Thứ bảy 20/04/2024 18:22

Gói hỗ trợ nghệ sĩ viên chức hạng IV: Mòn mỏi chờ tiếp sức

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Dù đã lập danh sách 302 trường hợp xét hỗ trợ theo gói hỗ trợ nghệ sĩ giữ chức danh nghề nghiệp đạo diễn, diễn viên, họa sĩ viên chức hạng IV nhưng đã gần 2 tháng trôi qua, 12 đơn vị nghệ thuật công lập trực thuộc Bộ VH,TT&DL đóng trên địa bàn TP Hà Nội vẫn chưa được nhận tiền trợ cấp.

302 trường hợp vẫn đang chờ xét duyệt

Vừa qua, 99 viên chức của 6 nhà hát trực thuộc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội gồm: Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội và Nhà hát Múa rối Thăng Long đã nhận được tiền trợ cấp một lần là 3.710.000 đồng/người từ gói hỗ trợ nghệ sĩ dành cho đạo diễn, diễn viên, họa sĩ viên chức hạng IV theo Nghị quyết 68/NQ-CP.

Bên cạnh niềm vui khi nhận được quan tâm tích cực của Chính phủ tới đời sống của giới nghệ sĩ thì một số lãnh đạo Nhà hát của các đơn vị nghệ thuật vẫn chia sẻ đầy tâm tư xung quanh câu chuyện hỗ trợ.

Nếu như đơn vị nghệ thuật Hà Nội và một số địa phương, các nghệ sĩ đã nhận được tiền trợ cấp thì con số 302 người thuộc 12 đơn vị nghệ thuật công lập trực thuộc Bộ VH,TT&DL vẫn chưa được nhận hỗ trợ trong gói 26 nghìn tỉ đồng của Chính Phủ.

Trong danh sách, Liên đoàn Xiếc Việt Nam có 104 người, Nhà hát Tuồng Việt Nam gần 60 người, Nhà hát Chèo Việt Nam là hơn 40 người và là 3 đơn vị nghệ thuật có danh sách “áp đảo” do đặc thù nghề, đối tượng diễn viên trẻ là lực lượng nòng cốt. Trong khi, danh sách Nhà hát Kịch Việt Nam có 2 trường hợp.

Gói hỗ trợ nghệ sĩ viên chức hạng IV: Mòn mỏi chờ tiếp sức
Ngành Xiếc có 104 trường hợpnhận hỗ trợ cho viên chức hạng IV.

NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam bày tỏ: “Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã lập danh sách hơn 100 trường hợp thuộc đối tượng được hỗ trợ trong gói hỗ trợ 26 nghìn tỉ đồng của Chính phủ. Đến nay, chúng tôi đã có cuộc làm việc với Bộ LĐ,TB&XH, để họ lắng nghe, nắm bắt tâm tư và hiểu rõ hơn về các diễn viên hạng IV. Tuy nhiên, sau khi gửi danh sách lên cơ quan chức năng, cụ thể Sở VH&TT Hà Nội thì đến nay, nghệ sĩ vẫn tiếp tục chờ. Mức hỗ trợ cho họ cũng chỉ được khoảng 3,7 triệu đồng/người/lần. Khoản tiền không lớn nhưng có vai trò động viên tinh thần, nghệ sĩ cảm kích vì cảm nhận không bị bỏ lại phía sau”.

Nghệ sĩ trẻ Tuấn Hiệp (Nhà hát Tuồng Việt Nam) cho biết, hiện các nghệ sĩ Tuồng vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ. Là diễn viên biên chế với hệ số lương 1,86, mức lương rất thấp dành cho các diễn viên hệ trung cấp mới ra trường.

Do dịch Covid-19, các hoạt động Nhà hát đóng cửa, với tiền lương 1,86 triệu đồng cộng tiền trợ cấp nghề thì mỗi tháng Tuấn Hiệp nhận được 3,1 triệu đồng và không có bất cứ một khoản thù lao nào khác.

Trong khi gần 2 năm qua, tình trạng sân khấu “đóng băng”, các suất diễn hợp đồng sân khấu trong thời điểm dịch bệnh được kiểm soát tốt chỉ như “muối bỏ bể”. Nếu không có sự quan tâm của lãnh đạo Nhà hát Tuồng, được hỗ trợ điều kiện ăn, ở tại khu tập thể của Nhà hát thì các nghệ sĩ trẻ rất khó bám trụ với nghề.

Gói hỗ trợ nghệ sĩ viên chức hạng IV: Mòn mỏi chờ tiếp sức
Vở diễn "Làm vua" trên sân khấu Tuồng. Diễn viên Tuấn Hiệp đảm nhận vai vua Minh Mạng (đứng ngoài cùng bên trái)

Nghệ sĩ trẻ Tuấn Hiệp cho biết thêm, với gói hỗ trợ từ Chính phủ dành cho các viên chức hạng IV là sự quan tâm thiết thực, ý nghĩa. Đó không chỉ là động lực góp phần hỗ trợ cho nghệ sĩ trẻ mới ra trường với bậc lương hạng IV khó khăn, còn tạo cơ hội giữ chân các nghệ sĩ trẻ gắn bó với nghệ thuật truyền thống.

Trước ý kiến từ các lãnh đạo Nhà hát, thông tin từ Sở VH&TT Hà Nội cho biết, đơn vị này đang tiếp tục triển khai, lên danh sách, báo cáo và xin ý kiến Bộ VH,TT&DL thống nhất về số lượng, danh sách đối với các đối tượng thụ hưởng là viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật thuộc cơ quan T.Ư đóng trên địa bàn TP. Hà Nội trực thuộc Bộ VH,TT&DL quản lý. Theo đó, số lượng nghệ sĩ thuộc diện xem xét hỗ trợ từ 12 đơn vị nghệ thuật đến nay có 302 người.

Sân khấu đâu chỉ có “ngôi sao”

Khác với diễn viên xúng xính trang phục, trang điểm biểu diễn thì những diễn viên hậu đài tất bật với những công việc “không tên” khác. Những người làm công việc hậu đài, họ thường đến sớm sau khi vở diễn diễn xong, các diễn viên diễn xong thì họ ở lại dọn dẹp, sắp xếp hậu trường. Chưa kể những buổi biểu diễn lưu động, sắp xếp đồ lên xe, vận chuyển khối lượng đạo cụ.

Điều lạ là, những người làm công việc hậu đài thường nhận mức thù lao thấp dẫn, công việc vất vả, đồng lương eo hẹp và thường rất ít trường hợp được ký biên chế của cơ quan. Trong khi danh sách từ gói hỗ trợ từ Nghị định 86 thì đối tượng nhận hỗ trợ dành cho trường hợp là đạo diễn, diễn viên, nhạc sĩ viên chức hạng IV.

Dẫu biết, diễn viên là trung tâm của sân khấu nhưng nếu không có những người làm công việc hậu đài, tận tâm sau cánh gà thì vở diễn sẽ không thể thành công trọn vẹn. Bởi thế, rất cần gói hỗ trợ đối với những người làm hậu đài phía sau sân khấu nhưng cả đời không được khán giả tặng hoa này.

Thời gian qua, dư luận dấy lên tranh cãi xung quanh câu chuyện hỗ trợ “nghệ sĩ giàu” thuộc Nhà hát Kịch Hà Nội như Thanh Hương, Hồng Đăng, Ngọc Quỳnh,… vẫn nhận được tiền trợ cấp từ gói hỗ trợ viên chức hạng IV. Điều này khiến cho dư luận bất bình.

Chính lãnh đạo Nhà hát Kịch Hà Nội là NSND Trung Hiếu cũng lên tiếng cho rằng, đơn vị đã có đề xuất gửi Sở VH&TT Hà Nội bổ sung thêm lực lượng hậu đài, âm thanh nhận hỗ trợ đợt sau.

NSND Quốc Anh, Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội cho rằng, có sự bất cập trong việc xét duyệt đối tượng đủ điều kiện hỗ trợ vì diễn viên trẻ mới ra trường đang trong quá trình thử thách rất đông lại không được hưởng hỗ trợ.

Bởi khi về Nhà hát công tác, họ tốt nghiệp cao đẳng là các đối tượng nghệ sĩ viên chức hạng III, dù vậy lương của nghệ sĩ trẻ thấp hơn so với viên chức hạng IV có nhiều năm công tác trong nghề.

Các lãnh đạo Nhà hát đề xuất, việc hỗ trợ nghệ sĩ nên cần đúng đối tượng, đúng thời điểm và cần có sự vào cuộc nhanh chóng của các cơ quan để những chính sách, sự quan tâm của Nhà nước, Chính phủ kịp thời đi vào đời sống.

Thống kê của Bộ VH-TT&DL cho thấy, hiện cả nước có 100 đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) với hơn 2.000 viên chức là nghệ sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV và nhận được trợ cấp một lần 3,7 triệu đồng/người.
Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động