Hà Nội: các biện pháp xây mới trường trung học phổ thông
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên Hình ảnh các thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông tại trường trung học cơ sở Nam Từ Liêm, Hà Nội Ảnh: Ngọc Tú |
Giảm tải áp lực sĩ số tại nhiều trường hiện nay
Theo tính toán, TP sẽ chi tới hàng chục nghìn tỷ đồng để giảm tải áp lực sĩ số tại nhiều trường hiện nay. Trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội dự kiến xây dựng mới 433 trường. TP cũng cải tạo, sữa chữa các trường và phòng học bộ môn. Ước tính nhu cầu đầu tư cho lĩnh vực giáo dục đào tạo là khoảng 51 nghìn tỷ đồng.
Áp lực nhất trong các kỳ tuyển sinh hiện nay tại các đô thị lớn, có lẽ là kỳ tuyển sinh vào lớp 10 công lập. Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội, giai đoạn 2025 - 2030, toàn TP có kế hoạch xây mới thêm 30 - 35 trường THPT công lập mới đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Đơn cử như quận Cầu Giấy đang rất thiếu trường THPT công lập. Quận chỉ có 2 trường THPT công lập, trong khi năm nay có gần 7.000 học sinh hết lớp 9. Vì thế, tỷ lệ đáp ứng vào lớp 10 công lập chưa đạt được 30%. Trong khi, con số này cần phải đảm bảo là 60-70%. Để giải quyết cấp bách nhu cầu của học sinh, dự kiến tháng 8/2024, lãnh đạo quận Cầu Giấy sẽ khởi công xây dựng một trường THPT và hoàn thiện vào năm 2025. Còn trong các năm tiếp theo, sẽ xây mới và nâng cấp các trường công lập hiện có. Hiện nay tại Hà Nội quận thiếu nhiều trường nhất là Hoàng Mai: ước tính trên 10 trường THPT công lập. Nhiều quận ngoại thành cũng đã thiếu 3- 5 trường.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, ở bậc THPT các loại hình trường học đảm bảo đáp ứng đủ chỗ học cho học sinh. Tuy nhiên, khối trường công lập khó khăn dồn về một số quận nội thành đông dân cư có số học sinh tăng nhanh. Ngành đã có tham mưu, đề xuất TP dành nguồn lực để xây mới thêm trường THPT công lập đưa vào sử dụng. Cụ thể, năm học tới có 2 trường THPT công lập đi vào hoạt động. Giai đoạn 2025-2030, Thủ đô sẽ có thêm 30-35 trường công lập mới, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Các quận huyện đã dành quỹ đất để xây dựng trường và hiện nay đang trong giai đoạn rà soát lại. Đặc biệt, 7 trường liên cấp tiểu học, THCS - THPT tiên tiến hiện đại hiện nay kế hoạch đầu tư công trung hạn đã bố trí nguồn vốn để xây dựng... Theo báo cáo mới nhất của UBND TP Hà Nội, TP còn thiếu 49 trường, tại 8 quận, gồm Ba Đình, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai. Theo quy định, cứ 3 - 5 vạn dân thì cần bố trí 1 trường THPT. Tại quận Hai Bà Trưng có 303.856 dân thì cần 6 - 10 trường THPT công lập, nhưng hiện tại quận Hai Bà Trưng chỉ có 3 trường.
Thu hồi dự án “treo” để xây trường học
Mặc dù quận Hai Bà Trưng đang thiếu trường lớp trầm trọng, nhưng điều trớ trêu là, nhiều khu “đất vàng” tại quận đang bị sử dụng sai mục đích, rất lãng phí. Về vấn đề này, UBND TP Hà Nội cho biết, khu đất tại số 163 phố Đại La có diện tích khoảng 2.170m2 còn lại sau khi giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 2 do Công ty Cổ phần Điện máy, xe đạp, xe máy đang quản lý, sử dụng. Khu đất tại ô quy hoạch ký hiệu A1-CCDV2 thuộc phân khu đô thị H2-4 tỷ lệ 1/2000 đã được UBND TP phê duyệt tại Quyết định số 6499 năm 2015, được xác định chức năng là đất công cộng đơn vị ở. Ngày 7/7/2017, UBND TP có công văn chấp thuận về nguyên tắc việc điều chỉnh chức năng từ đất công cộng đơn vị ở sang đất trường mầm non theo đề nghị của UBND quận Hai Bà Trưng và báo cáo của Sở Quy hoạch - Kiến trúc. Thực hiện chỉ đạo trên, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã ra các văn bản hướng dẫn UBND quận Hai Bà Trưng nghiên cứu tổ chức lập điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu đô thị H2-4 tỷ lệ 1/2000 tại ô quy hoạch ký hiệu A1-CCDV2 theo quy định.
Tháng 10/2023, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã có công văn hướng dẫn UBND quận Hai Bà Trưng các nội dung trên để có cơ sở thẩm định, trình UBND TP xem xét phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu đô thị, làm cơ sở để UBND quận Hai Bà Trưng triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng trường mầm non tại khu đất. Đối với khu đất số 418 phố Bạch Mai, theo UBND TP Hà Nội, khu đất có tổng diện tích khoảng 7.070m2 do Công ty Kỹ thuật Điện Thông quản lý, sử dụng (theo hợp đồng thuê đất ký ngày 22/9/1998).
Theo Nghị quyết số 15/2023 của HĐND TP thông qua điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất năm 2023, trong đó có dự án đăng ký mới thực hiện trong năm 2023 của quận Hai Bà Trưng là dự án xây dựng trường tiểu học tại 418 Bạch Mai và dự án xây dựng trường mầm non tại 418 Bạch Mai. UBND TP khẳng định, việc người dân đề nghị xây trường học tại khu đất số 418 phố Bạch Mai là phù hợp với định hướng quy hoạch được phê duyệt.
Còn đối với khu đất tại số 14 phố Mạc Thị Bưởi, UBND TP Hà Nội cho biết, khu đất do Công ty Thực phẩm Miền Bắc quản lý sử dụng, có diện tích khoảng 7.545m2. Theo quy hoạch phân khu đô thị H1-4 tỷ lệ 1/2000 đã được UBND TP phê duyệt, khu đất trên có một phần diện tích (phía Tây Nam) nằm trong phạm vi mở đường quy hoạch, phần lớn diện tích còn lại nằm trong khu vực được định hướng chức năng là đất trường THPT (diện tích khoảng 6.900m2). Vì vậy, UBND TP Hà Nội cho biết, việc xây trường học tại khu đất số 14 phố Mạc Thị Bưởi là phù hợp với định hướng quy hoạch được phê duyệt.
Quận Hoàng Mai là địa bàn có nhiều quỹ đất đã quy hoạch để xây trường học, nhưng vẫn thiếu trường, thiếu lớp. Theo thống kê, đến hết năm 2023, trên địa bàn quận có 59 ô đất được quy hoạch xây trường học đã được quận giao chủ đầu tư, nhưng chưa được xây dựng. Với sự quyết liệt vào cuộc của UBND TP và quận Hoàng Mai, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà (HUD) đã chủ động bàn giao bốn ô đất để xây dựng bốn trường học cho TP. Đến nay, cả bốn dự án xây trường đều đã được triển khai đầu tư xây dựng.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại