Thứ hai 25/11/2024 16:09
Thanh Hóa:

Đền Đồng Cổ- Ngôi đền cổ kính vượt dòng thời gian

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Cách TP. Thanh Hóa 40 km về phía Tây Bắc, đền Đồng Cổ Đan Nê (xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) chính là ngôi đền mang trong mình sứ mệnh đặc biệt, chứng kiến bao thăng trầm lịch sử, gắn với những giai thoại, truyền thuyết dân gian.
Cổng đá vào đền Đồng Cổ
Cổng vào đền Đồng Cổ được làm bằng đá

Nơi ngàn năm in dấu

Hiếm có một di tích nào ở xứ Thanh có lịch sử lâu đời gắn liền với những huyền thoại và nhiều giai đoạn lịch sử của đất nước như Đền Ðồng Cổ. Tương truyền, đền Đồng Cổ được xây dựng từ năm 2569 trước Công Nguyên. Đền linh thiêng, gắn liền với những câu chuyện về thần Đồng Cổ, vị thần có công lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Từ thời Hùng Vương, trải qua lịch sử các triều đại Tiền Lê, Lý, Trần – Hồ, Hậu Lê vẫn ghi lại những công trạng phò vua giúp nước, dẹp giặc ngoại xâm của thần Đồng Cổ thông qua các lần linh ứng hiển linh báo mộng

Sang đến thời Lý, sách Việt Điện u linh có chép: Năm 1020, Thái tử Lý Phật Mã theo lệnh vua cha Lý Thái Tổ đi đánh Chiêm Thành. Khi đến bến Trường Châu nằm bên bờ sông Mã, một đêm thái tử nằm mộng thấy thần Đồng Cổ đến xin theo giúp để đánh giặc. Sau khi thắng trận trở về, Lý Phật Mã qua Trường Châu làm lễ tạ ơn. Sau này, vua Lý Thái Tổ mất, xảy ra loạn Tam vương, thần Đồng Cổ đến báo mộng cho Lý Phật Mã biết trước một ngày, nhờ đó mà dẹp được. Thái tử lên ngôi vua, thụy hiệu là Lý Thái Tông, vua Lý Thái Tông cho rước thần Ðồng Cổ từ làng Ðan Nê về lập đền thờ trên đất Thăng Long. Đền Đồng Cổ là nơi được các triều vua lựa chọn để tiến hành nhiều nghi lễ quan trọng của quốc gia. Bởi vậy, cho tới ngày nay, tại đền vẫn lưu giữ lại được những bản sắc phong, thần tích có giá trị.

Tiền đường nhìn từ hồ Bán Nguyệt
Tiền đường nhìn từ hồ Bán Nguyệt

Trải qua thời gian và sự tàn phá của chiến tranh, đền Đồng Cổ Đan Nê đã bị phá hủy và mai một. Năm 2001, đền được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Sau dự án đầu tư xây dựng công trình bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa núi và đền Đồng Cổ (2007), năm 2010 với ý nghĩa lịch sử và giá trị tâm linh sâu sắc Di tích đền Đồng Cổ được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội gắn biển công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Kiến trúc cổ kính vượt dòng thời gian

Đền Đồng Cổ có kiến trúc cổ kính, độc đáo: Nhà tiền đường kết cấu 5 gian, kiến trúc hai tầng mái. Qua tiền đường là chính tẩm, rộng ba gian, có kết cấu giáp mái với tiền đường. Sau cùng là hậu cung, lưng dựa vào vách núi, được bố cục gọn gàng với lối kiến trúc cổ kính. Điều đặc biệt là trống đồng - linh vật mang tính biểu tượng của ngôi đền - đều được đặt ở vị trí trang trọng ở tiền đường, trung đường và hậu cung.

Chính tẩm có kết cấu giáp mai với tiền đường
Chính tẩm có kết cấu giáp mai với tiền đường

Trước mặt đền là hồ Bán Nguyệt với màu nước xanh ngọc bích. Ông Trịnh Trọng Tấn- chủ từ đền cho biết:" Hồ Bán Nguyệt chính là tấm gương trời, quanh năm đầy nước không bao giờ vơi”. Ngoài ra đền còn được ba ngọn núi bao quanh, sau lưng núi là sông Mã với bến Trường Châu..cả không gian, cảnh sắc ấy như gợi mở về truyện xưa tích cũ, những câu chuyện về núi và thần Đồng Cổ cũng theo dòng thời gian, lịch sử mà hiện ra đầy huyền bí, linh thiêng.

Các chi tiết được làm rất tinh xảo
Các chi tiết được làm rất tinh xảo

Theo ông Tấn: “Ngoài đền chính ở Đan Nê, trong cả nước còn có 3 ngôi đền mang tên Đồng Cổ, cùng thờ thần núi Khả Lao Thôn và thần Trống Đồng, đó là: Đền Đồng Cổ ở xã Hoằng Minh, huyện Hoằng Hóa; đền Đồng Cổ ở phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội và đền Đồng Cổ tại Nguyên Xá, Từ Liêm, Hà Nội”

Nơi lưu giữ nét đẹp tâm linh và nguồn cội

Ngày nay, lễ hội đền Đồng Cổ tại Đan Nê vẫn duy trì được những một phong tục truyền thống. Trước khi lễ hội diễn ra, ngày 12 tháng 3 âm lịch, người dân tổ chức lễ đốt áo thủy bào cho thần. Ngày 15 tháng 3 âm lịch là chính lễ rước thần.

Lễ hội đền Đồng Cổ được tổ chức vào ngày 14.15/3 âm lịch với nhiều nghi lễ và trò chơi dân gian
Lễ hội đền Đồng Cổ được tổ chức vào ngày 14 -15/3 âm lịch với nhiều nghi lễ và trò chơi dân gian thu hút đông đảo người dân và khách du lịch

Trong buổi lễ, tất cả mọi người đều được hòa mình vào các trò chơi dân gian như kéo co, đua thuyền rồng, chọi gà, đánh cờ tướng,…Lễ hội Đền Đồng Cổ là dịp giúp du khách thập phương hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công ơn thần trống đồng, biểu tượng của dân tộc Việt Nam.

Trải qua hơn 4.500 năm tồn tại, đền Đồng Cổ và lễ hội đền Đồng Cổ vẫn vẫn luôn được gìn giữ, bảo tồn, trở thành minh chứng cho sự tồn tại của nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc trên đất nước ta; là biểu tượng của tinh thần đoàn kết quật cường trong đấu tranh dựng nước và giữ nước. Tiếng trống đồng Đồng Cổ đã vang vọng trong suốt hàng ngàn năm lịch sử, ngày hôm nay, vẫn tiếp tục âm vang, đồng vọng trong tâm khảm người dân, thúc đẩy thế hệ cháu con tiếp bước tiền nhân trong hành trình xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Cận cảnh di tích quốc gia đặc biệt Đình Chèm trước và trong khi tu bổ
Điều chỉnh dự án hơn 756 tỷ nhằm tôn tạo khu di tích Phủ Trịnh
Khai hội “mở cổng trời” trên đỉnh Ngàn Nưa
Thủ tướng yêu cầu có kế hoạch kiểm tra tổng thể vấn đề quản lý tiền công đức
Thanh Hóa chỉ đạo siết chặt công tác quản lý di tích lịch sử - văn hóa
Thảo Lê- Đức Thái
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động