Chủ nhật 24/11/2024 20:58

Gần 272 nghìn tỷ đồng đầu tư cho đồng bào dân tộc miền núi: Cần có trọng tâm, trọng điểm

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 28-5, Chính phủ đã có Tờ trình đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS &MN) giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, tổng số vốn đầu tư là hơn 271.934 tỷ đồng. Thời gian thực hiện Chương trình là 10 năm và chia làm hai giai đoạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030.

Tăng thu nhập bình quân trên 2 lần so với 2020

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, việc quyết định đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2030 là rất cần thiết. Bởi lẽ, vùng đồng bào DTTS&MN luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đầu tư, đạt được thành tựu to lớn, cơ sở hạ tầng KT-XH và đời sống của đồng bào sinh sống ở vùng DTTS&MN đã được cải thiện rõ rệt.

Tuy nhiên so với các vùng miền khác, hiện vẫn là vùng khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, KT-XH phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất. Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do vùng đồng bào DTTS&MN xuất phát điểm thấp, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt; chính sách còn một số hạn chế bất cập.

gan 272 ty dong dau tu cho dong bao dan toc mien nui can co trong tam trong diem
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS &MN giai đoạn 2021-2030. Ảnh Quochoi.vn

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cũng cho biết, mục tiêu tổng quát của Chương trình là: Giảm nghèo nhanh, bền vững; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của người dân vùng đồng bào DTTS&MN so với bình quân chung của cả nước; đảm bảo an sinh xã hội; bảo vệ an ninh tổ quốc; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.

Trong đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là: Giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS&MN hàng năm trên 3%; phát triển bền vững sinh kế, tăng thu nhập bình quân của người DTTS lên hơn 2 lần so với năm 2020; phấn đấu giảm trên 60% số xã, thôn đặc biệt khó khăn so với tiêu chí năm 2020.

Đến năm 2030, phấn đấu tăng thu nhập bình quân của người DTTS lên tối thiểu bằng 1/2 bình quân chung của cả nước; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%; cơ bản không còn các xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc (HĐDT) Hà Ngọc Chiến cho biết cơ quan này cơ bản tán thành với sự cần thiết xây dựng Chương trình MTQG như Tờ trình của Chính phủ. Đây là một chương trình có tính đặc thù không chỉ phát triển kinh tế - xã hội, mà còn tích hợp thực hiện hơn 100 chính sách dân tộc.

Nếu tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình này sẽ giải quyết được những bất cập, hạn chế trong thực hiện chính sách dân tộc hiện nay, tạo cơ hội mới cho vùng đồng bào DTTS&MN phát triển, toàn diện, bền vững kinh tế - xã hội. thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển và mức thu nhập của đồng bào DTTS so với mức bình quân chung của cả nước.

Tuy nhiên, ý kiến cơ quan thẩm tra cũng bày tỏ sự băn khoăn khi nhu cầu đầu tư rất lớn trong khi khả năng nguồn lực đáp ứng có hạn, nếu đầu tư dàn trải, phân tán thì sẽ khó đạt được mục tiêu đề ra. Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng những vấn đề cấp bách, bức xúc, lựa chọn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cùng với các giải pháp có tính khả thi, phù hợp với từng giai đoạn, thực sự mang lại hiệu quả cao nhất.

Trong giai đoạn đầu triển khai dự án, tập trung vào 5 nhiệm vụ tại khoản 4 Điều 1 của Nghị quyết 88, nhằm giải quyết được các vấn đề cơ bản như: (1) Nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; (2) Sắp xếp, bố trí dân cư vùng sạt lở nguy hiểm; (3) Phát triển sản xuất, bảo đảm sinh kế; (4) Đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu, cơ bản (điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt, thủy lợi); (5) Quan tâm đúng mức giáo dục, đào tạo vùng DTTS&MN...

Thanh Hải
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động