Thứ tư 24/04/2024 20:31

Nữ điều dưỡng tình nguyện tại TP HCM: Cố gắng bởi lời hứa "Hết dịch mẹ sẽ về"

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong những ngày gần đây, trên mạng xã hội chia sẻ clip gây xúc động: Một người đàn ông cùng 2 con trai tiễn vợ/mẹ lên đường hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch. Trong phút chia tay, cả nhà không giấu được những giọt nước mắt nhớ thương…

Người vợ, người mẹ trong clip ấy chính là điều dưỡng Hoàng Thị Diễm, khoa Tai-Mũi-Họng, 1 trong 79 cán bộ, nhân viên y tế của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tình nguyện lên đường chi viện cho TP Hồ Chí Minh chống dịch Covid-19 vào sáng 13-7.

Dù đã xác định xa chồng, con, gia đình để chi viện cho miền Nam chống dịch nhưng giây phút nhìn các con mếu máo khiến chị Diễm cũng bùi ngùi. Khi xe dần chuyển bánh, chị nhắn vội mấy câu: "Anh ở nhà giữ gìn sức khỏe, thay em chăm sóc hai con thật tốt. Em đi rồi sẽ sớm trở về. Hai con ở nhà ngoan, nghe lời bố và ông bà. Hết dịch mẹ sẽ về, gia đình ta sẽ đoàn tụ".

Mang lời hứa “hết dịch sẽ về”, chị Diễm đã cùng đồng nghiệp hòa mình vào “cuộc chiến” đầy cam go, thử thách nơi tuyến đầu phương Nam. Tại TP Hồ Chí Minh, chị Diễm đảm nhận công việc chính là tham gia điều trị, cứu chữa bệnh nhân mắc Covid-19 ở Bệnh viện Đa khoa Gò Vấp.

Chị cùng đoàn công tác làm việc theo các ca: sáng, chiều, tối. Thời gian mỗi ca trong vòng 7-9 tiếng đồng hồ. Ca sáng bắt đầu từ 7 đến 14g; ca chiều từ 14g đến 22g và ca đêm từ 22g đến 7g hôm sau để đảm bảo luôn có lực lượng y tế làm việc 24/24g.

Điều kiện làm việc trong môi trường có bệnh nhân Covid không giống với thường ngày. Trong suốt ca trực, chị cùng mọi người không ăn, không uống nước, không đi vệ sinh, áp dụng tối đa mọi biện pháp phòng dịch để đảm bảo an toàn.

Trong điều kiện thời tiết nóng bức của mùa hè, lại mặc thêm bộ bảo hộ kín mít nên sau mỗi ca làm việc, tay ai cũng nhăn nheo hết cả, trên người không còn chỗ nào khô ráo, khuôn mặt hằn lên vết tì của khẩu trang, của mũ và toàn thân rã rời. “Thậm chí nhiều lúc khát quá nhìn thấy chai nước sát khuẩn chỉ muốn uống một hơi cho đã cơn khát”, chị Diễm chia sẻ.

Nữ điều dưỡng tình nguyện tại TP HCM: Cố gắng bởi lời hứa
Công việc chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh có nhiều vất vả nhưng chị Diễm cùng đồng nghiệp luôn cố gắng. Ảnh: Minh Tâm

Những hôm làm ca đêm, mỗi khi quá mệt mỏi, họ lại tranh thủ chợp mắt. Lúc này ghế đá, lan can, sân nền sẽ là giường; bầu trời ngàn sao là tấm màn che… Thế nhưng, ở nơi chị làm việc các bệnh nhân đều là người nhiễm Covid không có người thân bên cạnh nên việc chăm sóc, động viên bệnh nhân đều phụ thuộc vào đội ngũ nhân viên y tế khiến chị và đồng nghiệp thấy cần phải cố gắng.

“Dù có khó khăn, vất vả nhưng chúng tôi vẫn luôn cố gắng, nỗ lực bởi những người bệnh đang nằm bất động trên giường cần mình. Và chúng tôi sẽ cố gắng hơn nữa để những ngày tháng tới không còn Covid và vì những người thân đang đợi ở quê nhà”, chị Diễm bày tỏ.

Là đồng nghiệp của chị Diễm, chị Trịnh Thị Ngần, Điều dưỡng trưởng khoa Tai-Mũi-Họng, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên bày tỏ sự tự hào về người đồng nghiệp trẻ: Ngay sau khi Khoa nhận được Quyết định của Bộ Y tế về việc điều động nhân lực y tế hỗ trợ phòng chống dịch tại TP Hồ Chí Minh, không chần chừ, điều dưỡng Diễm đã xung phong tình nguyện tham gia. Chúng tôi cũng cân nhắc rất nhiều vì đồng chí Diễm hai con còn nhỏ, chồng lại đi làm ca kíp, việc điều phối thời gian chăm sóc gia đình, con cái rất khó khăn. Nhưng trước thái độ kiên quyết và tinh thần hăng hái lên đường của đồng chí, khoa rất ghi nhận và đồng ý để đồng chí Diễm tham gia đoàn chi viện.

Trong những cuộc gọi về gia đình sau ca trực, chị Diễm lại cập nhật tình hình: “Hôm nay tại khoa đã có 40 bệnh nhân khỏi bệnh được ra viện. Mọi người ở đây vui lắm. Chỉ mong mỗi ngày số người khỏi bệnh tăng lên, số ca mắc mới giảm đi thì em sẽ mau được trở về với anh và con…”

Ở phía bên kia màn hình, chồng và 2 cậu con trai ríu rít hỏi han, động viên: “Anh và con ở nhà vẫn khỏe, anh vẫn cố gắng sắp xếp công việc, thay em chăm sóc con tốt nên em yên tâm công tác nhé. Cố gắng ăn uống, giữ gìn sức khỏe, vững tinh thần cùng các đồng nghiệp hoàn thành tốt nhiệm vụ, cứu chữa thêm nhiều bệnh nhân khỏi bệnh… Mẹ ơi, mẹ có khỏe không? Mẹ sắp về nhà chưa, con và em Tôm mong mẹ về lắm…”.

Nữ điều dưỡng tình nguyện tại TP HCM: Cố gắng bởi lời hứa
Chị Diễm không nén được xúc động khi thấy 2 con khóc trước giờ xe lăn bánh và chị càng cố gắng làm việc để thực hiện lời hứa "hết dịch mẹ sẽ về". Ảnh: Minh Tâm

Những lời hỏi han, chia sẻ qua cuộc gọi mỗi ngày đã rút ngắn lại khoảng cách địa lý xa vời vợi, khiến chị Diễm vơi đi nỗi nhớ gia đình. Đó cũng là động lực để chị thêm sức khỏe, tinh thần tiếp tục cố gắng làm tốt nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân Covid, để lời hứa “hết dịch mẹ sẽ về” với hai con, với gia đình sẽ đến gần hơn.

Ủng hộ quyết định tình nguyện chi viện cho TP Hồ Chí Minh của vợ, anh Phạm Văn Cường-chồng chị Diễm cho biết: "Tôi và hai con rất tự hào khi có người vợ, người mẹ là những chiến sỹ áo trắng tình nguyện tham gia chi viện cho TP Hồ Chí Minh chống dịch Covid-19 lần này. Chỉ mong vợ luôn mạnh khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cùng đội ngũ y, bác sỹ trong cả nước chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid tại TP Hồ Chí Minh, sớm trở về đoàn tụ với gia đình".

Trong thời gian qua, đã có hàng nghìn cán bộ, nhân viên y tế lên đường chi viện cho miền Nam chống dịch theo lời hiệu triệu của Bộ trưởng Bộ Y tế. Ở lần kêu gọi tiếp theo của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh, từ 18g ngày 24-7 đến 18g ngày 26-7 đã có hơn 2.000 lượt người đăng ký, trong đó tình nguyện viên ngụ tại TP Hồ Chí Minh gần 1.900 người; các tỉnh khác hơn 200 người. Đối tượng là bác sĩ gần 300 người; điều dưỡng gần 400; dược sĩ gần 200 người và các ngành nghề khác là 800 người.

Độ tuổi tham gia tình nguyện viện rất phong phú: Dưới 20 tuổi: 80 người; từ 20-50 tuổi: Hơn 1.800 người; trên 50 tuổi: Hơn 120 người.

Hiện nay, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đang lên kế hoạch phân 80 bác sĩ và 50 điều dưỡng đến Bệnh viện điều trị Covid-19 và một số bệnh viện Dã chiến, số còn lại sẽ đưa về các cơ sở điều trị và các địa phương có nhu cầu trong thành phố.


Bệnh viện E chi viện 45 bác sỹ, điều dưỡng cho TP Hồ Chí Minh

Nữ điều dưỡng tình nguyện tại TP HCM: Cố gắng bởi lời hứa "Hết dịch mẹ sẽ về"

Bệnh viện E lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho thành viên trong đoàn tình nguyện trước khi vào TP Hồ Chí Minh chống dịch. Ảnh: Thanh Xuân

Cùng với nhiều đoàn y tế lên đường hỗ trợ cho miền Nam, ngày 26-7, Bệnh viện E (Hà Nội) đã tổ chức lễ xuất quân đoàn công tác y tế tiếp sức TP Hồ Chí Minh phòng chống dịch Covid 19. Đoàn công tác gồm với 45 người, trong đó có 15 bác sĩ và 30 điều dưỡng của nhiều khoa trong bệnh viện như: Tim mạch, gây mê hồi sức, gây mê hồi sức tích cực ngoại tim mạch, phẫu thuật cột sống, hô hấp, cơ xương khớp, tiêu hóa, gan mật, thận tiết niệu và lọc máu, thần kinh, tai mũi họng, dị ứng, miễn dịch và lâm sàng…

Các bác sĩ, điều dưỡng tham gia đoàn công tác lần này đều với tinh thần tự nguyện. Để tham gia đoàn công tác, các bác sĩ đã được tập huấn các kiến thức về phòng chống dịch Covid-19, cách chăm sóc và điều trị bệnh nhân… Đồng thời được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 trước khi lên đường.

Tại buổi xuất quân, GS-TS. Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E xúc động chia sẻ: Thủ tướng Chính phủ đã từng kêu gọi với lời hiệu triệu “Chống dịch như chống giặc”. Bản thân những thế hệ như chúng tôi đã từng trải qua và chứng kiến cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước trước đây nên rất hiểu ý nghĩa của lời hiệu triệu đó. Cả nước cùng đồng lòng, trong đó có Bệnh viện E sẵn sàng chi viện cho tuyến đầu chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh. Đối với Ban Giám đốc Bệnh viện E coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thể hiện sự tin tưởng của Bộ Y tế và của cộng đồng xã hội.

Đáp lại lời hiệu triệu đó, TS-BS. Phan Thảo Nguyên, Trưởng khoa Nội tim mạch người lớn, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E (Trưởng đoàn công tác) cho biết: Khi Tổ quốc kêu gọi, chúng tôi là những người thầy thuốc sẵn sàng lên đường vào thẳng tâm dịch, bất chấp khó khăn, vất vả, cố gắng hoàn thành tốt công việc được giao. Bệnh viện E là bệnh viện đa khoa trung ương trực thuộc Bộ Y tế nên khi tham gia đoàn công tác đã thể hiện được thế mạnh với nhiều chuyên ngành mũi nhọn chắc chắn sẽ điều trị khỏi được nhiều bệnh nhân Covid 19…

Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động