Thứ năm 28/03/2024 19:14
Góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội

Giáo dục Thủ đô nên đi đầu trong công tác xóa bỏ bệnh thành tích

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Qua nghiên cứu tôi thấy dự thảo văn kiện có bố cục rất chặt chẽ, khoa học và hợp lý, nội dung súc tích, bao quát đánh giá sát thực kết quả mọi mặt đời sống kinh tế xã hội của Hà Nội trong nhiệm kỳ qua.

Với những mục tiêu nhiệm kỳ tới, tôi cho rằng nếu tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp thì Hà Nội hoàn toàn có thể hoàn thành được các mục tiêu đó, chị Nguyễn Hà Quyên (ở chung cư ICID Complex Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội) cho biết.

Cũng theo chị Quyên: Thế nhưng bàn về giáo dục, theo tôi ngoài những điều tổng thể có tính bao quát trong dự thảo, giáo dục Thủ đô nên đi đầu trong công tác xóa bỏ bệnh thành tích trong giáo dục.

Có nhiều câu chuyện ở ngay trong giáo dục Thủ đô mà tôi biết, có nói ra cũng ít người tin. Ví dụ như hàng xóm nhà tôi than phiền có con học tiểu học tại một trường chuẩn quốc gia, nhưng đến năm lớp 3 cháu vẫn chưa đọc thông viết thạo. Ba năm qua đến 2 lần chị đến trường xin giáo viên chủ nhiệm, xin hiệu trưởng cho cháu “được” ở lại lớp, có phải làm cách nào cũng xin cho cháu được ở lại để củng cố chương trình năm vừa rồi. Nhưng đó như một “nhiệm vụ bất khả thi”. Dù không đọc thông viết thạo, dù lên lớp 3 các phép tính cộng trừ cháu vẫn phải tính nhẩm nhưng cuối năm cháu vẫn được đánh giá đạt và lên lớp.

Và sau 3 tháng không đến trường vì dịch Covid-19 vừa qua, có bao nhiêu học sinh sẽ rơi rớt kiến thức, chậm chí quên cả những kiến thức cơ bản… có những học sinh tiểu học sau khi đến trường lại u ơ như mới vào năm học mới. Thế nhưng cuối kỳ tổng kết lại vẫn 98, 99 thậm chí 100% đạt kết quả và lên lớp như thường.

Tôi không hiểu với học sinh như vậy, các cháu sẽ ra sao khi tiếp tục học lên các lớp trên. Câu chuyện ai được lợi ở đây? Cô giáo chủ nhiệm đạt kết quả thi đua, khối đủ chỉ tiêu thi đua, và dĩ nhiên trường cũng đạt. Nhưng còn học sinh? Các con tiếp tục leo lên các lớp trên với lỗ hổng kiến thức, và càng lên cao thì lỗ hổng đó càng lớn. Cộng theo đó là nỗi sợ đến trường, là áp lực phải đuổi theo các bạn… Cuối cùng trong thời gian ngồi trên ghế nhà trường, các con học được gì?

giao duc thu do nen di dau trong cong tac xoa bo benh thanh tich
Chị Nguyễn Hà Quyên

Bệnh thành tích, bấy lâu nay nó như một điều đương nhiên. Nhiều trường nâng điểm do lãnh đạo hoặc từ giáo viên, học sinh, cũng chỉ vì giữ “thành tích” của trường không sụt giảm, bị trừ điểm thi đua. Nếu bị trừ điểm thi đua thì giáo viên sẽ mất điểm, bị trừ tiền thưởng, trường mất danh hiệu, hiệu trưởng sẽ khó được đề bạt cất nhắc ở vị trí cao hơn.

Có thể kể những biểu hiện “bệnh thành tích” trong giáo dục có các nhóm như: Về kết quả học tập học sinh, sinh viên, thi giáo viên dạy giỏi, thi đại trà văn bằng, chứng chỉ; dạy thêm, học thêm… Sự khác nhau căn bản giữa thành tích và “bệnh thành tích” là giữa cái thật và cái giả.

Để thay đổi điều này, tôi nghĩ trong Dự thảo cần cụ thể hơn những biện pháp, những quy định cho ngành giáo dục Thủ đô. Giải pháp đầu tiên là cần nhận thức đúng các phong trào thi đua trong ngành giáo dục. Mỗi cơ sở giáo dục và đào tạo phải được tự chủ, dân chủ, nhân văn trong mọi hoạt động giáo dục. Thi đua phải gắn liền với cơ chế dân chủ, quản lý bằng dân chủ, người lao động phải được biết, được bàn, được kiểm tra, như vậy mới có niềm tin vào hoạt động giáo dục và đi vào thực chất.

Cần thay đổi tư duy của cán bộ, quản lý, giáo viên, thay đổi cơ chế quản lý của ngành giáo dục. Kiên quyết thực hiện cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Từ đó đề ra các giải pháp hữu hiệu, tổ chức lại hoạt động trong nhà trường và các phong trào thi đua sao cho thực chất, các tiêu chí đưa ra phù hợp, tránh hình thức.

Minh Dương (ghi)
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động