Giữ lòng đường, vỉa hè thông thoáng - Kỳ cuối: Cần giải pháp căn cơ, bài bản
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCảnh sát giao thông CATP Hà Nội đang lập biên bản xử lý tài xế vi phạm dừng đỗ trái quy định trên tuyến đường Phạm Tu (đoạn thuộc địa bàn huyện Thanh Trì). Ảnh: Duy Anh. |
Lực lượng chức năng nói gì?
Vừa qua, Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) số 14 (Phòng CSGT - CATP Hà Nội) đã lập chốt xử lý vi phạm về việc dừng đỗ xe trái quy định gây nên tình trạng lộn xộn, mất trật tự giao thông trên trên tuyến đường Phạm Tu (trước là Đại lộ Chu Văn An, đoạn thuộc địa phận huyện Thanh Trì).
Theo chia sẻ của Đại úy Uông Đức Hùng (cán bộ Đội CSGT số 14), một số cung và tuyến trên con đường này hiện chỉ có biển cấm đỗ nhưng không có biển cấm dừng, do vậy đây cũng là một kẽ hở để hàng ngày một lượng lớn xe tải “tranh thủ” dừng đỗ để giao nhận hàng hóa, gây nên tình trạng lộn xộn ở tuyến đường này.
Được biết, lực lượng chức năng cũng thường xuyên bố trí cán bộ tuần lưu, tuy nhiên khi thấy bóng dáng cán bộ thì các xe tải này lập tức di chuyển, đến lúc lực lượng chức năng di chuyển đi nơi khác thì các xe tải này lại tụ tập, gây khó khăn cho công tác xử lý các vi phạm liên quan đến việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè tại khu vực này.
Tình trạng trên tuyến đường này không đại diện cho toàn TP, nhưng thực tế là trên nhiều tuyến đường tại các quận huyện khác cũng có tình trạng xe tải, xe bán hàng rong lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, nhưng chỉ cần có lực lượng chức năng sắp đến là họ sẽ nhanh chóng di chuyển qua địa điểm khác ngay lập tức.
Cũng do vậy mà nhiều khi lực lượng chức năng cũng phải chọn phương án đánh úp, tạo tình huống bất ngờ, chứ nếu để cho các phương tiện chủ động thì sẽ rất khó xử lý. Ngoài ra, mức phạt hành chính cho các trường hợp này cũng chỉ khoảng từ 400.000 đến 600.000 đồng cũng chưa đủ sức răn đe.
Khu vực vỉa hè trước cửa trụ sở UBND phường Kim Liên (quận Đống Đa) cũng được tận dụng để bày bán hoa. Ảnh: Duy Anh. |
Xử lý cán bộ khu vực nếu để xảy ra nhiều vi phạm về trật tự hè phố, lòng đường
Hồi tháng 3/2023, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký văn bản về việc tăng cường kiểm tra, quản lý sử dụng hè phố, lòng đường. Trong đó có nội dung quan trọng đó là yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp lấn chiếm hè phố, lòng đường làm nơi kinh doanh, buôn bán,… xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Theo đó, định kỳ ngày 5 hàng tháng, các địa phương sẽ tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện về Thành ủy, UBND TP, trong đó nêu rõ các địa bàn còn nhiều vi phạm. Trường hợp các địa bàn xã, phường, thị trấn để xảy ra nhiều vi phạm về trật tự hè phố, lòng đường thì sẽ công khai thông tin các Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã; Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn tại các cuộc họp báo của UBND TP hàng tháng. Có thể thấy, đây cũng là một trong những đổi mới, quyết tâm của chính quyền TP trong việc xử lý vi phạm về trật tự hè phố, lòng đường. Thay vì việc xử phạt để tồn tại thì nay đã quyết liệt, sát sao hơn trong công tác xử lý. Đồng thời quy rõ trách nhiệm của người đứng đầu địa bàn.
Cần linh hoạt, gắn với an sinh xã hội
Tại Hội nghị giao ban giữa Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND Hà Nội với lãnh đạo quận, huyện, thị xã cuối tháng 3/2023, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhận định, lòng đường, vỉa hè gắn với sinh kế của người dân, phần nào đó là kinh tế đô thị. Nguyên nhân sâu xa và lớn nhất của những khó khăn, bất cập hiện nay là thiếu quy hoạch. Do đó, vấn đề quan trọng là phải có các giải pháp căn cơ, bài bản, không làm theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”.
Từ những thực tế nhu cầu mưu sinh của người dân, cũng như công tác đảm bảo an ninh, trật tự, bộ mặt Thủ đô gắn liền với phát triển kinh tế, có lẽ nhiều người sẽ đồng quan điểm cho rằng, nên cân nhắc việc cho người dân thuê vỉa hè để kinh doanh. Việc trả phí khi sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè cũng sẽ nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi sử dụng, qua đó góp phần giữ gìn hình ảnh một Thủ đô văn minh, sạch đẹp. Trong tháng 9/2023 vừa qua ở TP Hồ Chí Minh, tại kỳ họp thứ 11, HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X đã thông qua Nghị quyết về mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn. TP sẽ chính thức thu phí từ ngày 1/1/2024.
Đây có lẽ cũng sẽ là cơ hội cho Hà Nội có cái nhìn trực quan, thực tế nhất trong việc triển khai thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè. Từ đó có thể rút kinh nghiệm, cải tiến và đem áp dụng tại Thủ đô Hà Nội.
Giữ lòng đường, vỉa hè thông thoáng - Kỳ 1: Bài toán nan giải |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại