Thứ ba 16/04/2024 17:59

“Đoàn quân áo trắng” xung phong vào tâm dịch và những tháng ngày rực lửa

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Dưới cái nắng, nóng khốc liệt của mùa Hè miền Bắc, những cán bộ y tế, sinh viên ngành y đã mang nhiệt huyết, quyết tâm dập dịch để hỗ trợ, chia lửa cho vùng dịch Bắc Giang, Bắc Ninh. Họ đã cống hiến hết mình để góp phần đẩy lùi dịch bệnh và có những ngày tháng ngày “rực lửa”.

Tạm xa mẹ già, con nhỏ để bước vào cuộc chiến

Cái “rực lửa” của những đoàn quân tình nguyện không chỉ là sự dầm mình trong nắng nóng như thiêu như đốt của mùa Hè mà còn rực lửa ở nhiệt huyết, tinh thần làm việc không ngừng nghỉ, ở sự nỗ lực hết mình với mong muốn, quyết tâm cao nhất là ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh.

Từng “đoàn quân áo trắng” ở khắp các vùng, miền từ Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh đến Đà Nẵng… thậm chí tận TP Hồ Chí Minh đã tiến về tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh để hỗ trợ các địa phương khoanh vùng, dập dịch, điều trị bệnh nhân.

Là một trong hàng nghìn nhân viên y tế xung phong hỗ trợ cho đồng nghiệp tại Bắc Ninh, chị Trần Thị Thu Thanh, sinh năm 1984, Điều dưỡng tại khoa Hồi sức cấp cứu theo yêu cầu, BV Đa khoa Phú Thọ chia sẻ: Khi nghe tin chị đi công tác, cô con gái nhỏ chưa đầy 4 tuổi đã thỏ thẻ xin mẹ cho đi theo. Thế nhưng, sau khi được mẹ giải thích “mẹ đi bắt con Covid” cháu đã hiểu ra và không hề khóc mà còn dặn “mẹ đi mẹ đừng khóc nhé”.

Sự động viên của cô con gái nhỏ đã khiến chị Thanh vững tâm tạm xa 3 con nhỏ và mẹ già để bước vào cuộc chiến cùng các đồng nghiệp trong đoàn công tác. Kể từ khi chị xung phong vào tâm dịch đã gần 3 tuần trôi qua, được sống, cọ xát trong môi trường chăm sóc bệnh nhân Covid chị đã thấu hiểu thêm công việc của các đồng nghiệp.

“Đoàn quân áo trắng” xung phong vào tâm dịch và những tháng ngày rực lửa

Điều dưỡng Trần Thị Thu Thanh, BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ: Khi trực tiếp trải nghiệm đã giúp tôi thấu hiểu vất vả của đồng nghiệp ở tuyến đầu

Với công việc của điều dưỡng, trước đây chị cũng chăm sóc bệnh nhân nhưng là bệnh nhân thông thường. Còn với bệnh nhân Covid, chị hiểu rằng ngoài tâm lý mang bệnh họ cảm thấy cô đơn, thấy như bị cô lập. Vì thế, ngoài việc chăm sóc cho bệnh nhân chị còn phải động viên, an ủi để bệnh nhân an tâm rằng họ không chiến đấu với bệnh tật một mình, không bị bỏ rơi.

Dù thời gian chưa dài nhưng khi trực tiếp tham gia chăm sóc bệnh nhân Covid nặng, chị Thanh đã cảm nhận được những vất vả của bác sỹ tuyến đầu: Có bệnh nhân khi được đưa vào điều trị đã ở trong tình trạng suy hô hấp nặng, sau đó hôn mê và phải sử dụng hỗ trợ máy móc chạy thận, lọc máu. Bệnh nhân nặng hơn 1 tạ nên việc chăm sóc vất vả cho điều dưỡng. Bệnh nhân thông thường cân nặng đó đã vất vả, với bệnh nhân Covid thì còn phải chăm sóc lăn trở người, thay bỉm…. Nhưng với sự tận tụy của những bác sỹ, điều dưỡng, sau một thời gian bệnh nhân này đã tỉnh táo, không phải lọc máu.

“Trước kia tôi chưa từng tham gia điều trị bệnh nhân Covid, khi bước chân vào được trải nghiệm mới thực sự thấu hiểu khó khăn của những người ở tuyến đầu”, chị Thanh nói.

Tham gia cùng đoàn công tác của TP Hà Nội hỗ trợ Bắc Giang, anh Đinh Nguyễn Hải Long, cán bộ Khoa xét nghiệm-chẩn đoán hình ảnh-thăm dò chức năng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP đi lại như con thoi giữa Hà Nội-Bắc Giang.

Buổi sáng, anh Long tham gia lấy mẫu cùng cán bộ y tế trong đoàn và TTYT huyện Lạng Giang cho người dân tại cộng đồng, công nhân, đối tượng trong khu cách ly... Đến cuối ngày, anh lại mải miết soát mẫu đưa về Hà Nội để thực hiện xét nghiệm. Sáng sớm hôm sau anh cùng đồng nghiệp lại từ Hà Nội di chuyển xuống Bắc Giang làm tiếp tục chu kỳ công việc này.

“Đoàn quân áo trắng” xung phong vào tâm dịch và những tháng ngày rực lửa
Đi lại như con thoi giữa Hà Nội-Bắc Giang để kịp chuyển mẫu, dù vất cả nhưng anh Đinh Nguyễn Hải Long, cán bộ xét nghiệm CDC Hà Nội vẫn sẵn sàng hỗ trợ bất cứ nơi đâu có dịch Covid-19 (ảnh Đ.V)

Do để đảm bảo giờ giấc xét nghiệm, những bữa cơm tối diễn ra rất vội; có những ngày quá bữa, anh cùng đồng nghiệp còn nhịn ăn để kịp giao mẫu về Hà Nội… Khó khăn là vậy nhưng không ngăn cản được quyết tâm hết mình phục vụ công việc của anh cùng đồng nghiệp.

Sau 4 tuần hỗ trợ Bắc Giang, đoàn công tác của TP Hà Nội đã rút quân. Anh Long cùng đồng nghiệp thực hiện cách ly y tế trước khi trở về công việc thường ngày. Dù chưa có dịp về thăm gia đình nhưng tinh thần tình nguyện vẫn luôn rực cháy trong anh. Anh cho biết: "Bất cứ nơi đâu có dịch Covid-19, nơi nào cần hỗ hợ, tôi sẵn sàng tham gia để được góp sức mình chiến đấu chống dịch Covid-19".

Cống hiến hết mình bởi “tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”

Trong số hàng chục nghìn người của đoàn quân áo trắng hỗ trợ tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh có nhiều người đang còn là sinh viên y khoa. Thay vì thực hiện việc học online hoặc tận hưởng kỳ nghỉ hè bên gia đình, người thân, các em đã lựa chọn những việc không mấy nhẹ nhàng.

Có mặt tại Thuận Thành, Bắc Ninh, nữ sinh Ngô Thị Ngọc Biển (sinh năm 2000, sinh viên năm 3 Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương) cho biết: "Lần trước khi dịch xảy ra tại Hải Dương em cũng xung phong vì muốn góp sức giúp quê hương chống dịch. Lần này dù Thuận Thành không phải quê em nhưng em vẫn xung phong tham gia cùng đoàn tình nguyện bởi tuổi trẻ chỉ có một lần..."

So với đợt dịch tại Hải Dương thì dịch ở Bắc Ninh lần này Biển cùng bạn bè của mình đã trưởng thành hơn rất nhiều từ những khó khăn, trở ngại. Biển tâm sự: "Lần này chúng em phải đi lấy mẫu tại nhà, số lượng mẫu lớn hơn rất nhiều. Địa bàn thì rộng, có nơi đi xa 10km, bệnh nhân không hợp tác lấy mẫu-nhất là các cụ già vì bị đau nên cũng gặp những khó khăn. Hơn nữa, lần này vào mùa hè nóng bức. Ở Hải Dương có nhiều thầy cô bạn bè nên mệt thì có thể thay nhau nghỉ ngơi nhưng khi ở Bắc Ninh do có nhiều mẫu, lấy mẫu thần tốc truy vết nhanh nên chia thành nhóm nhỏ, 10 người 1 nhóm, khi khó khăn tự giải quyết vì thầy cô không ở đây. Qua lần này chúng em đã tự xử lý được công việc. Đây là bước tiến nhỏ trong cuộc đời ngành y của em".

“Đoàn quân áo trắng” xung phong vào tâm dịch và những tháng ngày rực lửa
Ngô Thị Ngọc Biển, sinh viên Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đã 2 lần xung phong vào tâm dịch bởi em cho rằng: Tuổi trẻ chỉ có một lần

Còn với Nguyễn Thị Minh Huyền, sinh viên năm thứ 3, Đại học Y tế công cộng thì chuyến đi này đã cho em thêm kinh nghiệm sống, là hành trang để em vững bước trên con đường y nghiệp sau này.

Hàng ngày, buổi sáng Huyền cùng các bạn lên mạng học Zoom rồi ăn cơm, nghỉ ngơi. Đến chiều từ 18g30 trở đi em lại tham gia lấy mẫu cùng các bạn. Hôm nào ít mẫu thì đoàn về nghỉ ngơi lúc 22g, muộn thì đến nửa đêm. Việc lấy mẫu cũng có những khó khăn khi có nhiều người sợ đau không hợp tác khiến em phải gồng lên để lấy mẫu dứt khoát khiến buổi tối về tay bị tê, đau. Tuy nhiên, những mệt mỏi ấy nhanh chóng qua đi, cảm xúc đọng lại đối với Huyền là tự hào.

“Em thấy tự hào khi đóng góp một phần công sức cho đợt chống dịch lần này vì em đã tích lũy được kinh nghiệm sống, kinh nghiệm chuyên môn cũng như kinh nghiệm ứng xử với bệnh nhân. Đây là hành trang vô cùng quý báu cho công việc của em sau này”, Huyền chia sẻ.

“Đoàn quân áo trắng” xung phong vào tâm dịch và những tháng ngày rực lửa
Công việc lấy mẫu buổi tối cũng có lúc khiến Huyền mệt mỏi nhưng cảm xúc bao trùm trong em là sự tự hào vì đã góp một phần công sức chống dịch

Đối với những sinh viên của Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam đến chi viện cho Bắc Giang chống dịch thì mùa hè 2021 là “những ngày tháng có ý nghĩa nhất”. Trong vòng 14 ngày chi viện cho Bắc Giang, 37 thầy trò Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam đã lấy được gần 21.000 mẫu (cả đơn lẫn gộp), góp phần quan trọng giúp địa bàn huyện Việt Yên nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung sớm khống chế và kiểm soát tốt dịch bệnh.

Chị Huỳnh Thị Hồng Nhung, giảng viên bộ môn Ngoại Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam chia sẻ: Thầy trò chúng tôi đang sống những ngày tháng ý nghĩa nhất. Nơi đây, giữa mặt trận chống dịch sục sôi, ý chí can trường của đội ngũ y tế cả nước và của cả nhân dân Bắc Giang giúp chúng tôi có những ngày rực lửa nhất của cuộc đời… Cảm phục vì các sinh viên đã không bị khuất phục bởi cái nắng hè gay gắt, của nhiều điều “khó nói” khi khoác lên người bộ bảo hộ cấp 4, của những ngày làm việc triền miên nhiều giờ đồng hồ…

Nữ sinh Lưu Thị Hà bày tỏ xúc động khi nhận được sự quan tâm của gia đình, người thân. Đặc biệt là tình cảm của người dân địa phương dành cho đoàn quân tình nguyện: "Mỗi lần hoàn thành xong nhiệm vụ tại một địa phương nào đó, người dân lại hỗ trợ, động viên cho chúng em bao nhiêu đồ ăn, nước uống. Nếu phải kể đến những khó khăn thì em nghĩ đó chỉ là cảm giác thôi. Đây là lần đầu tiên em tham gia chống dịch, nhưng chắc chắn đây cũng sẽ là lần mà cả cuộc đời này em sẽ không bao giờ quên".

Vân Hà
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động