Thứ sáu 03/05/2024 11:25

Lại câu chuyện chỗ đỗ xe: Cần có chính sách phù hợp

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Câu chuyện xô xát giữa một nhóm người với một người phụ nữ tại Bình Dương nguyên nhân vì chỗ đỗ xe không phải là chuyện mới lạ. Trong khi mà trước đó, và chắc chắn sau này nếu không có phương án xử lý, việc xô xát hoặc phá hoại tài sản sẽ còn diễn ra chỉ duy nhất với lý do… đỗ xe.
Xe đỗ hai bên đường vào một khu chung cư bất chấp có biển cấm
Xe đỗ hai bên đường vào một khu chung cư bất chấp có biển cấm

Chỗ đỗ xe

Sự việc xô xát vì chỗ đỗ xe ở Bình Dương diễn ra chưa lâu, mới đây, tiếp tục một cán bộ quản lý thuộc Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên Huế đã bị tố có hành vi chửi bới, thách thức khi được đề nghị di chuyển ô tô, bởi người tố cáo cho rằng chiếc xe đã chắn lối đi vào căn hộ của mình. Sau những vụ xô xát trên, các nhân vật liên quan đều đã bị xử lý. Tuy nhiên, mặc dù có xử lý như thế nào thì cũng khó có thể xử lý triệt để, bởi nguyên nhân của vấn đề chưa thực sự được giải quyết. Nếu điểm các vụ việc xô xát, phá hoại tài sản… liên quan đến việc đỗ xe ở Hà Nội không hề hiếm. Hàng ngày, thậm chí hàng giờ khắp nơi tại Hà Nội có thể thấy những chiếc xe ô tô đỗ nhan nhản. Chuyện “điền vào chỗ trống” không chỉ được thực hiện trên đường, mà cả những chỗ có thể đỗ xe. Thậm chí cả những con phố có cắm biển cấm đỗ, nhưng dễ dàng bắt gặp việc vài ba chiếc vẫn “đỗ trộm” khi không có sự xuất hiện của lực lượng chức năng.

Chị N.T.H, GĐ một Cty kinh doanh thiết bị công nghệ có cửa hàng trên đường Lý Nam Đế cho biết, hiếm có ngày nào mặt tiền cửa hàng chị được thoáng đãng. “Cửa hàng nằm ngay đầu một con ngõ nhỏ, thế nên cứ mới sáng sớm là đã có 1, 2 chiếc ô tô đỗ án ngữ ngay trước cửa hàng. Nếu chỉ đỗ 1, 2 tiếng để giải quyết công việc thì cũng không sao, đằng này có những hôm đỗ chình ình cả nửa ngày, thậm chí cả ngày. Biết rằng tôi chẳng thuê vỉa hè, càng không thuê được lòng đường, nhưng cái việc đỗ xe án ngữ trước cửa hàng quả thực làm ảnh hưởng khá nhiều đến việc kinh doanh, buôn bán của cửa hàng”, chị Nguyệt nói.

Đang sinh sống tại một chung cư ở quận Long Biên, chị Nguyễn Thanh Loan rất bức xúc vì con đường dẫn vào chung cư luôn luôn vướng víu vì xe ô tô đậu kín hai bên đường. “Đường nội khu vốn không to tát gì, hai làn xe đỗ khiến chúng tôi di chuyển rất khó khăn. Thậm chí có nhiều xe còn đỗ sát lối ra của cư dân, việc khuất tầm nhìn thường xuyên xảy ra khiến chúng tôi rất lo đi lại không an toàn. Bên cạnh đó lại có một trường mần non, mỗi giờ tan tầm các con được bố mẹ đón lại càng khiến cái con đường không lớn ấy thêm chật chội”, chị Loan cho biết. Cũng đã có những vụ tai nạn xảy ra do khuất tầm nhìn ở con đường này, may mắn chưa có vụ nào nghiêm trọng. Mặc dù lực lượng chức năng thường xuyên vào kiểm tra và xử phạt các xe đỗ ở lòng đường đó nhưng không hiểu sao ngày nào cũng có xe đỗ ở hai bên đường đó, chị Loan thắc mắc.

Cần chính sách phù hợp

Trong hai câu chuyện của người dân kể trên, rất may là không có vụ xô xát nào, cũng không có chuyện phá hoại tài sản bởi nguyên nhân chỗ đỗ xe. Nhưng trước đó, rất nhiều những vụ tạt sơn, phá xe, hoặc viết cảnh cáo lên xe đã diễn ra tại Hà Nội cũng bởi việc… đỗ xe. Những câu chuyện đó một mặt phản ánh ý thức tùy tiện, cách hành xử thiếu chuẩn mực, thậm chí vi phạm quy định pháp luật của những chủ xe liên quan. Nhìn từ góc độ quản trị đô thị, phải thấy rằng tình trạng đỗ xe sai quy định, lấn chiếm lòng, lề đường, cản trở giao thông đang diễn ra khá phổ biến…

Tính đến năm 2020, Hà Nội hiện có khoảng 6,4 triệu phương tiện, trong đó khoảng 5,7 triệu xe máy và gần 700.000 ôtô các loại, chưa kể 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, TP tham gia giao thông tại Hà Nội. Trong khí đó, các bãi đỗ xe lại vô cùng ít ỏi hoặc hạn hẹp, các chung cư, khu đô thị thì hầu hết thiếu chỗ đỗ xe nghiêm trọng. Đã có thời gian, các bãi đỗ xe thông minh được Hà Nội hướng đến như một cách giải quyết việc thiếu bãi, bến đỗ xe. Tuy nhiên, có nhiều lý do khiến việc triển khai các bãi đỗ xe ấy đến nay vẫn chưa thực hiện được. Về câu chuyện này, đại diện một DN trên địa bàn Hà Nội đã từng chia sẻ với PV: “Để đầu tư cho một bãi đỗ xe thông minh đó tốn một khoản kinh phí rất lớn, cộng thêm đó là chúng tôi phải thuê đất của TP với giá thuê không hề rẻ. Tuy nhiên tiền gửi xe lại bị khống chế theo quy định của TP. Với cơ chế như thế thì quả thật không có DN nào chấp nhận đầu tư, bởi lý do đầu tư không biết bao giờ mới thu hồi được vốn”.

Như vậy, quy hoạch và xây dựng bãi đỗ xe ở các khu đô thị luôn là bài toán khó. Và để sớm hiện thực hóa cần có các cơ chế đồng bộ để thu hút nguồn lực đầu tư, hỗ trợ các đơn vị tham gia lĩnh vực này. Theo đó, cũng nên xem xét dịch vụ đỗ xe ở đô thị cần được xem là một ngành kinh tế để có chính sách phù hợp, khuyến khích DN tham gia, thúc đẩy và nhanh hình thành những bãi đỗ nhằm giải quyết sự quá tải của giao thông tĩnh ở Hà Nội.

Trong Hội nghị công bố Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tỷ lệ 1/10.000 và Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội công bố sẽ quy hoạch 78 bãi đỗ xe công cộng ngầm, từ 3 - 4 tầng hầm, tối đa đến 5 tầng hầm và bố trí kết hợp với các chức năng thương mại dịch vụ. Nếu quy hoạch này sớm được triển khai, chắc chắn giải quyết được một phần nhu cầu bức xúc của người dân về điểm đỗ xe hiện nay.
Hà Nội: Dừng triển khai quy hoạch bãi đỗ xe ngầm tại 4 quận
Tầm nhìn quy hoạch bến, bãi đỗ xe trên địa bàn TP Hà Nội tới năm 2050
Phát triển theo hướng giao thông thông minh
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động