Thứ ba 26/11/2024 13:10

Cẩn trọng với các chiêu trò lừa đảo liên quan đến dịch bệnh Covid-19

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, đã có nhiều chiêu trò lừa đảo nở rộ “ăn theo”. Thời gian gần đây, rất nhiều người vấp phải các chiêu trò lừa đảo tinh vi, đa dạng qua điện thoại.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bạn của tôi sống tại TP HCM nhận được tin nhắn từ một đầu số lạ, thông báo “tình trạng sức khỏe” và hướng dẫn gọi một số điện thoại khác, cung cấp số căn cước công dân cùng các thông tin cá nhân quan trọng khác. Thậm chí, kẻ xấu đã mạo danh số điện thoại Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP với đầu số "hao hao" so với số gốc (số chính xác là 18001119 và số giả mạo là 10881119), yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng.

Một ngân hàng lớn cũng cảnh báo khách hàng, trong bối cảnh dịch Covid-19 đã xuất hiện thủ đoạn mạo danh ngân hàng gửi email thông báo cung cấp gói hỗ trợ và yêu cầu khách hàng truy cập đường link để nhận gói hỗ trợ này. Các BV cũng bị kẻ xấu lợi dụng trên danh nghĩa kêu gọi tài trợ trên mạng xã hội hay tự xưng là "bác sĩ" của BV để tư vấn sức khỏe, yêu cầu người bệnh mua thuốc.

Thời điểm BHXH hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì nhiều đầu số như 052, +84563…; +84528…; +84582… nhắn tin cho người dân với nội dung thông báo việc nhận trợ cấp từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp, rồi từ từ đưa nạn nhân vào bẫy lừa.

Khi được phản ánh, đại diện một nhà mạng cho biết, theo luật, nhà mạng không được phép nghe nội dung cuộc gọi hay xem nội dung tin nhắn vì đó là quyền riêng tư giữa những người dùng với nhau. Trong khi đó, hầu hết các cuộc gọi hay tin nhắn lừa đảo hiện nay đều xuất phát từ các đầu số liên lạc cá nhân, hệ thống kỹ thuật đương nhiên sẽ không thể biết được nội dung trao đổi giữa người gọi và người nghe là gì.

Với thực trạng như vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác khi nhận được được các cuộc gọi, tin nhắn từ số điện thoại lạ. Đối với các cuộc gọi, tin nhắn có dấu hiệu lừa đảo nên xác minh trực tiếp với các đơn vị cung cấp dịch vụ như ngân hàng và Cty viễn thông trước khi thực hiện các dịch vụ được giới thiệu.

Hiện nay, nhiều ngân hàng khuyến nghị người dùng nên ưu tiên chọn sử dụng Smart OTP thông qua ứng dụng do ngân hàng phát hành với chế độ bảo mật 2 bước, thay vì sử dụng phương thức nhận OTP qua tin nhắn SMS.

Đồng thời, thông báo kịp thời tới ngân hàng, nhà mạng và CQCA để tìm phương án xử lý kịp thời trong trường hợp bị mất quyền sử dụng SIM, nghi ngờ bị lộ thông tin cá nhân tại ngân hàng. Đặc biệt, người dân không nên cung cấp thông tin bảo mật như giấy tờ tùy thân, mã OTP (từ ngân hàng, ví điện tử, nhà mạng di động...), thông tin tài khoản ngân hàng, số thẻ tín dụng và mã CVV, mã PIN... cho bất kỳ ai, dưới bất kỳ hình thức nào; không bấm vào đường link lạ hoặc thực hiện các yêu cầu thao tác soạn tin nhắn theo cú pháp lạ.

Tường Vy
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động