Đề nghị mức án với 22 bị cáo trong vụ sai phạm tại dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐại diện VKSND tại phiên tòa. Ảnh: Hồng Nguyên |
Cuối chiều cùng ngày, sau 4 ngày xét xử, đại diện VKSND đã công bố bản luận tội và đề nghị mức án đối với 22 bị cáo.
Theo đó, VKSND đề nghị cựu Tổng Giám đốc Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) Trần Văn Tám mức án cao nhất. Cụ thể, bị cáo Tám bị đề nghị 3-4 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”; 2 năm 6 tháng đến 3 năm tù về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng"; tổng mức án bị đề nghị là 5 năm 6 tháng đến 7 năm tù.
Bị cáo Mai Tuấn Anh, cựu Chủ tịch Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), bị đề nghị 36 tháng tù cho hưởng án treo về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Các bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng, Lê Quang Hào, cùng cựu Phó Tổng Giám đốc VEC; Hoàng Việt Hưng và Nguyễn Tiến Thành, cùng là cựu Giám đốc Ban quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi bị đề nghị mức án từ 2 năm đến 4 năm 6 tháng về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng".
16 bị cáo còn lại, VKSND đề nghị mức án từ 2 năm tù cho hưởng án treo đến 7 năm 6 tháng về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng".
Toàn cảnh phiên tòa xét xử sai phạm tại dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ảnh: Hồng Nguyên |
Theo đại diện VKSND, hành vi của các bị cáo gây bất bình, hoang mang và bị xã hội lên án. Một số bị cáo phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Song, đại diện VKSND cho rằng, các bị cáo khai báo thành khẩn, được tặng bằng khen, có thành tích xuất sắc trong công tác; một số người nộp tiền khắc phục hậu quả.
VKSND đề xuất không yêu cầu nhà thầu bồi thường thiệt hại 460 tỉ đồng của vụ án mà chính các bị cáo phải liên đới chịu trách nhiệm. Dù chủ đầu tư VEC và các nhà thầu đều nêu quan điểm "không buộc các bị cáo bồi thường", song VKSND TP Hà Nội không đồng tình. Cụ thể, VKSND đề nghị HĐXX buộc các bị cáo liên đới bồi thường thiệt hại tại 5 gói thầu, tổng trị giá 460 tỉ đồng.
Về quan hệ dân sự kinh tế khác, các bị cáo có quyền yêu cầu cá nhân, pháp nhân có liên quan trong việc gây thiệt hại phải bồi hoàn số tiền mình đã bồi thường. Nếu tranh chấp, các bên có quyền yêu cầu được giải quyết bằng vụ án dân sự khác, bản luận tội nêu.
VKSND đánh giá suốt quá trình thực hiện dự án, từ Tổng Giám đốc đến các Phó Tổng giám đốc VEC đã buông lỏng điều hành, quản lý... dẫn đến các gói thầu được thi công, nghiệm thu không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế, chất lượng công trình không đảm bảo.
Đặc biệt, tháng 5/2016, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu tăng cường kiểm tra chất lượng vật liệu nguồn song lãnh đạo VEC không được nghiêm túc thực hiện.
Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt nam, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Bộ Giao thông vận tải giao VEC làm chủ đầu tư dự án.
Dự án thực hiện đầu tư bằng nguồn vốn vay rất lớn của các tổ chức tài chính quốc tế, được tổ chức đấu thầu quốc tế rộng rãi, với sự tham gia của các nhà thầu có đủ năng lực. Tuy nhiên, quá trình tổ chức đầu tư xây dựng từ chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát đã buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra giám sát, không tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế được áp dụng cho dự án, dẫn đến tuyến đường khi mới đưa vào sử dụng đã hư hỏng.
Kết quả điều tra, kết luận giám định của cơ quan giám định tư pháp xác định đối với các gói thầu thuộc giai đoạn 2 của dự án, VEC đã thanh toán cho các nhà thầu thi công các hạng mục xây dựng không đảm bảo chất lượng số tiền hơn 460 tỉ đồng.
Ngày mai, phiên tòa tiếp tục với phần tranh tụng.
Mở lại phiên tòa xét xử vụ án sai phạm tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi | |
Vụ sai phạm dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Tranh cãi việc bồi thường thiệt hại |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại