Để phố đi bộ trở thành điểm nhấn riêng của Thủ đô Hà Nội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênSẽ có thêm không gian đi bộ khu vực hồ Thiền Quang |
Mới đây không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm đã được Sở Văn hoá-Thể thao chọn làm nơi triển lãm những tác phẩm nghệ thuật trong khuôn khổ Lễ hội thiết kế sáng tạo. Đây được cho là một sự kiện có ý nghĩa, nằm trong khuôn khổ hoạt động mạng lưới các TP sáng tạo trên thế giới do UNESCO chủ trì.
Theo ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Văn hoá-Thể thao TP Hà Nội cho biết, hoạt động này sẽ giúp người dân tiếp cận được với những sáng tạo nghệ thuật của các kiến trúc sư, nghệ sĩ. Đồng thời tạo sự hấp dẫn cho không gian phố đi bộ: Hà Nội có rất nhiều công viên, nhưng những tác phẩm nghệ thuật hội họa, điêu khắc, hay các điểm check-in quá ít, quá thiếu thốn về không gian công cộng cho người dân Thủ đô…
Nhìn nhận về hướng phát triển các không gian phố đi bộ tại Hà Nội, nhiều chuyên gia đô thị nhận định, để khai thác hết tiềm năng của phố đi bộ, trước hết cần chú trọng thiết kế đô thị, tạo được cảnh quan để người ta thưởng ngoạn. Cùng với đó là phải nâng tầm văn hóa và yếu tố công nghệ truyền thông như các điểm kết nối truyền thông hay như các không gian công cộng để người ta tổ chức nơi giao tiếp. Điển hình như tuyến phố đi bộ Hồ Gươm đã có 2 dự án chỉnh trang và đã được quản lý tốt.
“Việc tổ chức không gian đi bộ sẽ khuyến khích và tạo ra văn hóa đi bộ, thúc đẩy sử dụng giao thông công cộng và phương tiện phi cơ giới. Như thế sẽ làm giảm thiểu nhu cầu sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, giảm ùn tắc giao thông, giảm tiêu hao năng lượng và giảm ô nhiễm môi trường”, chị Đàm Thu Phương (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết.
Theo đánh giá của các nhà quản lý, du khách quốc tế khi đến Hà Nội thường có nhu cầu khám phá các hoạt động dịch vụ, giải trí diễn ra vào ban đêm, cho nên việc mở rộng phố đi bộ cũng là một trong những giải pháp giúp du khách có thêm cơ hội trải nghiệm thú vị.
Để tiếp tục nhân rộng không gian tuyến phố đi bộ, mới đây UBND TP Hà Nội đã đồng ý về mặt chủ trương việc thành lập đề án tổ chức không gian phố đi bộ - văn hóa khu vực phố Trần Nhân Tông và vùng phụ cận, vườn hoa, đường dạo quanh hồ Thiền Quang.
Theo đó, việc tổ chức không gian đi bộ khu vực hồ Thiền Quang (theo hướng kết nối toàn bộ các khu vực vui chơi giải trí xung quanh hồ gắn với Công viên Thống Nhất tạo thành một chỉnh thể để bổ trợ chức năng, cộng hưởng giá trị, tạo sự gắn kết giữa 2 không gian) sẽ đáp ứng được nhu cầu của người dân và du khách đến tham quan, thưởng ngoạn, du lịch văn hóa và mua sắm, ẩm thực,… phát huy tiềm năng giá trị văn hóa lịch sử của khu vực, kích cầu phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế quận Hai Bà Trưng và Thủ đô Hà Nội trong đó phát triển mô hình kinh tế về đêm. Nâng cao giá trị tôn giáo tín ngưỡng của cụm di tích chùa Quang Hoa, chùa Thiền Quang, chùa Pháp Hoa sau khi được cải tạo, đồng thời cũng làm tăng giá trị cảnh quan của hồ Thiền Quang.
Việc mở rộng không gian phố đi bộ, hay triển khai các tuyến phố đi bộ mới nằm rải rác trên địa bàn TP là điều cần thiết và nên làm. Trước hết là để giúp người dân có nhiều chỗ vui chơi giải trí, không phải quá tập trung vào tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, chật chội, đông đúc; đồng thời giúp những người ở xa có thể tiếp cận những phố đi bộ gần nơi mình ở.
Phố đi bộ, không nên hiểu chỉ là không gian để mọi người… đi bộ, mà hơn hết, nó là nơi giao lưu, vui chơi, giải trí, thậm chí là tham quan, học tập… Như tâm sự của chị Phạm Thị Quyên ở quận Đống Đa, Hà Nội: “Phố đi bộ là một điều tuyệt vời, đặc biệt là xung quanh Hồ Gươm. Ngày trước tôi hay lên đây chơi cuối tuần, có những hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian rất thích. Đặc biệt, những sản phẩm về văn hóa truyền thống của người Việt Nam mình được giới thiệu rất đa dạng và phong phú.
Ủng hộ chủ trương mở rộng không gian đi bộ, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn (Giám tuyển không gian nghệ thuật phố bích họa Phùng Hưng) cho rằng, xu hướng phát triển không gian phố đi bộ của Hà Nội phù hợp với thế giới. “Hà Nội có lõi đô thị nghìn năm rất khác biệt với nhiều đô thị khác trên thế giới, có hệ thống di tích với nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc”, họa sĩ Thế Sơn nói.
Hà Nội hiện có 4 không gian đi bộ đang hoạt động bao gồm các tuyến phố quanh: hồ Gươm, khu phố cổ Hà Nội, phố Trịnh Công Sơn và Thành cổ Sơn Tây. Trong số này, chỉ có tuyến phố đi bộ quanh khu vực hồ Gươm và phố cổ Hà Nội thu hút người dân, du khách với khoảng 40.000 lượt khách trong hai ngày cuối tuần; phố đi bộ Trịnh Công Sơn vẫn vắng khách sau 4 năm hoạt động. Còn lại, không gian đi bộ Thành cổ Sơn Tây chủ yếu đáp ứng nhu cầu vui chơi của người dân vùng lân cận ở Phú Thọ và Vĩnh Phúc. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại