Giải bài toán thiếu bãi đỗ xe bằng cách nào?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBãi đỗ xe Ngọc Khánh |
Chỉ là giải pháp tạm thời
Trên thực tế, nhằm đáp ứng 1 phần nhu cầu gửi xe của người dân, tại các đường phố trung tâm Hà Nội, dễ nhận thấy hàng loạt bãi ô tô, xe máy đỗ dọc hàng dài theo các tuyến phố, trên một phần hè hoặc toàn bộ hè phố. Tình trạng này cũng đang diễn ra tại một số tuyến đường ở các khu đô thị mới, những nơi tập trung trước công sở, các văn phòng đại diện trong và ngoài nước, các trung tâm thương mại, siêu thị, BV, trường học… Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời vì những bãi đỗ xe tạm đang khiến lòng đường bị thu hẹp, ảnh hưởng đến việc lưu thông của phương tiện.
Anh Nhật Linh, trú tại quận Hoàng Mai chia sẻ, người dân phải tận dụng mọi khu vực có thể, đỗ trên vỉa hè, đỗ dưới lòng đường, đỗ trong các ngõ ngách, thậm chí là tận dụng cả trường học, đường nội khu, sân chơi… làm nơi đỗ xe.
Anh Nhật Linh cho biết thêm: “Khu Kim Văn Kim Lũ, người ta đỗ đầy hết ra ngoài đường, làm gì có chỗ đỗ đâu. Nhiều khi rất khó chịu, ức chế vì giờ cao điểm rất đông xe, người tấp ra, người tấp vào, trèo lên cả vỉa hè bởi vì người ta không có chỗ đi. Bây giờ đi đường gặp xe dân cư đỗ ngoài đường rất nhiều. Chung cư giờ mọc lên như nấm, hầm không có chỗ để thì chả phải để ngoài đường thì còn để đâu. Chẳng nhẽ mang lên trên nhà để”.
Anh Nhật Linh cũng cho biết, bản thân anh cũng nhiều tài xế khác khi đi vào các quận trung tâm đều phải chấp nhận chuyện gửi tạm ở các điểm trông xe “dân sinh”, vì các bãi trông giữ xe được cấp phép luôn trong tình trạng quá tải.
Đáng nói là dù có tận dụng lòng đường, vỉa hè để đỗ xe như vậy cũng mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu của người dân. Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, Bộ GTVT, tổng diện tích giao thông tĩnh trên địa bàn Hà Nội là hơn 90ha, chỉ đáp ứng được 8-10% nhu cầu đỗ xe, dẫn đến bùng phát các điểm đỗ xe trái phép, sai quy hoạch và bố trí không hợp lý. Trong khi đó, nhiều tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh, khai thác điểm đỗ xe dẫn đến tình trạng không kiểm soát, gây lộn xộn, mất an toàn, phá vỡ quy hoạch. Ngoài ra, các hình thức quản lý hiện nay vẫn theo truyền thống, thiếu trang thiết bị và chưa đồng bộ cũng khiến công tác kiểm soát gặp nhiều khó khăn, gây thất thu ngân sách...
Đề xuất những cơ chế khuyến khích
KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, để xóa bỏ tình trạng này cần phải có sự cải tiến, tuy nhiên vấn đề chính vẫn là việc giám sát thực hiện theo quy hoạch. Cụ thể, sau khi đồ án đô thị được duyệt rồi nhưng vẫn chưa rõ trách nhiệm để giám sát, do đó có hiện tượng nhiều khu vực làm bãi đỗ xe đã bị lấn chiếm, sử dụng làm việc khác. Nếu không xử lý kịp thời thì vấn nạn này vẫn tồn tại và tình trạng "khát" chỗ đỗ xe là điều tất yếu dễ xảy ra.
Ngoài ra, theo ông Đào Ngọc Nghiêm, trong việc điều chỉnh quy hoạch, các chủ đầu tư chỉ đang chú trọng đến những công trình sinh lời chứ không quan tâm đến những công trình xã hội. Như ở Hà Nội, HĐND TP cũng đã ra một cơ chế đặc thù để khuyến khích các DN tư nhân đầu tư bãi đỗ xe, kể cả bãi đỗ xe thông minh.
"Tuy nhiên, hiện nay các dự án mới dừng lại trên giấy, chưa tạo điều kiện thuận lợi, chưa rõ ưu tiên nguồn vốn như thế nào, có ưu đãi cho DN vay hay không, DN tham gia đầu tư thì giảm thuế ra sao, phải rõ ràng ra chứ hiện nay đang còn mập mờ”, ông Nghiêm nói.
Liên quan đến vấn đề này, theo Phó GĐ Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Đức Nghĩa, có những tồn tại cần khắc phục. Đó là: Hệ thống văn bản pháp quy liên quan đến đầu tư, xây dựng có nhiều thay đổi, dẫn đến kéo dài thời gian lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai các dự án đầu tư; công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án bãi đỗ xe gặp nhiều khó khăn; kinh phí đầu tư các dự án bãi đỗ xe ngầm và tự động cao tầng rất lớn, dẫn đến kéo dài thời gian thu hồi vốn.
Nhằm thu hút nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng bãi đỗ xe, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã phối hợp với các Sở, ngành TP tham mưu đề xuất những cơ chế khuyến khích; UBND TP cũng đã thống nhất, trình và được HĐND TP ban hành Nghị quyết 07/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019, trong đó có một số chính sách cụ thể như: Hỗ trợ 100% tiền thuê đất trong 10 năm đầu, kể từ khi phát sinh nghĩa vụ nộp tiền thuê đất bãi đỗ xe; hỗ trợ 100% tiền thuế nhập khẩu phải nộp đối với các thiết bị, dây chuyền công nghệ nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho dự án xây dựng bãi đỗ xe; được phép sử dụng tối đa 30% tổng diện tích sàn xây dựng ngầm của dự án theo quy hoạch để đầu tư khai thác dịch vụ thương mại, dịch vụ khác hỗ trợ cho bãi đỗ xe ngầm...
Ngoài ra, Sở GTVT Hà Nội cũng tư vấn TP ban hành một số cơ chế đặc thù như: Cho phép nhà đầu tư được bán một số chỗ đỗ xe ngầm sau khi đầu tư xong; trong phạm vi bán kính khoảng 500m xung quanh các bãi đỗ xe theo quy hoạch, không cho phép khai thác điểm đỗ xe tạm thời ở lòng đường, vỉa hè...; xây dựng cơ chế riêng về giá trông giữ xe tại các bãi đỗ được xã hội hóa, nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm hoàn vốn…
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho giao thông tĩnh cũng như đáp ứng nhu cầu đỗ xe của người dân, Hà Nội đã xác định 1.480 vị trí (khoảng 1.200,71ha) quy hoạch làm bãi đỗ xe công cộng. Đặc biệt, TP cũng phê duyệt Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm với 78 địa điểm xây dựng, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 104 ha, công trình xây dựng từ 3-4 tầng hầm… Tuy nhiên, ngoài bãi xe tại khu Công viên Thủ Lệ, quận Ba Đình, đang được triển khai và dự kiến sẽ đưa vào hoạt động từ năm 2024-2025. |
Theo Sở GTVT Hà Nội, trên địa bàn TP hiện có khoảng 6,9 triệu phương tiện giao thông (ô tô, xe máy), chưa kể lượng xe ngoại tỉnh ra, vào thành phố hàng ngày. Tốc độ tăng số lượng ô tô là khoảng 10,2%/năm và xe máy là khoảng 6,7%/năm, song hệ thống giao thông tĩnh (bãi, điểm đỗ xe công cộng) mới đáp ứng được 8-10% nhu cầu. |
Phát triển theo hướng giao thông thông minh | |
Lại câu chuyện chỗ đỗ xe: Cần có chính sách phù hợp | |
Sử dụng gầm cầu cạn làm bãi đỗ xe, giảm áp lực giao thông cho các TP lớn |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại