Gói hỗ trợ cần được triển khai kịp thời
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTheo số liệu báo cáo về tình hình lao động việc làm quý II và 6 tháng đầu năm 2021 của Tổng cục Thống kê, cả nước có gần 13 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch, dịch bệnh đã làm tăng thêm 3,7 triệu lao động rơi vào tình trạng này so với quý I. Thêm vào đó là khoảng 1,8 triệu người lâm vào cảnh không có việc và 1,4 triệu lao động đang mong manh do không có việc làm một cách chính thức. Số liệu cũng chỉ rõ, 5 tháng đầu năm 2021, đã có gần 60.000 DN trên cả nước phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động, hoặc giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020.
Hỗ trợ người lao động và DN cùng nhau vượt khó, không bỏ ai lại phía sau là chủ trương xuyên suốt bao trùm của Đảng và Nhà nước ta. Chính vì vậy, năm 2020, khi dịch bệnh mới bùng phát, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 với tổng mức hỗ trợ lên tới 62.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm triển khai gói hỗ trợ mới chỉ giải ngân được gần 14.000 tỷ đồng, tương đương trên 22%. Đa số khoản tiền này là chi trực tiếp cho người thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách, lao động tự do mất việc làm, hộ kinh doanh...
Việc hỗ trợ người lao động và DN cùng nhau vượt khó, không bỏ ai lại phía sau là chủ trương xuyên suốt bao trùm của Đảng và Nhà nước ta |
Gói hỗ trợ an sinh xã hội năm 2021 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ đã mở rộng độ bao phủ và tăng cường hiệu quả được cụ thể hóa bằng cách thêm các nhóm lao động được nhận hỗ trợ và giảm bớt gánh nặng thủ tục hành chính, đang được kỳ vọng loại bỏ được những vướng mắc, đưa nguồn lực đến đúng đối tượng, tạo điểm tựa cho người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn.
So với gói hỗ theo Nghị quyết 42, gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 được mở rộng cả phạm vi, hình thức và đối tượng hỗ trợ. Gói hỗ trợ lần này đã giải quyết được “điểm nghẽn” về tiêu chí và mức hỗ trợ nhóm lao động không có hợp đồng (lao động tự do) và một số nhóm đặc thù khác. Chính phủ cũng đã đưa ra mức hỗ trợ tối thiểu, phân quyền về cho địa phương tự xây dựng các mức hỗ trợ phù hợp với điều kiện thực tế của mình.
Tuy nhiên, bên cạnh nhiều địa phương đã chủ động, gấp rút triển khai ngay các gói hỗ trợ, thì cũng có nơi vẫn còn khá chậm trễ. Bởi, một tuần sau khi Chính phủ ban hành hướng dẫn thủ tục, mới có 33 tỉnh thành báo cáo về kế hoạch hỗ trợ lao động theo Nghị quyết 68. Khi đợt dịch thứ 4 vẫn đang diễn ra ngày càng phức tạp, tại nhiều tỉnh, thành phía Nam, bao gồm cả TP Hồ Chí Minh đã phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hà Nội cũng đã bước vào lần thứ 3 quyết định tạm ngưng hoạt động các dịch vụ không thiết yếu.
Thời điểm này, trong lộ trình thực hiện mục tiêu kép, dù rất nôn nóng đẩy mạnh khôi phục kinh tế thì nhiều địa phương vẫn buộc lòng ưu tiên cho công tác phòng chống dịch nhằm bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân. Nhiều nơi đã phải giãn cách, cách ly, tạm dừng hoạt động kinh doanh, dịch vụ, nhiều người làm tự do phải nghỉ việc hoàn toàn. Đời sống của hàng triệu nhân viên, công nhân bị ảnh hưởng, bữa cơm manh áo của hàng ngàn lao động tự do không còn.
Trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 , chúng ta phấn đấu không để ai bị nhiễm bệnh, không để ai không được sử dụng vaccine, không để ai không được điều trị…Nhưng, việc triển khai thực hiện chính sách an sinh xã hội, cụ thể là triển khai gói hỗ trợ đến DN và người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 hiện nay cũng quan trọng, khẩn cấp như “dập dịch”. Một gói hỗ trợ được triển khai thần tốc, kịp thời hỗ trợ người dân và DN trong giai đoạn ngặt nghèo này sẽ là nguồn trợ lực thiết thực về vật chất và cổ vũ tinh thần lớn cho toàn dân ta trong cuộc chiến chống Covid-19.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại