Giải bài toán quy hoạch xây dựng trường ở Hà Nội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCác gia đình công nhân, viên chức, lao động đều mong muốn con em được học trong các trường công lập |
Mong người dân chia sẻ để các cấp có lộ trình
Tháng 7 vừa qua, trường Mầm non Hoàng Liệt đã tổ chức tuyển sinh trực tuyến và trực tiếp cho năm học 2022-2023. Tuy nhiên, tổng số hồ sơ vượt xa so với số dự kiến tuyển sinh và khả năng tiếp nhận của nhà trường. Cụ thể, nhà trường đã nhận được 939 hồ sơ nhưng trường chỉ đáp ứng được 559 chỉ tiêu. Trong khi năm học mới đã cận kề, việc giải bài toán đáp ứng chỗ học cho con em càng trở lên bách hơn khi nào hết.
Theo khảo sát của phường Hoàng Liệt, địa bàn hiện có hơn 8.100 trẻ trong độ tuổi mầm non, trong đó, hơn 6.600 trẻ 2-5 tuổi. Trong khi trường Mầm non Hoàng Liệt là trường công lập duy nhất trên địa bàn. Ngoài ra, phường cũng có 5 trường mầm non ngoài công lập và 79 nhóm lớp độc lập.
Một lãnh đạo của Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai cho biết: Vì điều kiện cơ sở vật chất nên không thể đáp ứng được hết nhu cầu của người dân trên địa bàn. Đây cũng là điều rất trăn trở của các cấp ngành, mong các bậc phụ huynh chia sẻ với ngành giáo dục, trường và phường.
Sở dĩ năm nay trường không thể đáp ứng đủ chỗ học, ngoài nguyên nhân gia tăng dân số còn do sự xuống cấp của một số cơ sở, trong khi đó nhiều trường, nhóm lớp tư thục trên địa bàn đã giải thể sau đại dịch. Ngoài ra địa bàn có thêm 4 tòa chung cư xây mới, tới đây toàn phường Hoàng Liệt có tổng 89 chung cư.
Sắp tới, Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai tiếp tục tham mưu UBND quận để xây dựng thêm 2 trường mầm non nhằm đáp ứng nhu cầu của Nhân dân. Vì vậy chính quyền cũng tha thiết mong người dân chia sẻ để các cấp có lộ trình.
Qua tìm hiểu được biết, ngoại trừ các gia đình có điều kiện cho con em theo học các trường ngoài công lập (trường quốc tế, trường tư), thì phần lớn con em các gia đình viên chức, công nhân, người lao động… đều mong muốn con được học trường công. Nhưng vì “cung không đáp ứng đủ cầu” nên cơ hội vào trường công lập của nhiều em nhỏ ngày càng trở lên khó khăn và xa vời.
Tháo gỡ quỹ đất cho trường công lập
Những năm vừa qua, lãnh đạo TP đã chỉ đạo quyết liệt về vấn đề thiếu trường, lớp công lập cho học sinh các cấp. Nên luôn có những ưu tiên quỹ đất trước nhất cho trường học. Đơn vị, DN, Cty nào không phù hợp với địa bàn sẽ được yêu cầu di dời ra ngoại thành, đồng thời đền bù tiền, đất cho DN lựa chọn để ưu tiên cho quỹ đất nội thành xây trường, vì ngoại thành hiện nay vẫn đang còn đất.
Những nơi không còn quỹ đất như các quận nội thành sẽ cho phép nâng tầng, nhưng bảo đảm an toàn cho trẻ, bố trí học sinh học ở các tầng thấp, cán bộ giáo viên làm việc tại tầng cao. Hạn chế xây dựng các nhà chung cư cao tầng tại khu vực nội thành để giảm học sinh do tăng dân số cơ học. Bố trí quỹ đất tại các khu đô thị mới, khu tái định cư, khu vực đông dân cư để xây dựng trường học.
Đánh giá thực trạng trường công lập đến hết năm 2021: Năm học 2021-2022, toàn TP có 2.835 trường mầm non, phổ thông và 01 trường trung cấp chuyên nghiệp với 70.199 lớp, 2.206.906 học sinh, 138.090 giáo viên, 72.796 phòng học.
Theo Quy hoạch mạng lưới trường học của TP Hà Nội đã được phê duyệt thì đến năm 2030, TP cần cải tạo và xây mới 1.215 trường học, trong đó: Giai đoạn 2016 - 2020, mục tiêu số trường xây mới là 357 với 22.330 tỷ đồng (231 trường công lập và 126 trường ngoài công lập); Giai đoạn 2021 - 2030, mục tiêu xây mới 580 trường học với tổng kinh phí 40.360 tỷ đồng (331 trường công lập và 249 trường ngoài công lập).
Việc cải tạo, xây mới nhiều trường, lớp học ngoài chuyện đáp ứng cho tất cả số học sinh được đi học thì mục tiêu của TP Hà Nội sẽ phải giảm dần áp lực sĩ số từng lớp học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.
Ngoài ra, Hà Nội hiện có 108 dự án xã hội hóa với tổng mức đầu tư đăng ký trên 15.250 tỷ đồng, sử dụng 1.926.230 m2 đất; có 72 dự án đã triển khai đầu tư xây dựng, trong đó 38 dự án đã hoàn thành đưa vào hoạt động. Trung bình hàng năm huy động nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách khoảng 2.800 tỷ đồng xây dựng trường lớp học ngoài công lập.
Nhìn vào thực tế có thể thấy việc đáp ứng được trường công lập bên cạnh yếu tố khách quan như dân số cơ học tăng quá nhanh, dẫn đến áp lực lên trường công. Còn có cả yếu tố chủ quan, về tầm nhìn quy hoạch và quản lý quy hoạch.
Cụ thể: Trong công tác quy hoạch, các quận, huyện, thị xã và Sở Quy hoạch Kiến trúc TP phải tính toán đến việc dân số sẽ gia tăng, để còn dành quỹ đất cho việc xây trường học theo quy định của pháp luật; Đối với những nơi đã có quy hoạch hoặc chủ trương dành quỹ đất cho việc xây trường thì trong công tác quản lý Nhà nước phải thật nghiêm. Kiên quyết không thể chuyển đổi đất xây trường thành các dự án khác.
Để làm được những điều trên, cùng với mong muốn ngày càng nhiều học sinh được tiếp cận với môi trường công lập, rất mong chính quyền các cấp và các Sở, ngành liên quan tiến hành rà soát, tham mưu cho TP kiên quyết thu hồi và không cấp mới những dự án trong nội đô để dành quỹ đất xây trường.
Bởi chỉ khi làm tốt công tác quy hoạch, rà soát quy hoạch, thu hồi các dự án treo…, thì mới đảm bảo trong thời gian tới sẽ có nhiều ngôi trường công được xây mới. Và khi bài toán quy hoạch xây dựng thêm các trường công lập tại ở Hà Nội được giải, sẽ góp phần giảm áp lực cho vấn đề được vào trường công, đồng thời ngày càng nâng cao chất lượng giáo dục. Điều đó sẽ giúp TP đóng góp cho xã hội ngày càng nhiều lao động trình độ cao, bởi chính những thay đổi tích cực cho giáo dục.
Hiện nhu cầu dành quỹ đất để xây trường học ở TP Hà Nội còn rất lớn. Ðây là nhiệm vụ khó khăn, bởi quỹ đất trong nội thành gần như không còn. Trước áp lực thiếu quỹ đất xây trường học, hàng loạt quận nội thành kiến nghị thu hồi diện tích đất bị bỏ hoang, sử dụng kém hiệu quả hoặc vi phạm Luật Đất đai để xây dựng trường học. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại