Thứ sáu 22/11/2024 18:09
Cảnh báo chiêu trò lừa đảo tân sinh viên mới nhập học

Kỳ 2: Muôn kiểu chiêu trò lừa đảo làm thêm

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nếu không cảnh giác, tân sinh viên sẽ dễ rơi vào “mê hồn trận” lừa đảo của các đối tượng xấu, đặc biệt là khi những kẻ lừa đảo này đánh vào nhu cầu “việc nhẹ lương cao” của nhiều người.
Kỳ 2: Muôn kiểu chiêu trò lừa đảo làm thêm
Tin nhắn hướng dẫn sinh viên truy cập vào đường link lừa đảo. Ảnh chụp màn hình

Lời hứa gió bay

Ngay từ năm thứ 2 đại học, em N.H.N, sinh viên 1 trường ĐH trên địa bàn Hà Nội đã xin việc làm thêm để đỡ đần bố mẹ chi phí đắt đỏ ở thành phố. N. xin được việc tại một kho của trang thương mại điện tử, công việc là bê đồ và phân chia hàng hóa. Thời gian làm có ca đêm và ca ngày. Khi phỏng vấn, bên tuyển dụng cho biết 2-3 ngày sẽ trả lương, tiền công 280.000 đồng/buổi.

Tuy nhiên, làm được 3 ngày, N. và bạn bè không nhận được tiền lương của mình. Nhắn tin hỏi bên môi giới thì người này nói bên kho không trả tiền nên không có tiền để trả N. Liên hệ bên kho thì N. nhận được câu trả lời là họ không liên quan. Được biết, N làm việc cùng nhóm bạn, cộng lại tiền lương của mọi người khá nhiều.

Em P.M.L, sinh viên một trường ĐH ở Hà Nội cũng chia sẻ việc mình bị lừa khi đi làm thêm tại một cửa hàng mỹ phẩm. L. được chủ cửa hàng yêu cầu đặt cọc 500.000 đồng tiền mặt để tránh các trường hợp tự ý nghỉ giữa chừng, lấy đồ của cửa hàng,... Muốn gắn bó với công việc lâu dài nên L. đồng ý.

L. làm được nửa tháng thì cửa hàng bảo em nghỉ làm vì lý do không có khách. Lúc thanh toán tiền lương, phía cửa hàng chỉ trả L. một nửa tiền lương, cũng không trả số tiền đặt cọc ban đầu. Khi L. nhắn tin hỏi cửa hàng thì họ không trả lời, em đến tận nơi thì cửa hàng đã đóng cửa. L. cho biết em rất buồn vì bản thân không nhận được số tiền xứng đáng với công sức của mình bỏ ra, thêm nữa là tiền đặt cọc cũng mất hút.

Được giới thiệu công việc “ngon”, sau vài tháng thử việc, thu nhập có thể lên tới 5 triệu đồng/part time (bán thời gian), 10 triệu đồng với hình thức full time (làm việc toàn thời gian), còn được công ty hỗ trợ tiền ăn và tiền xăng xe cho người ở xa, làm việc lâu dài sẽ có cơ hội thăng tiến nên nữ sinh P.A (ở Hà Nội) rất vui mừng. Tuy nhiên, phía tuyển dụng có yêu cầu là ứng viên phải đóng phí đào tạo 215.000 đồng với hình thức làm việc part time và 315.000 đồng đối với hình thức full time. P.A ngay lập tức đồng ý với yêu cầu của người tuyển, nhất là khi nghe họ hẹn cô hôm sau đến công ty phỏng vấn trực tiếp. Thế nhưng, hôm sau, P.A đến địa chỉ người tuyển dụng nhắn thì phát hiện không có công ty nào như vậy ở đây. Những tin nhắn trao đổi qua facebook với P.A đã được phía tuyển dụng thu hồi, tài khoản facebook cũng bỗng dưng biến mất.

Vì đã biết nhiều trường hợp tân sinh viên mới nhập học bị lừa đảo việc làm thêm, đặc biệt là xin việc online nên khi đi xin việc, em N.C khá tỉnh táo. Sau khi đăng bài muốn tìm việc trên facebook, em C. có nhận được nhiều tin nhắn tuyển dụng. Em lựa chọn phỏng vấn online để xin đi làm tại một quán cà phê có địa chỉ gần trường vì tiện cho việc di chuyển. Sau khi mức tiền lương được thỏa thuận xong, bên tuyển dụng yêu cầu C. đóng tiền đặt cọc 500.000 đồng tiền đồng phục. Nghe đến đây, C. nói là cần suy nghĩ lại. Bên tuyển dụng liền “đánh” vào tâm lý cần việc làm của C, nhấn mạnh phía công ty không có thời gian phỏng vấn lần nữa và mức lương thỏa thuận là cao, hiếm khi họ tuyển dụng vị trí đó. Tuy nhiên, C. quyết định từ chối đóng cọc trước. Sau đó, em chia sẻ câu chuyện cho nhiều người biết để tránh bị lừa đảo.

Sinh viên “sập bẫy” đa cấp, muốn nghỉ việc phải “chuộc” CMND

Nghe những lời giới thiệu mùi mẫn về "việc nhẹ lương cao", chỉ cần tham gia hội thảo giới thiệu sản phẩm là có tiền nên em H.H. không suy nghĩ nhiều, cùng bạn bè đến một tòa nhà cao tầng tại Hà Nội đúng như lời kẹn, đặt cọc cho phía tuyển dụng CMND, CCCD và thẻ sinh viên. Theo như phía tuyển dụng, đây là yêu cầu bắt buộc để được nhận vào làm việc tại đây.

Sau đó, H.H. và các bạn được yêu cầu tham gia một hội thảo giới thiệu sản phẩm. Nhưng vì thấy công việc nhàm chán nên H.H. và các bạn muốn xin nghỉ.

Lúc này, bên tuyển dụng yêu cầu các sinh viên phải nộp tiền để “chuộc” CMND hoặc phải mua hàng không rõ nguồn gốc của họ thì họ mới cho chuộc lại giấy tờ. Không muốn câu chuyện của mình bị vỡ lở, khiến gia đình lo lắng nên em H. chắt chiu hết số tiền bố mẹ cho để chuộc lại CMND. H. cho biết đây là bài học đáng nhớ cho bản thân từ sự chủ quan, nhẹ dạ cả tin của mình, từ giờ em sẽ cẩn trọng hơn trong việc tìm việc làm thêm.

Qua mạng xã hội, em N.T.H nhận được lời mời phỏng vấn của một công ty. Nhà tuyển dụng yêu cầu H phải học khóa đào tạo vài ngày, sau đó làm bài kiểm tra để đánh giá có đạt tiêu chuẩn làm việc hay không. Người kèm cặp H. nói chuyện rất khéo léo nên cô không mảy may nghi ngờ điều gì.

Cuối ngày đào tạo, phía tuyển dụng yêu cầu H. phải đóng số tiền hơn chục triệu đồng để mua bộ sản phẩm bên họ dùng thử, từ đó sẽ đi bán sản phẩm cho khách hàng. Lúc này H. mới sinh nghi và quyết định chưa nộp tiền vội. Về nhà, qua tìm hiểu, H nhận ra đây là chiêu trò lừa đảo mà nhiều người từng bị nên từ chối làm việc tại công ty này.

(Còn nữa...)

Kỳ 1: Lừa đảo Kỳ 1: Lừa đảo "ưu đãi" nhập học sớm, chuyển tiền vào tài khoản không phải của trường
An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động