Điều chưa kể về Pháp luật và Xã hội nhập cuộc, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênKhông gian làm việc mở
Không chỉ độc giả, mà ngay cả những người làm nghề báo từng đặt hỏi: “Tòa soạn hội tụ là gì?”.
Đó là việc xây dựng mô hình tòa soạn đa loại hình, đa phương tiện, lấy báo điện tử làm trung tâm. Tòa soạn hội tụ được hiểu là một mô hình tòa soạn hiện đại, trong đó có sự hợp nhất giữa các phòng ban chuyên môn trong tòa soạn, các phóng viên (PV), biên tập viên (BTV) cũng như lãnh đạo cùng làm việc trong một không gian mở, lấy trung tâm sản xuất và phân phối tin tức đa phương tiện làm hạt nhân - nơi có thể giúp lãnh đạo tòa soạn đưa ra chỉ thị nhanh nhất và thống nhất về nội dung đến từng nhân viên trong tòa soạn.
Ở tòa soạn hội tụ, từ "sếp" đến nhân viên đều làm việc trên một mặt phẳng và các PV "đầu quân" cho các loại hình truyền thông khác nhau như: Truyền hình, phát thanh, báo in, báo mạng điện tử cùng hợp nhất địa điểm làm việc trong một văn phòng lớn, thay vì mỗi loại hình bố trí một tòa nhà riêng biệt. Không gian làm việc đó đã tạo ra sự gần gũi và khuyến khích các PV có thể hợp tác với nhau trong công việc, thay vì thường xuyên tác nghiệp "đơn thương độc mã" như trước.
Vậy, vận dụng những lý thuyết trên như thế nào để phù hợp với mô hình và thực tế của Ấn phẩm Pháp luật và Xã hội (PL&XH - trước đây là Báo PL&XH) là điều Ban biên tập trăn trở. Tháng 7-2017, Ấn phẩm PL&XH quyết định áp dụng mô hình tòa soạn hội tụ, khi đó PL&XH gồm Báo in PL&XH và Báo điện tử phapluatxahoi.vn.
Phó Tổng biên tập Báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Xuân Khánh chỉ đạo công tác chuyên môn với Tổ TKTS, Ban PL&XH |
Tận dụng tối đa tài nguyên!
Việc đầu tiên là PL&XH tích hợp Phòng điện tử và Phòng Thư ký tòa soạn (TKTS) báo in thành Phòng TKTS, trong đó, lấy báo điện tử làm trung tâm và bổ nhiệm 1 thư ký tòa soạn điều hành chung cả hai hệ thống báo in, báo điện tử.
Với hoạt động ban đầu, tòa soạn hội tụ PL&XH, PV, BTV cùng hợp tác làm tin, bài thay vì hoạt động độc lập như trước. Cụ thể, khi xảy ra sự kiện có tính thời sự, dưới sự điều phối của TKTS, nhóm PV thu thập tin tức, đồng thời chia sẻ những thông tin đã thu thập được và thống nhất chọn cách tốt nhất để đưa tin trên báo in, báo điện tử. Trong kỷ nguyên 4.0, việc áp dụng mô hình này tránh được hiện tượng chồng chéo nội dung và lãng phí nguồn tài nguyên hiện có.
Bước ngoặt trong tác nghiệp của PL&XH khi ngày 18-1-2021, Báo được bàn giao về Báo KT&ĐT, trở thành Ban PL&XH. Lúc này, yêu cầu thu gọn đầu mối và cải tiến quy trình làm việc được thúc đẩy. Dưới sự chỉ đạo của BBT, Ban PL&XH tiến hành hội tụ triệt để. Các PV chỉ sản xuất tin bài trên chuyên trang điện tử. BTV Ấn phẩm được giao trách nhiệm tổ hợp tin, bài, ảnh từ chuyên trang điện tử về ấn phẩm in. BTV phải quán xuyến, tổ chức trang và dựng bố cục theo trang, chuyên mục và có trách nhiệm sửa lỗi theo phân công của TKTS.
Tuy nhiên, không phải ấn phẩm là món ăn cũ với thông tin từ chuyên trang điện tử, mà ấn phẩm vẫn có “hương vị” riêng có dành cho bạn đọc. Đó là việc, TKTS trong mỗi số báo sẽ xây dựng kế hoạch riêng, trong đó có những bài độc quyền, những bài chuyên đề, phỏng vấn chuyên gia theo đặt hàng của TKTS. Những loạt bài dài kỳ về những vấn đề được dư luận quan tâm, soi chiếu dưới góc độ pháp luật, làm sáng tỏ bởi ý kiến các chuyên gia sẽ là đặc sản ở từng số ấn phẩm.
Áp dụng mô hình này, tòa soạn được lợi gì? Chắc chắn là lợi nhiều. Vì hội tụ triệt để, lấy điện tử làm trung tâm, các PV 100% tác nghiệp trên chuyên trang điện tử sẽ có nhiều “đất”, không gian để thể hiện với các loại hình đa phương tiện được tích hợp (ảnh, text, video…).
PV tập trung triển khai tin, bài trên điện tử sẽ giúp hiện thực hóa việc “mô hình tòa soạn hội tụ, lấy điện tử làm trung tâm”, xóa bỏ tâm lý chỉ coi trọng tác nghiệp trên ấn phẩm bấy lâu. Lợi nữa, BTV được nâng cao vai trò, có cơ hội thể hiện được khả năng trong việc xử lý, tổ hợp tin, bài, bố cục trang ấn phẩm in.
BTV không chỉ đơn thuần là người đọc, rà soát chính tả, biên tập tin bài, mà hơn cả, họ cần xây dựng kế hoạch cho từng trang báo mình phụ trách và có trách nhiệm bố cục trang, chịu trách nhiệm từ khâu đầu đến khâu cuối cùng với trang ấn phẩm. Với việc áp dụng tòa soạn hội tụ triệt để, năng lực của BTV, PV được nâng cao, hướng đến sự chuyên nghiệp. Đặc biệt, tiết kiệm được chi phí và tăng năng suất lao động ở mỗi vị trí.
Chỉ qua 3 tháng áp dụng tòa soạn hội tụ triệt để (với 36 số ấn phẩm in), Ấn phẩm PL&XH vận hành trơn tru, hiệu quả, chất lượng được nâng cao. Cùng với đó, ê kíp họa sĩ cũng đổi mới cách trình bày, đưa đến cho độc giả luồng thông tin mát lành của PL&XH.
Nhưng cũng không thể không nhắc đến thử thách. Đó là việc, TKTS phải có kế hoạch làm việc khoa học, cụ thể và sự phân công chặt chẽ. Làm việc trong môi trường tòa soạn hội tụ, mỗi thành viên cần nâng cao tính kỷ luật, đoàn kết và tương tác thường xuyên. TKTS cũng là điểm tựa để liên kết với các bộ phận chuyên môn, với PV để điều tiết công việc thống nhất, nhịp nhàng. Trong tòa soạn hội tụ, dù chỉ 1 vị trí chậm chạp cũng sẽ ảnh hưởng đến quá trình chung. Vì những đòi hỏi cao nên tất cả các vị trí đều phải nỗ lực, tập trung mới phát huy được hiệu quả.
Vậy đó, Ban PL&XH đã áp dụng mô hình tòa soạn hội tụ phù hợp với đặc trưng riêng. Đến thời điểm này, sau 4 năm vận hành, trải qua nhiều giai đoạn, công việc của Ban đã dần đi vào quỹ đạo, ổn định. Nhận được sự chỉ đạo sát sao của Ban biên tập, hoạt động của Ban chắc chắn sẽ phát triển, góp phần vào sự lớn mạnh chung của Báo Kinh tế & Đô thị.
Tháng 4-2020, khi Hà Nội thực hiện giãn cách để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, việc di chuyển của cá nhân hạn chế. Trong lúc tình hình dịch bệnh phức tạp, ngay khi xin ý kiến và được BBT chấp thuận, Phòng TKTS (nay là Tổ thư ký tòa soạn Ban PL&XH) đã áp dụng mô hình làm việc tòa soạn “ảo”. Theo đó, các BTV, thư ký trực, họa sĩ làm việc tại nhà và kết nối với nhau qua không gian mạng. Hơn 1 tháng áp dụng mô hình mới, công việc của bộ phận TKTS được đảm bảo, thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội. PL&XH là một trong số rất ít các cơ quan báo in áp dụng được mô hình làm việc này trong bối cảnh dịch bệnh. Sáng kiến đó được BBT ghi nhận và đã khen thưởng bộ phận liên quan. Trong tình huống khó khăn, áp dụng được những sáng kiến công việc nhanh, khoa học là một trong những ưu điểm của Tổ TKTS. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại