Thứ bảy 20/04/2024 17:58

Giám sát chặt chẽ việc trả lương giờ làm thêm cho người lao động

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam vừa có hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện Nghị quyết số 17 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về số giờ làm thêm trong 1 năm, trong 1 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Người lao động làm việc tại Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Các cấp công đoàn cần tăng cường công tác giám sát, tham gia thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi. Ảnh minh hoạ

Triển khai Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15 ngày 24/3/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về số giờ làm thêm trong 1 năm, trong 1 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam hướng dẫn các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn triển khai và giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Chỉ đạo các cấp công đoàn trực thuộc phối hợp với ngành lao động - thương binh và xã hội, các cơ quan liên quan tuyên truyền, phổ biến cho đoàn viên, người lao động hiểu đúng và đầy đủ nội dung và tinh thần của Nghị quyết, trong đó, lưu ý một số nội dung cụ thể:

Các trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong 1 năm là các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết và khoản 3 Điều 107 Bộ luật Lao động 2019.

Tất cả trường hợp được làm thêm tối đa 300 giờ trong 1 năm đều được làm thêm từ trên 40 giờ đến 60 giờ trong 1 tháng kể từ ngày 1/4/2022.

Khi tổ chức thực hiện quy định về số giờ làm thêm theo Nghị quyết vẫn phải tuân thủ đầy đủ các quy định khác về làm thêm giờ tại Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn Bộ luật Lao động (quy định về giới hạn số giờ làm thêm trong ngày; tiền lương phải trả khi làm thêm giờ; các nội dung về sự đồng ý của người lao động tham gia làm thêm; thông báo khi tổ chức làm thêm trên 200 giờ trong 1 năm...).

Khi tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong 1 năm theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết, người sử dụng lao động phải thông báo cho cơ quan quản lý Nhà nước về lao động tại địa phương theo quy định.

Bên cạnh đó, các cấp công đoàn cần tăng cường công tác giám sát, tham gia thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi. Trong đó, quan tâm giám sát việc trả tiền lương làm theo giờ đúng quy định; việc bảo đảm đầy đủ các quy trình quản lý rủi ro có thể phát sinh do việc làm thêm giờ tạo ra; việc theo dõi các biểu hiện sức khỏe của người lao động trong quá trình làm thêm giờ; việc tổ chức lấy ý kiến đồng ý của người lao động khi làm thêm giờ…

Hướng dẫn, định hướng cho các cấp công đoàn (nhất là công đoàn cơ sở) một số nội dung đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động khi tổ chức làm thêm giờ, chú trọng một số nội dung:

Điều 98 Bộ luật Lao động quy định về tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm là mức tối thiểu phải bảo đảm khi tổ chức cho người lao động làm thêm giờ, do đó công đoàn cơ sở nên thương lượng với người sử dụng lao động về mức tiền lương làm thêm giờ cao hơn mức tối thiểu này hoặc cao hơn mức doanh nghiệp đang chi trả để động viên, khuyến khích và bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người lao động.

Nếu thời gian làm thêm trong 1 ca lớn hơn 3 giờ thì ngoài quy định về thời gian nghỉ giữa ca, đề nghị người sử dụng lao động cứ sau 90 phút làm việc thêm giờ thì bố trí giải lao ít nhất 10 phút, nhất là đối với người lao động làm việc ở các dây chuyền sản xuất liên tục.

Đề xuất, đối thoại, thương lượng với doanh nghiệp quan tâm cung cấp bữa ăn ca bảo đảm đủ chất, cân bằng dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm với giá trị bữa ăn ca bằng hoặc cao hơn mức quy định; đề xuất bổ sung bữa ăn phụ, bữa ăn nhẹ cho người lao động sau khi kết thúc làm thêm để phục hồi sức khỏe; đề xuất doanh nghiệp hỗ trợ tiền gửi trẻ cho người lao động nhất là lao động có con dưới 6 tuổi.

Ngoài những nội dung nêu trên, tùy vào tình hình thực tế và ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, người lao động, công đoàn cơ sở tổ chức đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh do việc điều chỉnh thời gian làm thêm giờ, góp phần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng lưu ý, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, các cấp công đoàn phải kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của tập thể người lao động, đặc biệt các vụ việc ngừng việc tập thể, đình công có liên quan đến điều chỉnh thời gian làm thêm giờ.

Tín dụng đen đe dọa đời sống công nhân lao động, làm nhiễu loạn thị trường cho vay tiêu dùng
Nhận diện các chiêu trò lừa người đi lao động nước ngoài đòi tiền chuộc
Biểu dương 100 “Gia đình công nhân, viên chức, lao động Thủ đô tiêu biểu” năm 2022
HP
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động