Hà Nội: Kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng quỹ nhà tái định cư
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTheo đánh giá, nguyên nhân công tác quản lý, sử dụng quỹ nhà tái định cư và diện tích kinh doanh dịch vụ tại các nhà tái định cư còn nhiều bất cập, hạn chế là do việc thành lập ban quản trị nhà chung cư còn chậm. |
Quỹ nhà tái định cư còn trống
Theo đánh giá của các đại biểu ở kỳ họp thứ 12 Hội đồng nhân dân TP vừa qua, hoạt động đấu giá tại tầng 1 chung cư thương mại đang rất chậm, mới tiếp nhận 3 dự án. Cùng với đó, quỹ nhà tái định cư để trống còn khá nhiều gây lãng phí tài sản Nhà nước. Bên cạnh đó, hiện có khoảng hơn 700m2 diện tích tầng 1 nhà chung cư tái định cư sử dụng sai phép.
Ông Võ Nguyên Phong - GĐ Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Sở đã ban hành các kế hoạch nhánh liên quan đến quản lý quỹ nhà tầng 1 ở các tòa tái định cư, chung cư thương mại phải bàn giao cho TP. Các quỹ nhà liên quan đến xử lý vi phạm về quỹ tái định cư, quỹ nhà chuyên dùng.
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, diện tích tầng 1 hiện TP đang quản lý trên 80.000m2, còn trên 33.000m2 chưa có đơn vị sử dụng. Để khắc phục, Sở Xây dựng đã ban hành 3 văn bản đấu giá cho 3 đơn vị. Thứ nhất đối với Ban quản lý nhà công sở có 14.300m2, đối với Cty Nhà là 14.012m, HUD là 5.497m2. Ba đơn vị này Cty quản lý phát triển nhà Hà Nội đã đấu giá 59 điểm với diện tích xấp xỉ 10.000m2 nhưng chỉ thành công được 8 điểm, chưa được 1.000m2. Tiền tổ chức đấu giá cũng là do Cty tự ứng ra. Ban quản lý nhà công sở cũng đang vướng dự toán thu chi của quỹ nhà không sử dụng vào mục đích để ở theo Thông tư 124 của Bộ Tài chính.
Ông Phong cho biết, để sớm triển khai thực hiện đấu giá, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo tách khối lượng công việc cần thực hiện ngay để Sở Tài chính, Sở Xây dựng triển khai trước trong khi chờ Bộ Tài chính hướng dẫn.
Cũng theo ý kiến của các đại biểu HĐND TP, trong tổng số 199 tòa nhà chung cư tái định cư với 17.957 căn hộ thì có tới 650 căn hộ có vi phạm khi đơn vị quản lý tự ý cho vào ở trong khi các hộ chưa ký hợp đồng, chưa nộp tiền thuê nhà. Hiện nay mới khắc phục được 396 căn.
GĐ Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, sau khi TP Hà Nội ban hành Đề án về quản lý tài sản công, trên cơ sở đó Sở Xây dựng đã ban hành Kế hoạch 297 để khắc phục tồn tại hạn chế trong tài sản công là nhà đất.
Đối với Tổng Cty HUD là đơn vị thuộc Bộ Xây dựng có Cty Dịch vụ nhà ở và đô thị gọi tắt là HUDS. Đơn vị này có quản lý một số khu đô thị do HUD làm chủ đầu tư. Tại khu đô thị Việt Hưng tổng cộng có 112 ki ốt, tổng HUD đã thu hồi lại 65/112 ki ốt và bàn giao 35 trên tổng 65 ki ốt đã thu hồi về. Riêng đối với các ki ốt hiện nay chưa thu hồi có một số nguyên nhân như hợp đồng còn giá trị.
Bên cạnh đó, HUDS đã khởi kiện ra Tòa án Nhân dân quận Long Biên để xử lý các trường hợp không trả lại các ki ốt này. Trong đó, Tòa án Nhân dân quận Long Biên đã hòa giải 1 vụ, tuyên 8 vụ HUDS thắng kiện và các đơn vị hiện nay đang sử dụng phải bàn giao lại cho HUDS. Hiện Tòa án nhân dân quận Long Biên đang xét xử theo trình tự pháp luật các vụ còn lại. Tất cả vụ này được đưa ra xét xử trong năm 2023.
Nguyên nhân còn nhiều bất cập
Theo đánh giá, nguyên nhân công tác quản lý, sử dụng quỹ nhà tái định cư và diện tích kinh doanh dịch vụ tại các nhà tái định cư còn nhiều bất cập, hạn chế là do việc thành lập ban quản trị nhà chung cư còn chậm, đến nay mới đạt được 113/199 tòa chung cư. Công tác bàn giao kinh phí 2%, bàn giao hồ sơ, diện tích chung riêng, nhà sinh hoạt cộng đồng, hệ thống trang thiết bị của tòa nhà tái định cư, công tác quản lý vận hành nhà chung cư... của các đơn vị được giao quản lý quỹ nhà cho ban quản trị chậm, đạt tỷ lệ thấp. Việc bảo trì, sửa chữa đối với nhà tái định cư chậm, chưa đáp ứng yêu cầu, gây bức xúc cho cư dân.
Cũng tại kỳ họp thứ 12 HĐND TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, qua rà soát từ năm 2011 đến nay, có 712 dự án chậm tiến độ, với diện tích hơn 5.000ha. Đến nay, sau hơn 1 năm quyết liệt triển khai thực hiện, TP đã rà soát và có phương án xử lý 419 dự án (trong đó đã có thông báo, quyết định thu hồi đất, chấm dứt, dừng thực hiện 118 dự án với diện tích khoảng 2.000ha). UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung giải quyết.
Tuy nhiên, vẫn còn có một số dự án, nội dung công việc chưa bảo đảm tiến độ và yêu cầu, mong muốn của đại biểu HĐND TP Hà Nội và cử tri thủ đô. Trong thời gian tới, Hà Nội quyết tâm xử lý dứt điểm 293 dự án còn lại trước ngày 31/12/2023.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại