Hà Nội: Các loại tội phạm đều giảm cả về số vụ việc và tính chất nghiêm trọng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênỦy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn, Trưởng Ban Chỉ đạo TP Hà Nội chủ trì hội nghị. Ảnh H.T |
Số vụ tội phạm về trật tự xã hội giảm 3,9%
Báo cáo của Ban Chỉ đạo 138 TP Hà Nội cho biết, trong nửa đầu năm 2023, các cơ quan chức năng TP đã kiềm chế, kéo giảm số vụ phạm tội về trật tự xã hội so với cùng kỳ năm 2022 (phát hiện 1.840 vụ, giảm 76 vụ, tỷ lệ 3,9%).
Hầu hết các loại tội phạm đều giảm cả về số vụ việc và tính chất nghiêm trọng, như cưỡng đoạt tài sản (giảm 24%); giao cấu, dâm ô với người dưới 16 tuổi (giảm 31,8%); mua bán người (giảm 50%); cố ý gây thương tích (giảm 16,4%); cướp giật tài sản (giảm 12,4%); trộm cắp tài sản (giảm 1,6%); lừa đảo chiếm đoạt tài sản (giảm 9,4%)...
Kết quả điều tra khám phá chung của tội phạm về trật tự xã hội, khám phá án đặc biệt nghiêm trọng đạt cao và vượt chỉ tiêu nghị quyết của Quốc hội đề ra. Trong đó, CATP đã điều tra, khám phá 1.670 vụ, 3.976 đối tượng, đạt 90,7% (vượt 15,7% chỉ tiêu); trong đó, có 166 vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, bắt 312 đối tượng, đạt 98,8% (vượt 8,8% chỉ tiêu).
Điều tra khám phá nhanh các vụ án nghiêm trọng, triệt phá nhiều ổ nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm; không để các ổ nhóm tội phạm hình sự, tệ nạn xã hội, tội phạm có tổ chức hoạt động lộng hành, kéo dài; không để tồn tại các tụ điểm về tệ nạn xã hội gây nhức nhối trong dư luận...
Trong 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng Công an đã đưa 812 người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc (tăng 276 người so với cùng kỳ năm 2022; đạt 67,7% chỉ tiêu năm) trong đó, có 410 người có nơi cư trú ổn định; vận động 602 người cai nghiện tự nguyện (giảm 316 người so với cùng kỳ năm 2022).
Tại 18 cơ sở điều trị Methadone trên địa bàn TP đã duy trì điều trị cho 4.969 người nghiện. Tại 3 cơ sở cai nghiện tự nguyện đã tiếp nhận 476 lượt người vào cai nghiện tự nguyện (tăng 81 người so với cùng kỳ năm 2022).
Bên cạnh những thành tích đã đạt được, đại biểu các đơn vị đưa ra thảo luận tại Hội nghị và cho rằng vẫn còn một số những tồn tại, hạn chế trong thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Đồng thời chỉ ra những nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế đó, các đơn vị, địa phương cũng trao đổi về các biện pháp khắc phục, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu của Ban Chỉ đạo 138 TP.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc CATP Hà Nội cho biết, vừa rồi, CATP Hà Nội được Bộ Công an đánh giá cao các quận, huyện có tỷ lệ điều tra khám phá án cao và việc xử lý các vụ việc thanh thiếu niên hư, tụ tập mang dao kiếm, hung khí, điều khiển mô tô gây mất trật tự xã hội. Các vụ việc xảy ra đều được CATP Hà Nội điều tra, truy bắt hết các đối tượng, truy tố 100% với các trường hợp đủ tuổi; đồng thời, xét xử công khai để tuyên truyền răn đe.
Tuy nhiên, theo Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng vẫn còn có các vụ giết người, cố ý gây thương tích do mẫu thuẫn cá nhân không được phát hiện từ sớm, từ xa, xảy ra hậu quả đáng tiếc. Do đó Ban Chỉ đạo 138 các cấp phải quan tâm, rà soát cụ thể từng vụ việc mâu thuẫn ngay từ cơ sở; đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ hòa giải cơ sở…
Thành lập 2 Ban Chỉ đạo mới từ Ban chỉ đạo 138 TP
Tại hội nghị, UBND TP Hà Nội đã công bố Quyết định thành lập 2 Ban Chỉ đạo mới tách ra từ Ban Chỉ đạo 138 TP gồm: Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc TP Hà Nội. Trưởng Ban chỉ đạo là Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Thường trực là Giám đốc CATP Hà Nội.
Ban Chỉ đạo phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm TP Hà Nội; Trưởng Ban chỉ đạo là Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn; Phó Trưởng Ban Thường trực là Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT CATP.
Việc thành lập 2 Ban Chỉ đạo nói trên dựa trên căn cứ thực tiễn, cơ sở trao đổi với Văn phòng Bộ Công an (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ và Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm…)
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn yêu cầu sớm hoàn thiện, ban hành quy chế phối hợp toàn diện giữa Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế với CATP về việc xác định tình trạng nghiện ma túy. Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật, phòng, chống tội phạm, HIV/AIDS.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội yêu cầu các sở, ngành tham mưu tổ chức Hội thi “Tình nguyện viên Đội Công tác xã hội tình nguyện xã, phường, thị trấn tuyên truyền Luật Phòng, chống ma túy năm 2021” trên địa bàn TP năm 2023.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn giao Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã căn cứ theo mô hình Ban Chỉ đạo TP, thực hiện kiện toàn mô hình hoạt động của các Ban Chỉ đạo cấp mình sao cho phù hợp, hiệu quả.
Các địa phương phải tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc Đề án “Chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tư, an toàn xã hội năm 2023” để bảo đảm 100% địa bàn chuyển hóa thành công trong năm 2023; tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên các cơ sở kinh doanh dịch vụ, có điều kiện nhạy cảm về an ninh trật tự kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; thực hiện hiệu quả công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.
Bắt nhóm thanh niên tụ tập đua xe, ném bóng đèn, ống tuýp cản trở lực lượng Công an |
Lật tẩy “bí mật” của thanh niên tóc vàng, thập thò ở đường La Thành |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại