Đồng lòng, chung sức, xứng đáng với sự tin tưởng, kỳ vọng của Đảng bộ và nhân dân
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênVới phương châm: Đoàn kết – Kỷ cương – Sáng tạo – Phát triển, trong các ngày từ 26 đến 28-10, Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX đã diễn ra tại khu Hội nghị 25B của tỉnh.
Tham dự Đại hội có 448 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 229.000 đảng viên trong toàn đảng bộ. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dự và chỉ đạo đại hội.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa khóa XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 ra mắt Đại hội. |
Đại hội đã bầu BCH Đảng bộ tỉnh khóa mới gồm 65 người. Ông Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy khóa XVIII được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Khóa XIX. Ban Thường vụ tỉnh ủy gồm 17 người, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy gồm 13 người; bầu đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đi dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng gồm 32 đại biểu chính thức và 3 đại biểu dự khuyết.
Phát biểu nhận nhiệm vụ, ông Đỗ Trọng Hưng - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh trân trọng cảm ơn Đại hội đã tín nhiệm bầu 65 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đây là niềm vinh dự, nguồn động viên hết sức to lớn, nhưng cũng là trách nhiệm cao cả mà Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh tin tưởng, giao phó cho Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX.
Đồng chí Đỗ Trọng Hưng - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại Đại hội. |
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa khẳng định: Những thành tựu đạt được của tỉnh trong thời gian qua là công lao to lớn của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc, các lực lượng vũ trang Thanh Hóa, trong đó có sự đóng góp quan trọng của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ, mà gần nhất là của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII.
Với tinh thần trách nhiệm cao, Đại hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, với những vấn đề lớn, hệ trọng của tỉnh trong giai đoạn mới, thể hiện rõ tư tưởng chỉ đạo, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mang tính khả thi cao.
Cụ thể: GRDP bình quân đạt từ 11% trở lên; GRDP bình quân đầu người năm 2025 đạt 5.200 USD trở lên; tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt 750 ngàn tỷ đồng trở lên; Tốc độ tăng thu ngân sách bình quân hằng năm đạt 10% trở lên; Kim ngạch xuất khẩu năm 2025 đạt 8 tỷ USD; Tỷ lệ đô thị hóa năm 2025 đạt 40% trở lên; Đến hết năm 2025 có 17 huyện, thị xã, thành phố, 88% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm theo tiêu chí mới 1,5% trở lên; Năm 2025 đạt 13 bác sỹ/vạn dân; Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đến năm 2025 đạt 81%...
Phương hướng chung của nhiệm kỳ tới đó là phấn đấu đến năm 2025, Thanh Hóa trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở khu vực phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước.
Nghị quyết Đại hội xác định 6 chương trình trọng tâm và 3 khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025. Đó là: Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; Chương trình phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu Công nghiệp; Chương trình phát triển du lịch; Chương trình nâng cao chất lượng văn hóa, giáo dục, y tế; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi; Chương trình nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng. 3 khâu đột phá gồm: Đột phá về phát triển hạ tầng; Đột phá về đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn; Đột phá về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ…
Đối với các nhiệm vụ, giải pháp, Nghị quyết Đại hội xác định tập trung phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực gồm: TP Thanh Hóa – TP Sầm Sơn; Khu Kinh tế Nghi Sơn; Trung tâm động lực phía Bắc: Thạch Thành – Bỉm Sơn và Khu trung tâm động lực phía Tây: Lam Sơn – Sao Vàng.
5 trụ cột tăng trưởng được xác định bao gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo; Nông nghiệp; Du lịch; Y tế và Phát triển hạ tầng.
Phát triển 6 hành lang kinh tế bao gồm: Hành lang kinh tế ven biển; Hành lang kinh tế Bắc – Nam; Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh; Hành lang kinh tế Đông Bắc; Hành lang kinh tế trung tâm và hành lang kinh tế quốc tế.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại