Thứ hai 20/05/2024 14:03

Đối phó với “phao thi” công nghệ cao

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Những thiết bị phục vụ gian lận thi cử ngày càng nhỏ gọn, tinh vi, “tàng hình” dưới nhiều hình thức chẳng hạn như một chiếc bút, một chiếc đồng hồ đeo tay... Với sự hỗ trợ của các thiết bị này, một số thí sinh đã...

Công nghệ số “tác nghiệp” trong phòng thi

Giờ đây, với một chiếc điện thoại có thể chụp ảnh, có chức năng bluetooth và vào mạng internet, thí sinh ngồi trong phòng thi có thể dễ dàng liên lạc và kết nối với bên ngoài để quay cóp. Với chức năng đăng ảnh trực tiếp lên mạng từ ĐTDĐ, chỉ cần chưa đầy nửa phút là thí sinh có thể “tác nghiệp” xong. Mặc dù quy chế không cho phép mang điện thoại vào phòng thi nhưng thí sinh có rất nhiều cách để “qua mặt” giám thị.

“Quay bài bằng tai nghe nhỏ ngày càng được học sinh, sinh viên sử dụng, nhất là nữ sinh. Vì quay bài kiểu này phải luôn giữ được vẻ tự nhiên nên ít bị giám thị nghi ngờ. Mấu chốt của tuyệt chiêu này là điện thoại, tai nghe phải khá xịn và có sự phối hợp ăn ý giữa người bên trong và bên ngoài phòng thi để có thể đọc – chép nhịp nhàng. Tóc càng dài, càng dày thì càng tốt để che kín tai. Nếu tóc mỏng hay hơi ngắn thì cần vuốt gel để tóc cứng, không xô lệch làm hở tai” - một nữ sinh có thâm niên tiết lộ “bí quyết”.

Một thầy giáo trẻ chia sẻ: “Nhiều nữ sinh bây giờ quay bài rất tinh vi. Một lần, rõ ràng tôi phát hiện nữ sinh đó quay bài. Nhưng khi tôi đến xử lý thì em này thản nhiên đứng dậy, nói “em mặc váy và áo không có túi thì giấu phao vào đâu, không tin thì thầy cứ thoải mái kiểm tra”. Tôi đành chịu, không xử phạt được, sau đấy chỉ có thể tăng cường để ý nữ sinh này hơn để em đó không dám quay bài nữa”.

Hiện nay, tại một số khu vực chuyên bán phao thi, ngoài các hình thức phao photo thu nhỏ, phao ruột mèo truyền thống, các chủ cửa hàng còn giới thiệu các loại phao điện tử. Loại phao này thực chất là lời giải các đề thi đã được số hóa bằng tệp tin âm thanh. Phao điện tử thích hợp với các môn thi có sẵn đề cương câu hỏi hoặc học thuộc lòng nhiều. Để dùng loại phao này, thí sinh chuyển các file âm thanh vào máy nghe nhạc hoặc điện thoại và dùng tai nghe để quay bài trong phòng thi. Với kiểu quay bài này, thí sinh cần nhớ thứ tự nội dung các file âm thanh để có thể chọn mở lúc làm bài.

Thiết bị tai nghe siêu nhỏ phục vụ gian lận thi cử được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội. Ảnh tư liệu

Chung sức loại bỏ gian lận trong thi cử

Để tìm hiểu kỹ hơn, dạo qua một số địa điểm trên mạng xã hội, lân la trò chuyện với một member có nick: mr.hay hoc… trong diễn đàn một trường THPT ở Hà Nội, chúng tôi biết công nghệ được học trò áp dụng để làm phao thi ngày càng tinh vi. Member này cho biết, mặc dù khá lo lắng và chăm chỉ ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp, nhưng do tâm lý, cả lớp ai cũng rục rịch chuẩn bị phao thi cho mình. Bên cạnh kiểu phao truyền thống như ruột mèo thì có không ít người đang bắt đầu ghi âm đề cương vào USB mp3, hoặc chụp tài liệu lại bằng điện thoại xịn. Còn với điện thoại, có thể dùng máy ảnh chụp đề cương rồi đưa vào ĐTDĐ; hoặc có thể gõ bài vào word, sau đó đưa vào di động và dùng mobile office để đọc…

Theo CQCA, tai nghe siêu nhỏ là một trong những thiết bị công nghệ phục vụ hành vi gian lận thi cử hot trên các trang mạng xã hội, mạng internet hiện nay, được nhiều người đặt mua. Nếu như trước đây hành vi gian lận của thí sinh thường là “phao cứu sinh” thì với sự phát triển của công nghệ, có rất nhiều thiết bị đã được sử dụng vào mục đích gian lận thi cử.

Trong tài khoản facebook có tên “Siêu tai nghe bí mật”, các loại tai nghe phục vụ gian lận thi cử được quảng cáo rằng: “Có em này và có đồng đội tốt (hoặc ghi âm sẵn) thì đi thi lý thuyết không ngại một thể loại gió mùa nào nhé các bạn”.

Theo quảng cáo trên trang Facebook này, ngoài các loại tai nghe siêu nhỏ có dây dẫn, hiện có 2 loại tai nghe siêu nhỏ với kích cỡ chỉ bằng hạt đậu và đầu bút bi, không dây dẫn, có chức năng kết nối với điện thoại và dùng như tai nghe thường, có nghĩa là nghe gọi, có mic nói chuyện hoặc nghe nhạc, nghe ghi âm thoải mái.

CQCA khuyến cáo, theo quy chế của Bộ GD&ĐT, thí sinh sẽ bị đình chỉ thi khi mang theo phương tiện kỹ thuật, truyền tin, ghi âm, ghi hình, thiết bị chứa đựng thông tin có thể lợi dụng vào phòng thi. Thí sinh mang ĐTDĐ vào phòng thi trong tình trạng tắt máy cũng bị đình chỉ thi.

Một thầy giáo có nhiều kinh nghiệm làm giám thị cho biết: “Nhiều thiết bị công nghệ cao trên thế giới đã xuất hiện tại Việt Nam và một số học sinh, sinh viên đã lợi dụng các tính năng hiện đại của thiết bị công nghệ để gian lận trong thi cử. Để phát hiện trường hợp quay cóp bài khi thi, giám thị phải thật chú ý tới các biểu hiện bất thường của thí sinh”.

Những thí sinh có tư tưởng dựa dẫm vào các thiết bị công nghệ cao để thực hiện hành vi gian lận thi cử cũng đều bị xử lý nghiêm khắc theo quy chế. Đối với những người bên ngoài giúp sức cho thí sinh, khi bị cơ quan điều tra phát hiện, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự. Thông tin về những chiêu trò quay cóp bài bằng công nghệ cao đã được một số thí sinh sử dụng sẽ là điều đáng lưu tâm và hữu ích cho các giám thị để đảm bảo một kì thi an toàn, nghiêm túc, công bằng.

Đầu tháng 6-2016, phối hợp Đội CA kinh tế – CA quận Long Biên, Đội số 4 PC50 đã phát hiện đối tượng Phan Thanh Phong (SN 1993, ở tổ số 1 Cự Khối, Long Biên) đang giao cho khách 10 bộ tai nghe siêu nhỏ. Phong khai tậu số tai nghe trên của Lê Văn Việt (SN 1994, ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc) sở hữu giá 500.000 đồng/1 bộ, sau đó bán lại cho khách giá 600.000 đồng/bộ. Ngoài vụ việc trên, Phòng PC50 cũng đã phối hợp CA quận Nam Từ Liêm kiểm tra, phát hiện Nguyễn Văn Dương, quản trị 2 trang web tainghesieunho.org và congnghecaohanoi.com có hành vi bán tai nghe siêu nhỏ bất hợp pháp.
PGS.TS Vũ Lệ Hoa, giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ: “Do các môn thi lý thuyết khá nhiều, nhiều sinh viên lười học hoặc học không vào, muốn điểm cao mà không muốn mất sức. Do vậy, họ tìm đến những thiết bị công nghệ đó. Những thiết bị công nghệ gian lận tinh vi này nhiều khi giáo viên cũng chưa hiểu hết ngoài một số giáo viên thuộc khoa CNTT. Vì vậy, nhà trường cần tập huấn, phổ biến về những hành vi gian lận này cho giáo viên, nhất là trong mùa thi như hiện nay”.

Thanh Tuấn

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động