Kỳ cuối: Những cách thức giúp sinh viên phòng tránh chiêu trò lừa đảo
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênSinh viên cần cảnh giác trước những chiêu trò làm thêm không đáng tin cậy. Ảnh: Ngọc Tú |
Tìm hiểu kỹ lưỡng mọi việc, tìm sự giúp đỡ nếu bị lừa đảo
Chuyên gia lĩnh vực việc làm Vũ Quang Thành cho rằng, để tránh rơi vào những trường hợp bị lừa đảo, các sinh viên nên tham khảo các kênh tìm việc chính thống như: Trung tâm Hỗ trợ sinh viên, Trung tâm Dịch vụ việc làm của Sở Lao động – thương binh và xã hội,… Khi đọc các thông tin tuyển dụng trên mạng, sinh viên nên tìm hiểu kỹ và liên hệ thực tế, tuyệt đối không nghe lời dụ dỗ đặt cọc tiền để nhận việc.
Chuyên gia Lê Thị Thu Huyền cho biết, không bao giờ có việc nhẹ, lương cao. Trước khi nhận công việc, sinh viên cần tìm hiểu thật kỹ công việc đó là gì. Chú ý cảnh giác với những trường hợp yêu cầu đặt cọc hay ứng tiền trước. Nếu bên tuyển dụng đưa ra điều kiện như vậy thì 100% là chiêu trò lừa đảo. Nếu có người mượn/thuê giấy tờ cá nhân thì chắc để lừa người khác bằng danh nghĩa của mình nên tuyệt đối không làm theo. Sinh viên cũng cần chú ý địa điểm phía tuyển dụng hẹn phỏng vấn. Nếu ở ngoài văn phòng, địa điểm làm việc thì 100% là có ý đồ xấu. Dù là làm thêm cũng có hợp đồng nên các bạn trẻ cần đọc thật kỹ, nếu có thể, sinh viên cầm về nghiên cứu trước khi ký hợp đồng.
Theo anh Ngô Minh Hiếu (còn gọi là Hiếu PC) - người đồng sáng lập, Giám đốc điều hành Doanh nghiệp xã hội Chống lừa đảo (chongluadao.vn), chuyên gia kỹ thuật tại Trung tâm giám sát và an toàn không gian mạng quốc gia (thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin - Truyền thông), sinh viên nên tìm hiểu thêm về các phương thức phòng tránh lừa đảo mạng, tìm kiếm sự giúp đỡ, cảnh báo về những rủi ro có thể gặp phải tại các địa chỉ: dauhieuluadao.com (dự án do Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia và Google thực hiện); website: tinnhiemmang.vn; khonggianmang.vn…
Trong trường hợp sinh viên không may bị lừa thì cần phải liên hệ ngay với người thân hoặc bạn bè để được hỗ trợ xử lý tình huống. Cần ghi lại các thông tin như các cuộc trò chuyện, giao dịch, biên lai và bất kỳ chứng cứ nào có liên quan để báo cho cơ quan chức năng. Sau đó chia sẻ với bạn bè câu chuyện của mình để người thân, bạn bè tránh bị "sập bẫy" bởi các đối tượng xấu.
Khi đi thuê phòng, sinh viên cần tìm hiểu thật kỹ thông tin trên mạng, hỏi kỹ người dân xung quanh khu vực nhà trọ, không đặt cọc hay chuyển khoản khi thấy có dấu hiệu lừa đảo. Khi ký hợp đồng thuê nhà, sinh viên cần làm việc trực tiếp với chủ nhà và kiểm tra kỹ các điều khoản, đặc biệt là về giá cả, thời gian thuê,...
Trước khi ký hợp đồng thuê các căn hộ chung cư mini, sinh viên phải chú ý đọc kỹ các điều khoản bởi đôi khi chủ nhà cố tình làm lắt léo để sinh viên thuê nhà phải trả các khoản phí phát sinh và khi xảy ra phá vỡ hợp đồng thì giải quyết như thế nào để không bị phía cho thuê lật lọng.
Sinh viên nên ưu tiên việc học, kiên quyết không làm việc cho những nơi làm ăn phi pháp
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), Giảng viên Luật Hình sự, Khoa Luật và Lý luận Chính trị, ĐH Thuỷ Lợi cho rằng, sinh viên vẫn nên ưu tiên việc học của mình lên hàng đầu để tốt nghiệp ra trường, tìm kiếm công việc, nâng tầm giá trị của bản thân, đóng góp công sức, trí tuệ cho sự phát triển của đất nước. Nếu muốn kiếm việc làm thêm, sinh viên cần hết sức thận trọng, tìm hiểu kỹ, biết rõ công việc mình phải làm, giới hạn phạm vi công việc, các quyền lợi được hưởng và cơ chế để bảo đảm, bảo vệ quyền lợi cho bản thân.
Để giảm thiểu những rủi ro khi làm thêm thì các sinh viên cần trang bị cho mình những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng cần thiết trong việc kiếm việc làm thêm. Cần liên hệ và có sự giúp đỡ của hội sinh viên, của đoàn thanh niên, các sinh viên khóa trước và có thể tham khảo ý kiến của các thầy cô giảng viên, của bố mẹ trước khi quyết định một việc làm thêm trong quá trình học tập.
Một số kinh nghiệm để tránh rủi ro trong quá trình thực hiện công việc làm thêm là: không nộp tiền đặt cọc, không nộp tiền để đảm bảo công việc làm thêm; không cung cấp quá nhiều thông tin về cá nhân, về nhân thân đối với người sử dụng lao động khi không biết rõ công ty, doanh nghiệp của họ như thế nào; cần phải tra cứu mã số thuế trên cổng thông tin điện tử xem doanh nghiệp đó có đăng ký thuế hay không, kinh doanh công khai hay không, hoạt động kinh doanh có hợp pháp hay không.
Kiên quyết không làm việc cho các doanh nghiệp làm ăn phi pháp, hoạt động nghề nghiệp không rõ ràng; cần phải tìm hiểu rõ, thỏa thuận cụ thể bằng văn bản công việc phải làm và quyền lợi được hưởng. Đặc biệt, chú ý đến thời gian làm việc, nghỉ ngơi, kết quả làm việc, mức lương, thời gian, phương thức trả lương.
Đối với các hoạt động nghề nghiệp làm việc trực tiếp thì cần làm rõ thời gian làm việc, môi trường làm việc, đối tác làm việc và không nên làm việc một mình. Khi thấy có nguy cơ bị xâm hại tình dục, lạm dụng tình dục, bóc lột lao động thì có thể dừng lại hoặc trình báo sự việc với cơ quan chức năng,... Với những đối tác, những doanh nghiệp không đáng tin cậy, hoạt động kinh doanh không rõ ràng, hoặc nghi ngờ hoạt động kinh doanh bất hợp pháp thì kiên quyết không làm việc, dù mức lương có cao hơn các công việc khác.
Theo TS. Luật sư Đặng Văn Cường, các cơ sở giáo dục cũng cần quan tâm đến hoạt động làm thêm của sinh viên, đặc biệt là hội sinh viên, đoàn thanh niên và ban cán sự lớp.
Cơ quan chức năng cũng cần tăng cường quản lý hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là các hoạt động nghề nghiệp mới có sinh viên tham gia để đảm bảo quyền lợi cho sinh viên, hạn chế những tiêu cực, những mối hiểm nguy có thể xảy đến đối với sinh viên làm thêm; tổng hợp, thống kê, tuyên truyền các phương thức thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản mới để người dân kịp thời cảnh giác, phát hiện và ngăn chặn các hành vi chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; bổ sung lực lượng, phương tiện kỹ thuật để kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Người dân phải cảnh giác đối với những thông tin tuyển dụng việc nhẹ lương cao trên mạng xã hội, kịp thời thông báo cho CQCA gần nhất để CQCA nắm thông tin và xâu chuỗi các sự việc, truy xét tìm ra ổ nhóm của bọn tội phạm.
Kỳ 1: Lừa đảo "ưu đãi" nhập học sớm, chuyển tiền vào tài khoản không phải của trường | |
Kỳ 2: Muôn kiểu chiêu trò lừa đảo làm thêm |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại