Thứ năm 18/04/2024 10:11

Giải pháp cho tình trạng trẻ vị thành niên tự tử: Chỉ có thể là tình thương yêu!

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Không còn là những tình tiết trong phim ảnh, không còn là nỗi đau được nghệ thuật hóa, mà những cái chết của giới trẻ do áp lực học tập, do trầm cảm, do những phát sinh trong cuộc sống… đang hiện hữu trong cuộc đời thực. Liên tục, chuyện tử vong của những cô bé, cậu bé ấy gây nên những nỗi ám ảnh cho người lớn…
Giải pháp cho tình trạng trẻ vị thành niên tự tử: Chỉ có thể là tình thương yêu!
Liên tục có những vụ tử tử của trẻ vị thành niên

Cuối năm 2021, ở chung cư Goldmark City (Bắc Từ Liêm) một bé trai 12 tuổi rơi từ tầng 22 xuống đất tử vong. Theo thông tin của gia đình, do việc học hành, thi cử không tốt nên cậu đã nhảy từ trên cao xuống.

Ngày 23-3, cô bé lớp 9 ở Hà Nội tử vong sau khi rơi từ tầng 26 xuống. Việc tự tử của em cũng liên quan đến việc học hành. Ngày 31-3, một nữ sinh lớp 8 đã treo cổ tại nhà. Được biết trước đó em đã có dấu hiệu trầm cảm.

Và ngày 1-4, cả xã hội xôn xao về đoạn clip nam sinh lớp 11 nhảy từ tầng 28 sau khi để lại lá thư tuyệt mệnh. Hành động đó diễn ra ngay trước mắt người bố, dưới sự gào thét bất lực của người sinh thành ra em.

Liên tục những cái chết tang thương. Dư luận xã hội ồn ào, ầm ĩ bình luận, chỉ trích, họ đào bới, đổ lỗi, tìm nguyên nhân. Nhiều lý do được đưa ra, nhiều những ý kiến bình luận tỏ rõ sự xót xa, đau đớn… Hơn bao giờ hết, sự hiểu – biết và chia sẻ với con trẻ một lần nữa được nhắc đến.

Chị Nguyễn Thị Tuyết, giáo viên của một trường tiểu học thuộc huyện Gia Lâm cho rằng, trẻ con bây giờ đáng thương lắm, cái chúng thiếu thốn, đó là những hồn nhiên tuổi thơ. “Để tiếp nhận hết lượng kiến thức theo chương trình giáo dục của Bộ Đào tạo, học sinh của chúng tôi không có thời gian chơi. Lượng kiến thức quá lớn, những cái mới diễn tiếp liên tục từng ngày không chỉ khiến giáo viên căng thẳng, mà học sinh cũng vô cùng nặng nề. Thế rồi câu chuyện thành tích, áp lực của giáo viên, của phụ huynh dồn lên con trẻ… Và 2 năm qua, bọn trẻ tiếp tục mất đi những khoảng thời gian được tung tăng, tự do của mình để cả ngày úp mặt vào điện thoại, máy tính…” – chị nói.

Còn với bác sĩ Trần Văn Phúc – Bệnh viện Xanh Pôn, anh bày tỏ rất rõ quan điểm của mình trên trang cá nhân. Theo anh, trong tất cả các câu chuyện, không ai là người có lỗi. Có chăng, là chúng ta chưa hiểu được con trẻ. Hiện tượng trẻ tự tử chỉ là tảng băng trôi. Phần ẩn dưới đại dương lớn hơn rất nhiều so với phần nổi trên mặt nước. Tất cả những gì chúng ta có thể thấy chỉ là hình dạng, kích thước của phần nổi, cùng lắm là thấy cách di chuyển của tảng băng trên mặt biển.

“Sự việc cháu bé nhảy từ tầng 28 xuống đất, theo tôi nguyên nhân bắt nguồn từ phần phía dưới tảng băng này, sẽ có rất, rất nhiều phỏng đoán. Nhưng tôi e rằng hầu hết chúng ta đều phỏng đoán xa sự thật. Ở độ tuổi cháu bé, tôi đã viết những nỗi đau của mình trong một cuốn nhật kí, viết nó bằng bản mật mã. Và tôi từng nghĩ rằng, nếu tôi chết đi, câu trả lời thực sự là ở đó, nhưng sẽ không có ai đọc được” – bác sĩ Phúc bày tỏ quan điểm.

Theo bác sĩ, trẻ con không phải là người lớn thu nhỏ. Thanh thiếu niên có những giá trị rất khác với người lớn. Vậy nên việc sử dụng hệ thống giá trị của người lớn để suy nghĩ về những lựa chọn bất thường của trẻ vị thành niên, thì đó là một sự sai lầm nghiêm trọng.

Anh cũng viện dẫn, trong câu chuyện dạy con, người lớn thường hay mang cái ngày xưa ra để mà nói. Ngày xưa bố thế này, ngày trước mẹ thế kia đó như câu cửa miệng khi la mắng hoặc bắt đầu một “bài” mắng, răn dạy con cái.

“Trẻ rất khó tin vào điều gì đó trong quá khứ của cha mẹ khác thế hệ. Nếu phụ huynh không đồng tình với tôi ở điểm này, hãy thử về hỏi bọn trẻ xem chúng có tin vào lòng nhân từ không, có tin vào tiền bạc không, có tin vào sự chăm chỉ siêng năng sẽ gặt hái được thành công không?...” – anh viết.

Trẻ con hôm nay đã khác xa với thế hệ bố, mẹ chúng. Xã hội, cuộc sống hôm nay cũng khác xa với xã hội, cuộc sống 20 – 30 năm trước. Nhiều người cho rằng bọn trẻ hôm nay sung sướng. Thế nhưng, sự đầy đủ về vật chất, sự phong phú về các trò điện tử, sự bùng nổ về công nghệ không phải là điều để đánh giá bọn trẻ hạnh phúc hơn thế hệ trước.

Cũng theo bác sĩ Phúc tiếp tục, có thể trẻ được no đủ vật chất, nhưng thế giới tinh thần chưa chắc, bởi xã hội hiện đại thiên về kết nối ảo trong khi những mối liên kết thực đang bị giảm đi. Trong khi đó thế giới của bọn trẻ rất cần sự tham chiếu. Thế nhưng hơn hai năm qua, vì đại dịch Covid-19 trẻ bị nhốt trong bốn bức tường. Có những đứa trẻ hàng năm trời trẻ không được ra khỏi nhà, bố mẹ lại đi làm suốt ngày, giao tiếp thực sự là rất hiểm.

“Theo quan sát của tôi, việc nhốt trẻ quá lâu đã dẫn tới hậu quả tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần, qua những đứa trẻ đến khám bệnh tôi cảm nhận rất rõ, trẻ bị trầm cảm, thậm chí là nhảy lầu, theo tôi đó là logic của vấn đề tất yếu” – bác sĩ Phúc bày tỏ.

Để giải quyết những vấn đề như vậy, với bác sĩ Phúc, không có gì tốt hơn tình yêu thương. Theo anh, con người chưa bao giờ sợ khổ, đứa trẻ lại càng không biết sợ khổ. Cái mà người ta sợ chính là sự cô đơn, trống trải và tuyệt vọng. Vậy thì điều gì làm cho đứa trẻ bớt đi sự cô đơn, trống trải, tuyệt vọng, đó chỉ có thể là tình thương yêu.

Tình yêu có một sức mạnh nhưng ít người khám phá ra, càng ít người biết sử dụng nó một cách hữu ích. “Tình thương yêu, có thể hiểu một cách giản dị rằng, khi đứa trẻ đột nhiên do dự hoặc có biểu hiện gì đó bất thường, thì cha mẹ và người lớn chúng ta hãy ngửa tay và đặt điều đó vào, đừng nói đúng sai, không phán xét, hãy dành thật nhiều thời gian cho con và kiên nhẫn lắng nghe đứa trẻ nói, chủ động tìm cách giải toả những áp lực” – anh kết luận.

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động