Thứ bảy 27/04/2024 14:12
Luật Thủ đô (sửa đổi):

Đề xuất áp dụng cơ chế miễn trách nhiệm khi thử nghiệm công nghệ mới

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định, tổ chức, doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới được miễn trách nhiệm pháp lý khi đã thực hiện đầy đủ nội dung quy định trong quy chế thử nghiệm có kiểm soát.
Đề xuất áp dụng cơ chế miễn trách nhiệm khi thử nghiệm công nghệ mới
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: Phạm Thắng

Cho phép miễn trừ áp dụng trách nhiệm một số quy định trong Luật...

Sáng 26/3, tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ năm, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, hội nghị đã nghe báo cáo một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 Chương và 54 Điều; giảm 5 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ sáu. Trong đó đã tiếp thu, chỉnh lý trong toàn bộ 54 Điều, bỏ 7 điều, bổ sung mới 2 điều (bổ sung Điều 14 về phân cấp, ủy quyền; Điều 36 về đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách Nhà nước).

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật Thủ đô đã được chỉnh lý theo hướng xác định nội dung, lĩnh vực được phép thực hiện thử nghiệm có kiểm soát. Dự thảo xác định khung pháp lý cần thiết để Thành phố Hà Nội có thể cho phép thực hiện thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới có phạm vi triển khai áp dụng trên địa bàn Thành phố, phù hợp với năng lực kiểm soát của chính quyền Thành phố. Trong đó, cho phép miễn trừ áp dụng trách nhiệm một số quy định trong Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết, Nghị định… phù hợp với phạm vi, yêu cầu, mục đích thử nghiệm.

Thường trực cơ quan thẩm tra cho rằng, quy định như vậy là phù hợp với yêu cầu tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo cơ sở để Thành phố Hà Nội có thể thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai trên thực tế các giải pháp công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới.

Quy định này khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo, đưa Thủ đô Hà Nội thực sự trở thành một trong các trung tâm đi đầu về đổi mới sáng tạo của cả nước và khu vực. Do cơ chế thử nghiệm có kiểm soát là mô hình mới, chưa có thực tiễn kiểm nghiệm, vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến các bộ, ngành để hoàn thiện quy định này.

Đề xuất áp dụng cơ chế miễn trách nhiệm khi thử nghiệm công nghệ mới
Toàn cảnh Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 5. Ảnh: Phạm Thắng

Thời hạn thực hiện thử nghiệm có kiểm soát tối đa là 3 năm

Đáng chú ý, dự thảo luật quy định, tổ chức, doanh nghiệp thử nghiệm được miễn trách nhiệm pháp lý khi đã thực hiện đầy đủ nội dung quy định trong quy chế thử nghiệm có kiểm soát và hướng dẫn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Do cơ chế thử nghiệm có kiểm soát là mô hình mới, chưa có thực tiễn kiểm nghiệm nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến các bộ, ngành để hoàn thiện.

Có ý kiến về đề xuất này, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội cho rằng, cần thực hiện theo hướng thận trọng, bảo đảm kiểm soát tốt bởi trong dự thảo, cơ chế thử nghiệm được áp dụng ở tất cả các lĩnh vực.

Luật không nên giao UBND TP Hà Nội quyết định, mà nên giới hạn cụ thể một số lĩnh vực được phép thử nghiệm có kiểm soát.

Dẫn kinh nghiệm quốc tế, ông cho rằng các lĩnh vực được áp dụng cơ chế thử nghiệm sẽ do thị trường quyết định, nhưng thường là tài chính, ngân hàng; giáo dục; y tế. Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cũng cho rằng, dự luật hiện chủ yếu tập trung quy định đầu vào của cơ chế thử nghiệm, mà chưa có quy định về đầu ra, hậu quả cơ chế thử nghiệm ra sao? Do đó, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung các quy định này trong luật.

Đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh, cho rằng phạm vi thử nghiệm quy định như dự thảo luật còn tương đối rộng.

Theo đại biểu, có thể xây dựng danh mục thử nghiệm trong các lĩnh vực gắn trực tiếp với phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và xu hướng chung, như lĩnh vực tài chính, chuyển đổi số, AI…

Cũng theo đại biểu Trịnh Xuân An, thử nghiệm thường gắn với rủi ro, như thế cần loại trừ một số trách nhiệm nên cần rà soát quy định loại trừ một số trách nhiệm liên quan vấn đề này.

"Phần cơ chế kiểm soát đang quy định quá chặt và có lẽ sẽ khiến ít doanh nghiệp, cá nhân nào dám thử nghiệm", đại biểu Trịnh Xuân An nhận định.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Trần Văn Khải cũng băn khoăn khi quy định về thử nghiệm có kiểm soát không rõ giới hạn.

Ông Trần Văn Khải cho rằng, quy định còn mập mờ, dễ xung đột pháp luật trong những trường hợp cụ thể.

Với quyền của HĐND TP Hà Nội, theo ông Trần Văn Khải, cần quy định điều kiện cụ thể, lĩnh vực cụ thể được thực hiện. Việc này để tránh áp dụng tùy tiện, hay tạo ra cách hiểu, cách áp dụng pháp luật thiếu thống nhất mà nhiều lĩnh vực chỉ do Quốc hội quyết định bằng một đạo luật.

Theo ông, cần sửa quy định theo hướng quy định cơ chế, phạm vi, điều kiện, giới hạn theo từng lĩnh vực phù hợp với điều kiện đặc thù; không nên quy định chung để có thể áp dụng tràn lan dễ sơ hở.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông báo kết luận Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông báo kết luận
Sửa đổi Luật Thủ đô nhằm thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, mục tiêu... của Đảng Sửa đổi Luật Thủ đô nhằm thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, mục tiêu... của Đảng
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động