Thứ năm 07/11/2024 19:32

F0 không triệu chứng điều trị tại nhà cần làm gì?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thời gian vừa qua, khá nhiều F0 không triệu chứng được phép điều trị tại nhà. Việc các ca F0 tăng mạnh trên địa bàn TP Hà Nội đặt ra nhiều thách thức đối với chính quyền và lực lượng chức năng sở tại. Đối với những F0 đủ điều kiện cách ly tại nhà, UBND phường sẽ ban hành kèm theo Quyết định Hướng dẫn cách ly, điều trị tại nhà đối với người nhiễm, đồng thời, thành lập tổ hỗ trợ, chăm sóc F0 điều trị tại nhà.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà, nơi cư trú đang được xem là mô hình điều trị phù hợp khi tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng Covid-19 của Hà Nội đạt mức rất cao. Hướng điều trị này không chỉ giúp giảm áp lực cho các cơ sở điều trị Covid -19, tạo thuận lợi cho các gia đình mà còn được xem là hình thức phổ biến khi chuyển sang trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn phòng, chống dịch Covid -19.

Gần nhà tôi có hai gia đình là bệnh nhân F0 được phép cách ly tại nhà. Tôi tìm hiểu thì được biết, khi một người trong nhà đã có xét nghiệm xác nhận dương tính, việc đầu tiên cần làm là test Covid-19 cho tất cả mọi thành viên trong gia đình.

Sau đó, chuẩn bị một phòng cách ly cho F0. Chỉ một người chăm sóc cho F0, tất cả những người khác trong gia đình nên được cách ly riêng rẽ với nhau, ngay cả các bữa ăn cũng nên tránh ăn cùng nhau. Bệnh nhân điều trị tại nhà không tự ý rời khỏi phòng cách ly trong suốt thời gian cách ly. Không sử dụng chung vật dụng với người khác. Không tiếp xúc gần với người khác hoặc vật nuôi.

Các F1 chăm sóc người bệnh luôn nâng cao ý thức tránh để mình bị lây bệnh. F1 cần phải đeo khẩu trang, kính chắn giọt bắn, vệ sinh tay trước và sau khi chăm sóc bệnh nhân F0. Bên cạnh đó, ngoài việc uống thuốc, đảm bảo chế độ dinh dưỡng khoa học, vận động nâng cao sức khoẻ... để giúp cơ thể nhanh chiến thắng Covid-19.

Đối với người lớn: Nếu sốt > 38.5°C hoặc đau đầu, đau người nhiều, cần uống mỗi lần 1 viên thuốc hạ sốt như paracetamol 0,5g, có thể lặp lại mỗi 4-6 giờ, ngày không quá 4 viên; uống oresol nếu uống kém/giảm hoặc có thể dùng uống thay nước. Đối với trẻ em: Nếu sốt > 38.5°C, uống thuốc hạ sốt như paracetamol liều 10-15mg/kg/lần, có thể lặp lại mỗi 4-6 giờ, ngày không quá 4 lần. Nếu sau khi dùng thuốc hạ sốt 2 lần không đỡ, đề nghị thông báo ngay cho nhân viên y tế quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà để xử lý.

Nếu có một trong các dấu hiệu sau đây phải báo ngay với nhân viên y tế: Khó thở; Thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường, nhịp thở tăng; Các chỉ số sinh tồn khác bất thường; Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.

Tôi thiết nghĩ, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, bất cứ ai cũng có thể trở thành F0 nếu không biết tự bảo vệ mình. Nếu không may bạn trở thành F0 thì việc tự theo dõi, chăm sóc theo đúng khuyến cáo của ngành y tế là điều vô cùng cần thiết để chiến thắng với dịch bệnh Covid-19.

Trong điều kiện số ca mắc Covid-19 ở Hà Nội vẫn cao, người mắc Covid-19 khi điều trị tại nhà cần bình tĩnh, tuân thủ sự hướng dẫn của nhân viên y tế. Đồng thời, phối hợp tốt với chính quyền cơ sở trong sử dụng phần mềm quản lý F0 điều trị tại nhà, tránh phụ thuộc quá nhiều vào đường dây nóng gây quá tải không đáng có trên hệ thống và căng thẳng không cần thiết.

Tường Vy
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động