Giả mạo bác sĩ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCA phát hiện "bác sĩ" chỉ mới học hết cấp 3 đang chuẩn bị nâng ngực cho khách hàng. Ảnh: Thái Yên |
Mới tốt nghiệp cấp 3 đã làm bác sĩ…
Ngày 25/10, Đội Cảnh sát Kinh tế - môi trường, CA quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng đã kiểm tra và phát hiện sai phạm tại cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ ID Korea, có địa chỉ tại 265-267 Hùng Vương, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng.
Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện bà L.T.H (SN 1999, trú tại huyện Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đang thực hiện dịch vụ “nâng ngực” cho một khách hàng. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, bà L.T.H chỉ cung cấp được bằng tốt nghiệp cấp 3... Trước khi thực hiện thủ thuật, bà H đã thực hiện khám sức khỏe, lấy máu của khách hàng với mục đích xét nghiệm nhưng thực tế, việc lấy máu chỉ là thủ đoạn để tăng lòng tin của khách hàng.
Sau đó, khi cơ quan CA kiểm tra thì phát hiện toàn bộ số máu lấy từ khách hàng đều được cho vào thùng rác trên tầng 3 của cơ sở. Ngoài ra, cơ sở thẩm mỹ viện này còn sử dụng thuốc để tiêm và thực hiện dịch vụ can thiệp “nâng ngực” cho một khách hàng, trong khi cơ sở không nằm trong phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ.
Trước đó, vào tháng 3/2022, một cô gái 22 tuổi ở Long An đã tử vong do đi nâng mũi tại một cơ sở thẩm mỹ “chui”. Theo cơ quan điều tra, qua quan hệ xã hội, Nguyễn Sỹ Giang (SN 1995, quê quán Yên Thành, Nghệ An) quen biết Hoàng Minh Phong (SN 1994, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) rồi theo Phong học nghề phẫu thuật thẩm mỹ.
Khoảng tháng 2/2021, dù biết Phong không có giấy phép hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ nhưng Giang vẫn đồng ý làm cùng. Giang đăng bài quảng cáo lên mạng xã hội về việc cơ sở làm đẹp có dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ để tìm khách.
Tháng 5/2021, chị P.T.D.H liên hệ với Giang, đặt cọc 35 triệu đồng để làm phẫu thuật nâng mũi. Chiều 14/1/2022, chị H được Giang đưa lên tầng 6 của cơ sở thẩm mỹ "chui" để tiến hành phẫu thuật. Quá trình phẫu thuật, Lê Ngọc Anh (SN 1990), bác sĩ Bệnh viện (BV) Ung bướu Hà Nội - là người gây mê cho chị H bằng thuốc Midazolam 5mg/ml. Còn Giang và 2 người khác tham gia cuộc phẫu thuật cho người phụ nữ quê Long An.
Trong đó, Giang là người tiêm thuốc tê cho nạn nhân. Khi đang phẫu thuật, chị H có biểu hiện bất thường về sức khỏe và hôn mê nên những người này thông báo cho Phong để đưa bệnh nhân đến BV Bạch Mai cấp cứu. Sau quá trình điều trị tại BV Bạch Mai không có tiến triển, ngày 25/2, gia đình đã đưa chị H về BV đa khoa Long An để tiếp tục điều trị. Ngày 16/3, gia đình chị H thông báo đến cơ quan cảnh sát điều tra CA quận Hoàng Mai về việc chị H đã tử vong tại BV đa khoa Long An.
Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Liên quan đến việc những đối tượng không có bằng cấp chuyên môn, giấy phép hành nghề nhưng vẫn phẫu thuật thẩm mỹ cho khách, theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Đoàn Luật sư Hà Nội, người nào thực hiện công việc không đúng với chuyên môn, gây ra hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo luật sư Hùng, khám chữa bệnh không phải chuyện đùa. Khám chữa bệnh là ngành nghề có điều kiện, hoạt động khám chữa bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người. Việc thực hiện hoạt động khám chữa bệnh phải theo quy định của Luật Khám chữa bệnh, người thực hiện các hoạt động khám chữa bệnh phải là những người có chuyên môn, được đào tạo và làm việc đúng với chuyên môn của mình.
Như vậy, người nào thực hiện công việc không đúng chuyên môn, gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, nếu trong quá trình giả mạo làm bác sĩ mà làm chết bệnh nhân hoặc gây ra tổn thương nghiêm trọng đến sức khỏe cho bệnh nhân thì sẽ bị xử lý hình sự về tội “Vi phạm quy định về khám chữa bệnh” theo quy định tại Điều 315 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Trường hợp gây thiệt mạng cho 3 người trở lên hoặc gây thương tích cho nhiều người, gây thiệt hại tài sản từ 1,5 tỷ đồng trở lên thì hình phạt sẽ nghiêm khắc hơn, có thể tới 15 năm tù. Trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy, trong quá trình người này mạo danh bác sĩ chưa gây ra thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản thì hành vi này vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Giả mạo trong công tác” theo Điều 359 Bộ luật Hình sự.
Cũng theo luật sư Hùng, việc làm đẹp là nhu cầu chính đáng của mỗi người, tuy nhiên, khi làm đẹp cần phải tỉnh táo, lựa chọn cơ sở làm đẹp có chuyên khoa tạo hình phẫu thuật thẩm mỹ hoặc BV uy tín, bác sĩ giàu kinh nghiệm, có đầy đủ chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động... Với những ca phẫu thuật lớn, có chỉ định gây mê như: các phẫu thuật hút mỡ tạo hình thành bụng, làm mũi cấu trúc, căng da mặt, đặt túi ngực... cần làm tại BV vì các phẫu thuật này đòi hỏi khâu gây mê và vô trùng nghiêm ngặt.
Luật sư tập sự mạo danh cán bộ công an | |
Nam thanh niên giả mạo bác sỹ kêu gọi ủng hộ nạn nhân vụ cháy ở Thanh Xuân | |
In thẻ, card mạo danh nhà báo có thể bị xử lý hình sự |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại