được chú trọng triển khai để tận dụng và hỗ trợ việc giải quyết các dịch vụ công trực tuyến theo đúng lộ trình.
Văn bản số 3307/UBND-KSTTHC ngày 6/10/2022 của UBND TP Hà Nội về việc triển khai thực hiện Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 5/9/2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử, UBND TP yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo tổ chức triển khai; chủ động phối hợp chặt chẽ với CATP, các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc sử dụng tài khoản định danh điện tử để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử và các hoạt động khác theo nhu cầu của chủ thể danh tính điện tử... |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại