Thứ hai 25/11/2024 09:48

Gia tăng người mắc các chứng bệnh tâm thần trong dịch Covid-19

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Việc phải thực hiện giãn cách, phong tỏa hay cách ly tập trung đã khiến nhiều người có tâm lý lo lắng, sinh ra những chứng bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần. Đối với những người có sẵn các bệnh về tâm thần thì đây là điều kiện khiến bệnh khởi phát, tái phát và nặng thêm lên.

Tại khu cách ly BV Tâm thần Hà Nội từ đầu năm 2021 đến nay đã tiếp nhận 43 bệnh nhân, hầu hết là bệnh nhân có vấn đề tâm thần từ trước. Tuy nhiên Covid-19 là điều kiện quan trọng liên quan đến khởi phát, tái phát và làm nặng lên tình trạng tâm thần của bệnh nhân.

So với năm 2020 thì con số này có sự gia tăng (năm 2020 là 87 người). Riêng đợt dịch mới hồi tháng 4-2021, khu cách ly bệnh viện tiếp nhận 22 người.

Còn tại khoa Tâm thần, BV Quân y 103, GS-TS. Cao Tiến Đức - Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần cho biết: Những người đang điều trị tại đây ở nhiều độ tuổi. Trong số này có những người vừa rời khu cách ly tập trung, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà phát bệnh.

Những người bị cách ly rất dễ mất ngủ, điều kiện vệ sinh cá nhân kém. Cùng với đó là những xáo trộn trong sinh hoạt, trong đời sống, lại ít được giao du, thường xuyên ở một mình khiến những người đã có sẵn những bệnh lý tâm thần nhẹ từ trước như stress, trầm cảm, lo âu lan tỏa… dễ chuyển nặng.

“Nghiên cứu của chúng tôi trong khu cách ly với người phải cách ly, người phục vụ cũng như người dân, cộng đồng bị phong tỏa thì thấy phản ứng tâm lý mạnh nhất là với người già, phụ nữ, người làm nghề tự do, người có học vấn thấp thì tỉ lệ tác động càng lớn. Chính vì những tác động này mà sinh ra các bệnh lý tâm thần”, TS. Cao Tiến Đức phân tích.

Ngoài ra, theo các bác sỹ, không chỉ những bệnh nhân nhiễm Covid-19, người trong khu cách ly dễ mắc bệnh tâm thần mà những người bình thường cũng dễ bị stress, trầm cảm, lo âu lan tỏa… trong đại dịch. Sự hạn chế đi lại, sống giãn cách với người khác, sự sa sút kinh tế nghiêm trọng ở một số ngành nghề khiến áp lực càng đè nặng lên tâm lý của nhiều người.

Nhiều người lo lắng, sợ hãi mình có thể mắc bệnh hoặc lo bệnh nặng có nguy cơ tử vong… Hoặc nhiều trường hợp trẻ nhỏ phải cách ly không được gần bố mẹ; thậm chí mẹ cách ly nghe tin con ở nhà bị tai nạn; nhiều người trong gia đình cùng nhiễm bệnh khiến tâm lý hoảng sợ càng tăng… Tất cả những yếu tố đó dẫn đến bệnh xuất hiện, tái phát hoặc trở nên nặng hơn.

Triệu chứng ban đầu là người bệnh lo lắng tình hình dịch bệnh, lo không làm ăn được, lo bị cách ly. Sau đó triệu chứng nặng làm bệnh nhân lo nhiều hơn, lo lan man không tập trung vào một chủ đề cụ thể, gặp chuyện gì cũng bất an. Đi kèm theo đó là tình trạng thiếu năng lượng, bồn chồn, bứt rứt, ngủ kém, ăn không ngon…

Gia tăng người mắc các chứng bệnh tâm thần trong dịch Covid-19

GS-TS. Cao Tiến Đức, Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần-BV Quân Y 103 trò chuyện với bệnh nhân (ảnh N.H).

Theo ThS-BS. Bùi Văn San, Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai, đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng trầm trọng đối với sức khỏe tâm thần. Trước kia chúng ta có thể đi tập thể dục, đi gặp bạn bè thì bây giờ ai cũng lo lắng là mình ra đường gặp người này người kia thì có bị nhiễm bệnh không. Hoặc một số người đang có sẵn bệnh nền trong cơ thể (người lớn tuổi đã có những bệnh nền tăng huyết áp, tiểu đường, suy thận, suy tim) vốn đã căng thẳng, lo âu lại thêm căng thẳng do dịch Covid-19 nữa thì sẽ càng tăng trầm trọng thêm, cả cơ thể và tinh thần sẽ đều bị ảnh hưởng.

Nghiên cứu tại Trung Quốc cho thấy, tỉ lệ sự căng thẳng, lo âu, trầm cảm hoặc rối loạn giấc ngủ của nhân viên y tế trong dịch đã tăng khoảng 30%-40%.

Giữa năm 2020 tỉ lệ bệnh nhân đi khám ngoại trú tại Viện Sức khỏe tâm thần tăng lên đáng kể, khoảng 250-300 người đi khám/ngày, chủ yếu gặp những vấn đề về rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ, căng thẳng lo lắng.

Một số nguyên nhân gây căng thẳng khác là về tình trạng tài chính, đời sống kinh tế giảm xuống. Những người làm kinh doanh trong hoàn cảnh giãn cách xã hội, nhiều khoản vay ngân hàng hay mối lo lắng sợ bị mất việc… Với người có tâm lý nhạy cảm thì rất dễ gây bệnh.

ThS-BS. Bùi Văn San cho rằng, khi chúng ta quá lo lắng và bị căng thẳng quá mức thì đầu tiên chúng ta sẽ tìm đến những người mà có thể chia sẻ được như người trong gia đình hay bạn bè, người thân để giảm bớt căng thẳng đó đi. Nếu nặng hơn mà bị rối loạn lo âu hay mất ngủ thường xuyên, buồn nhiều thì chúng ta nên đến điều trị ở các cơ sở điều trị về sức khỏe tâm thần.

Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động