Giá thực phẩm “nhảy múa” tại nhiều chợ truyền thống
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTheo khảo sát của PV tại các chợ dân sinh như: Văn La, Bông Đỏ (quận Hà Đông); chợ Nghĩa Tân, Đồng Xa (quận Cầu Giấy); chợ Xuân Đỉnh, Cầu Diễn (quận Bắc Từ Liêm); chợ Ngã Tư Sở (quận Đống Đa); chợ Định Công (quận Hoàng Mai)… vào chiều 16-3, giá các loại rau, củ đều tăng cao.
Không chỉ giá rau tăng mà thịt lợn được bán ở những chợ dân sinh cũng tăng. Theo đó, giá bán lẻ thịt lợn tăng thêm 5.000 đến 10.000 đồng/kg (từ 130.000 đồng - 180.000 đồng/kg tùy loại thịt).
Các loại rau xanh như cải cúc 10.000đ/bó, rau cần giá 15.000đ/bó, rau diếp thơm 28.000đ/kg, rau bắp cải trắng, cải thảo có giá 26.000đ/kg. Hành lá hiện có giá 15.000đ/kg, rau thơm khoảng 45.000đ/kg, giá cà chua 30.000đ/kg. Riêng rau súp lơ xanh có giá cao nhất 50.000đ/kg.
Một số mặt hàng hoa quả như xoài, cam, nho… cũng tăng thêm 3000 – 5000đ/kg.
Các loại tôm, cá, cua đồng cũng đồng loạt tăng giá, trung bình từ 5.000 đến 10.000đồng/kg.
Hoa tươi cũng tăng giá mạnh. Cụ thể, hoa hồng tăng 3000 đồng/bông; hoa cúc tăng 2000 đồng/bông.
Theo chia sẻ của một số tiểu thương tại chợ Văn La, nước mắm, xì dầu... có giá tăng ít hơn hoặc đứng giá. Trong khi đó đường trắng cũng có thời điểm tăng lên nhưng gần đây lại giảm từ 22.000đ/kg xuống còn 18.000đ/kg.
Cũng theo khảo sát của PV, ở một số siêu thị như Vinmart, BigC giá rau củ và thịt lợn vẫn được giữ bình ổn. Theo Sở Công thương Hà Nội, trước bối cảnh giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng rất lớn đến chi phí đầu vào và giá thành sản phẩm, Sở Công thương đã vận động các doanh nghiệp trong hệ thống phân phối ký hợp đồng với các nhà cung cấp với thời lượng hợp đồng dài hạn để bình ổn giá thường xuyên. Như vậy, sẽ giảm sự tác động của biến động giá xăng dầu, cố gắng giữ được giá thành ổn định nhất và giữ chân được người tiêu dùng đến được với hệ thống phân phối của mình. Hiện, các hệ thống phân phối trên địa bàn Hà Nội đang nỗ lực làm việc đó.
Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, cho biết, ngay trong quý I-2022, giá xăng dầu tăng liên tiếp nhưng đến các hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại, giá cả các mặt hàng thiết yếu vẫn ổn định để người dân yên tâm mua sắm.
Cũng theo bà Trần Thị Phương Lan, hiện nay, chỉ có một số mặt hàng nhích tăng nhẹ như rau củ quả từ 3-5%, tuy nhiên, các mặt hàng sản xuất, chế biến vẫn đang được các nhà cung cấp và các nhà phân phối giữ bình ổn khi đưa đến tay người tiêu dùng.
Năm 2022, dịch Covid-19 vẫn là yếu tố tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như khó khăn trong chi tiêu của người tiêu dùng. Hà Nội sẽ chỉ đạo các hệ thống phân phối có các chương trình kích cầu, khuyến mại, tri ân đến người tiêu dùng để thu hút hơn nữa đông đảo người tiêu dùng tham gia mua sắm. Đây cũng là một trong những giải pháp để kích cầu, tăng mức bán lẻ, doanh thu dịch vụ trên địa bàn TP.
“Năm 2022, TP Hà Nội đã xây dựng kế hoạch kích cầu để tăng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn TP. Hà Nội, bám sát tình hình diễn biến của dịch bệnh để đưa ra những giải pháp phù hợp trong bối cảnh kích cầu và tăng trưởng kinh tế, phấn đấu tăng mức bán lẻ của TP Hà Nội năm 2022 đạt từ 7,5-8% theo chỉ tiêu đặt ra”, bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia kinh tế, giá xăng tăng kéo theo giá thực phẩm cũng tăng phi mã. Thực tế này không chỉ gia tăng áp lực rất lớn đến chỉ số giá tiêu dùng, gây nguy cơ lạm phát mà còn "bào mòn" sức chống chịu của nhiều người tiêu dùng sau thời gian dài gồng mình, thắt chặt chi tiêu vượt qua dịch bệnh. Khi giá tiêu dùng tăng, đối tượng bị chịu thiệt thòi nhiều nhất là người tiêu dùng. Đặc biệt là những gia đình công nhân, người lao động nghèo, đối tượng "nhạy cảm" nhất với mọi sự biến động về giá. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại