Diễn viên, MC Tuấn Tú: Hướng tới hình ảnh là một ông bố tốt
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênDiễn viên Tuấn Tú |
Sức hút với vai người đàn ông nội trợ
Chào anh Tuấn Tú! Anh có thể chia sẻ về cơ duyên đảm nhận vai diễn Duy Anh trong phim “Anh có phải đàn ông không?” (đạo diễn Trịnh Lê Phong). Điều gì ở kịch bản thuyết phục anh nhận vai diễn?
Sau khi Tuấn Tú kết thúc phim “11 tháng 5 ngày” thì nhận được lời mời của đạo diễn Trịnh Lê Phong. Trước đó, hai anh em có dịp gặp gỡ trong dự án phim “Những ngày không quên”, anh Trịnh Lê Phong biết tôi quay trở lại đóng phim và thấy nhân vật Duy Anh phù hợp nên gọi điện mời. Phim khai thác về đời sống hôn nhân gia đình, mảng đề tài luôn tạo sức hút với khán giả. Lúc đầu đọc kịch bản, tôi rất thích vai diễn Duy Anh – một người đàn ông biết hi sinh, chăm lo con cái, là hậu phương vững chắc cho vợ làm kinh tế.
Nếu trong phim, Duy Anh gác lại giấc mơ của một Thủ khoa Đại học để trở thành người đàn ông 18 năm nội trợ, còn Tuấn Tú ngoài đời thì sao?
Ngoài đời, Tuấn Tú là trụ cột kinh tế. Điểm giống trên phim là tôi cũng có sở thích nấu nướng, là người đàn ông nhẹ nhàng và sợ con cái. Nếu trong phim, Duy Anh gác lại giấc mơ của một Thủ khoa Đại học thì ngoài đời, Tuấn Tú cũng từng gác lại niềm đam mê nghệ thuật để làm công tác đoàn thanh niên. Sau hơn 10 năm vắng bóng truyền hình, chính “lửa nghề” đã giúp Tuấn Tú quay trở lại với vai trò diễn viên, người dẫn chương trình. Dù hành trình đó khiến tôi đối mặt với áp lực từ phía gia đình nội, ngoại hai bên và áp lực từ chính bản thân. Tôi thấu hiểu hoàn cảnh của Duy Anh khi vượt qua mặc cảm hướng tới trở thành một ông bố tốt.
Gây ấn tượng kể từ sau vai Quốc “Về nhà đi con”, với vai diễn Duy Anh lần này Tuấn Tú kỳ vọng gì về danh xưng “ông bố quốc dân” sẽ được khán giả gọi tên trên màn ảnh?
Duy Anh là vai diễn “lột xác” về hình ảnh của Tuấn Tú từ trước tới nay. Đúng là ông bố khiêm nhường, giản dị, không chải chuốt, hi sinh vì cuộc sống gia đình. Hình tượng của Duy Anh chính là một “mảnh ghép” trong đời sống những người đàn ông. Bộ phim phát sóng vào dịp cận Tết như một món ăn tinh thần giải trí cho mọi người, gắn kết tình cảm gia đình. Bộ phim còn là góc nhìn về đời sống gia đình, đặc biệt là người phụ nữ sẽ nhìn vào đàn ông để thấy 1 nửa của mình họ không hề đơn giản như những gì họ thể hiện ra bên ngoài, sẽ có những lúc yếu đuối, tâm trạng, tâm tư khác nhau.
Tạo hình của Tuấn Tú trong vai diễn người đàn ông thâm niêm 18 năm làm nội trợ. Ảnh Đoàn làm phim |
Giữ “lửa nghề” trong nghiệp diễn
Phim “Anh có phải đàn ông không?” khai thác góc nhìn khá mới mẻ về những người đàn ông và một điểm hấp dẫn khác được kể tới là tạo hình “bộ ba soái ca” màn ảnh?
Trước nay phim truyền hình Việt thường đề cao nữ quyền, lấy nhân vật nữ làm trung tâm và xu hướng tạo cặp đôi trai thanh nữ tú thì phim “Anh có phải đàn ông không?” khai thác góc nhìn mới mẻ về những người đàn ông. Trong phim, đóng cặp với Tuấn Tú là bộ đôi Nhan Phúc Vinh (vai Tuấn Khang) và Hà Việt Dũng (vai Nhật Minh). Đạo diễn Trịnh Lê Phong có nói rằng, đây là bộ ba diễn viên cao 6m khi mỗi người đều sở hữu chiều cao nổi bật. Với sự kết hợp này, đạo diễn Trịnh Lê Phong mong muốn xây dựng hình ảnh của người đàn ông quy chuẩn để mọi người thấy rằng, vẻ bề ngoài đôi khi sẽ có những đối lập.
Và cách kể chuyện phim còn nhiều tình huống bi hài, lời thoại dí dỏm, vai trò diễn viên có đóng góp cho những tình huống đó?
Khi ra hiện trường làm phim, ngoài đạo diễn, biên kịch, quay phim, bản thân những người diễn viên cũng rất hiểu nhân vật, sáng tạo riêng cho nhân vật của mình. Khán giả xem phim sẽ cảm thấy vai diễn với lời thoại đời, thực tế. Đảm nhận vai ông bố nội trợ, Tuấn Tú cũng bàn bạc với quay phim DOP Trần Kim Vũ, các cảnh quay về Duy Anh chỉ cần quay đúng, đẹp theo hình ảnh nhân vật, không đẹp theo kiểu mộng mị, video clip. Bởi, Tú không quan tâm đến ngoại hình trong phim, chú ý diễn tâm lý sao cho đúng chất một ông bố ngoài đời trên phim.
Đóng phim giữa mùa dịch, thời điểm dịch bệnh khá căng thẳng tại Hà Nội, các diễn viên vượt qua áp lực ra sao khi đến trường quay?
Hiện có nhiều đoàn phim đã phải dừng quay vì dịch. Gia đình Tuấn Tú còn có con nhỏ nên việc đi lại khó khăn. Để nói đã vượt qua áp lực lo lắng thì chưa vì phim vẫn đang quay đảm bảo phim phát sóng đúng tiến độ. Đoàn làm phim 70-80 con người, mọi người thực hiện quy định hàng tuần phải test Covid-19, tiêm chủng đầy đủ, giữ đúng quy định 5K của Bộ Y tế, chỉ khi quay mới dám tháo khẩu trang ra. Một điều may mắn là trước thời điểm Hà Nội bùng phát dịch trở lại, đoàn làm phim đã quay hầu hết những bối cảnh bên ngoài, khu vực đông dân, bây giờ chỉ quay những bối cảnh chính.
Từ một công chức nhà nước với mức lương ổn định, quyết định trở lại showbiz sau nhiều năm vắng bóng và nhận sự đón nhận của khán giả, Tuấn Tú cảm thấy may mắn?
Tuấn Tú may mắn sau nhiều năm vắng bóng nghệ thuật quay trở lại dự án phim truyền hình “Về nhà đi con” tạo dấu ấn đặc biệt với khán giả. Hai năm qua, Tuấn Tú tham gia liên tiếp các dự án “Những ngày không quên”, “Lựa chọn số phận”, “11 tháng 5 ngày”, “Anh có phải đàn ông không?". Cùng với đó đảm nhận vai trò dẫn chương trình. Ngoài sự nỗ lực cống hiến thì người diễn viên có sự may mắn, thuận lợi riêng. Thế nhưng, để đánh đổi sự may mắn Tuấn Tú là người dám đánh đổi. Từ một công chức nhà nước với mức lương ổn định, Tuấn Tú trở lại với đam mê nghệ thuật. Mặc dù con đường đi chông chênh hơn nhưng với sự phấn đấu, nỗ lực bước đầu để lại dấu ấn với khán giả về hình ảnh là diễn viên, dẫn chương trình. Điều đó là động lực lớn để tôi có thể tiếp tục làm công việc này.
Cảm ơn diễn viên Tuấn Tú về những chia sẻ. Chúc anh gặt hái nhiều thành công!
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại