"Gia tài" đồ sộ của “gã cao bồi” khó tính Trần Cảnh Đôn
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐạo diễn Trần Cảnh Đôn gắn liền với nhiều bộ phim nổi tiếng màn ảnh Việt những năm 1990 |
Đạo diễn Trần Cảnh Đôn sinh năm 1959, quê ở Bình Thuận. Trước khi theo đuổi nghệ thuật, anh học ngành tài chính kế toán. Sau đó, anh nhận ra bản thân đã đi "sai hướng" nên thi vào khoa đạo diễn sân khấu của trường Cao đẳng Sân khấu điện ảnh TP.HCM (nay là ĐH Sân khấu Điện ảnh TP.HCM) cùng khóa với các nghệ sĩ Đỗ Phú Hải, Hùng Lâm, Minh Nhí...
Ra trường với vốn liếng là hai vở kịch tốt nghiệp “Mùa tôm” và ”Cuộc phiêu lưu của những tâm hồn”, đạo diễn Trần Cảnh Đôn tiếp tục học thêm về điện ảnh và bắt đầu dấn thân vào con đường làm phim.
Hầu hết phim của đạo diễn Trần Cảnh Đôn đều tạo được tiếng vang lớn như: Ngọc trong đá, Thạch Sanh - Lý Thông, Sao Phượng còn buồn, Vòng vây tội lỗi, Cô thủ môn tội nghiệp, Ngôi sao cô đơn, Yêu không phải trò đùa, Sao em vội lấy chồng, Đoạn cuối Bangkok, Đô la trắng,…
Một loạt diễn viên tham gia phim của nam đạo diễn đã trở thành ngôi sao màn ảnh những năm 1990 như Lý Hùng, Việt Trinh, Diễm Hương, Lê Công Tuấn Anh, Lê Tuấn Anh, Thanh Mai,…
Bên cạnh phim ảnh, đạo diễn Trần Cảnh Đôn còn rất thành công trong việc sản xuất các video ca nhạc và phim quảng cáo với hơn 100 video ca nhạc và hàng chục phim quảng cáo. Một số MV ca nhạc nổi tiếng của Đan Trường, Cẩm Ly,...là do đạo diễn Trần Cảnh Đôn thực hiện.
Yêu văn chương, lại có một tâm hồn lãng mãn nên những tác phẩm đầu của Trần Cảnh Đôn đều là phim chuyển thể các kịch bản văn học anh tâm đắc. Sau này, nhiều phim của anh bị gắn mác “mì ăn liền” nhưng lại rất hút khán giả.
Nam đạo diễn cho biết không muốn định danh bản thân bằng chữ "thị trường" hay "nghệ thuật". "Tôi quan trọng là phim có khán giả xem hay không. Cầm tiền của nhà sản xuất trong tay, tôi luôn để tâm làm việc sao cho xứng đáng", anh từng chia sẻ.
Những ai đã từng hợp tác với đạo diễn Trần Cảnh Đôn đều nhận định anh là bị đạo diễn cực kỳ nghiêm khác, thậm chí là khó tính trên phim trường. Trong cuộc hành trình gắn bó với nghệ thuật, anh luôn quan niệm nghiêm khắc với bản thân và đồng nghiệp là cách anh giữ vững tên tuổi.
Những năm cuối đời, đạo diễn Trần Cảnh Đôn vẫn rất hăng hái làm việc. Năm 2020, anh trở lại màn ảnh nhỏ với phim truyền hình Hoa trong bão khai thác câu chuyện nữ quyền của những người gặp bất hạnh trong tình cảm.
Vài tháng trước khi mất, anh đau đáu với kịch bản “Tôi thương mà em đâu có hay” được chuyển thể từ tiểu thuyết Đoàn Thạch Biền. Anh ấp ủ dự án này từ nhiều năm, nhưng chưa tìm được cảm hứng vì "giữa thời buổi sống gấp gáp này không dễ chuyển tải hết chất lãng đãng trong truyện lên phim". Dự án dang dở khi anh phải điều trị bệnh thời gian qua và đã ra đi trong sự tiếc nuối của người thân, bạn bè, đồng nghiệp và khán giả.
Sau đây là những bộ phim gắn liền với tên tuổi của nam đạo diễn tài ba Trần Cảnh Đôn:
Ngọc trong đá (năm 1990)
Việt Trinh trong phim "Ngọc trong đá" |
Đây là phim đầu tay nhưng mang lại tiếng vang cho nam đạo diễn là "Ngọc trong đá" - dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Đông Thức. Phim tái hiện cuộc sống chân thực của lực lượng thanh niên xung phong lúc bấy giờ.
Phim kể về Hương (hoa hậu Lý Thu Thảo) lớn lên trong gia đình trung lưu, gia nhập đội thanh niên xung phong ở nông trường Lê Minh Xuân. Tại đây, cô gặp Oanh (Việt Trinh), Mạnh (Việt Dũng), Dũng (Lý Hùng)... Trải qua nhiều gian nan, thử thách, họ dần trưởng thành và khẳng định được giá trị của bản thân.
Tuy tình tiết khá đơn giản nhưng phim có sự sâu lắng về mặt cảm xúc khi gửi gắm tâm tư của những người trẻ trở về từ chiến trường. Phân cảnh để lại nhiều xúc cảm cho khán giả là khi nhân vật Mạnh nói với Hương lúc cô bị vấp ngã: "Chị đừng đổ tại tôi hay tại vùng đất này. Trên đường đi, vấp ngã hay không trước hết là do mình. Và có đứng dậy đi tiếp được hay không cũng là do mình thôi".
Phim ra mắt đạt hơn 800 triệu đồng doanh thu, mang về cho đạo diễn Trần Cảnh Đôn giải "Đạo diễn xuất sắc", "Phim được khán giả yêu thích" của báo Mực tím. Phim cũng đưa tên tuổi của Việt Trinh lên hàng ngôi sao màn ảnh thời bấy giờ. Việt Trinh từng công nhận: "Người sinh ra Việt Trinh lần thứ nhất trong điện ảnh là đạo diễn Trần Cảnh Đôn với Ngọc trong đá".
Cô thủ môn tội nghiệp (năm 1991)
Phim kể về nhân vật Hiền (Thanh Mai) - môt cô gái xinh đẹp có niềm đam mê với trái bóng tròn. Cô gia nhập đội tuyển do Tuấn (Lê Tuấn Anh) làm huấn huyện viên, giữ vị trí thủ môn. Quyết định của cô không được bạn trai là Công (Lê Công Tuấn Anh) ủng hộ. Cô còn bị mẹ anh chỉ trích, phản đối hôn lễ. Hiền cố gắng theo đuổi ước mơ, vượt qua định kiến, đồng thời làm tròn bổn phận của phụ nữ.
Phim thành công không chỉ nhờ dàn diễn viên tài năng, ngoại hình sáng sân khấu mà còn nhờ đề tài hiếm thời bấy giờ - môn thể thao bóng đá nữ. Tác phẩm đưa tên tuổi Thanh Mai từ một cô sinh viên ngành múa trở thành diễn viên tiềm năng. Bộ phim này cũng mang về cho đạo diễn Trần Cảnh Đôn giải thưởng đầu tay - Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam.
Thanh Mai - nữ chính của phim |
Ngôi sao cô đơn (năm 1992)
Đây là phim được đạo diễn Trần Cảnh Đôn thực hiện theo kịch bản của tác giả Nguyễn Đông Thức. Phim kể về Hạnh (Thanh Hoa) - một nhạc công chơi guitar ở vũ trường đi tìm nguyên nhân cái chết của bạn thân là ca sĩ Mỹ Nhung (Phương Thảo đóng). Khi phối hợp cảnh sát điều tra, cô phát hiện nhiều uẩn khúc trong cuộc đời bạn thân.
Phim có sự tham gia của Thanh Hoa, Phương Thảo, Lê Tuấn Anh, Đơn Dương, Khánh Hoàng, Kim Xuân... Tác phẩm gây tiếng vang, mở đầu cho dòng phim thị trường. Nhạc phim "Ngôi sao cô đơn" (Thanh Tùng sáng tác) cũng trở thành bản hit những năm đầu thập niên 1990 qua giọng ca của ca sĩ Ngọc Bích.
Vòng vây tội lỗi (năm 1993)
Vòng vây tội lỗi là một trong những phim tâm lý - tình cảm nổi bật của đầu thập niên 1990. Phim xoay quanh Thảo (Diễm Hương) - cô gái xinh đẹp, nhẹ dạ, cả tin, có mối tình đẹp với Minh (Lê Công Tuấn Anh). Cô theo đuổi nghề người mẫu thời trang và bị Khanh (Lê Tuấn Anh) và Thanh (Kim Khánh) lừa gạt bán cho những đại gia ăn chơi khét tiếng. Nhờ kịch bản hấp dẫn, diễn xuất chân thật của dàn diễn viên, phim rất hút khán giả khi công chiếu, đồng thời được giới chuyên môn đánh giá cao.
Đoạn cuối ở Bangkok (năm 1994)
Phim kể về Phượng (Kim Khánh) - cô sinh viên học ngành tiếp viên hàng không xinh đẹp, được nhiều người theo đuổi. Thế nhưng, cô lại rơi vào lưới tình của Minh (Lý Hùng) - chàng trai giàu có, đào hoa. Phượng bỏ bê học hành rồi bị người tình ruồng bỏ khi mang bầu ngoài ý muốn. Cô vẫn quyết định sinh và nuôi con một mình. Phương được Văn (Lê Công Tuấn Anh) giúp đỡ rồi hai người nảy sinh tình cảm.
Có thể nói, đạo diễn Trần Cảnh Đôn rất biết “chọn mặt gửi vàng” cho phim của mình. Hai tài tử nổi tiếng của màn ảnh thời bấy giờ là Lý Hùng, Lê Công Tuấn đều tham gia phim này và được nhận xét là rất hợp các vai diễn.
Đô la trắng (năm 2005)
Lý Hùng và Ngọc Thúy trong "Đô la trắng" |
Đô la trắng được chuyển thể từ tiểu thuyết Kế hoạch J.96 của nhà văn Trần Tử Văn, đánh dấu sự trở lại của Trần Cảnh Đôn sau 6 năm vắng bóng.
Nội dung xoay quanh cuộc chiến đấu của lực lượng công an Việt Nam và Thái Lan chống lại bọn tội phạm ma túy. Những băng đảng xã hội đen đã lợi dụng những cô gái xinh đẹp, nhẹ dạ, lôi kéo họ tiếp tay cho chúng.
Lý Hùng - diễn viên chính, vai đại úy Nguyễn Trực chia sẻ dù đã quen làm việc với đạo diễn, anh vẫn áp lực trước lịch quay dồn dập suốt một tuần đóng phim tại Thái Lan. Lý Hùng chia sẻ về đạo diễn Trần Cảnh Đôn: "Anh rất khó tính, chọn cảnh đến lúc ưng ý mới thôi, không qua loa, diễn viên phải vắt sức ra mà làm".
Bù lại cho những công sức đó là khi phim phát sóng đã tạo tiếng vang rất lớn, mở màn cho dòng phim tâm lý, hình sự tại miền Nam.Tác phẩm cũng khai sinh ra công nghệ viết kịch bản theo kiểu các thành viên trong nhóm chế tác kịch bản cùng thảo luận, đưa ra ý tưởng. Khi thực hiện, tùy hoàn cảnh cụ thể, đạo diễn sẽ chọn phương án thích hợp.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại