Thứ hai 25/11/2024 08:38

Đề nghị công nhận liệt sỹ với cán bộ, nhân viên y tế hi sinh khi chống dịch

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mới đây, Công đoàn Y tế Việt Nam đã tập hợp hồ sơ từ địa phương để gửi cơ quan chức năng đề xuất công nhận danh hiệu liệt sĩ cho 3 nhân viên y tế qua đời do lây nhiễm Covid-19 trong quá trình làm nhiệm vụ. Đây là việc làm đáp ứng được mong mỏi của phần lớn người dân với mong muốn tri ân sự hi sinh của đóng góp của lực lượng tuyến đầu.

Gần 2.400 cán bộ/nhân viên y tế nhiễm Covid-19, có 3 người hi sinh

Theo thống kê của Công đoàn Y tế, đến ngày 19-8 đã có khoảng 2.380 cán bộ, nhân viên y tế bị lây nhiễm Covid-19, trong đó có 3 người tử vong (2 người tại TP Hồ Chí Minh và 1 người tại Bình Dương). Ngoài đối mặt với lây nhiễm, y bác sĩ còn chịu áp lực nặng về tâm lý khi bệnh nhân quá đông lại trở nặng nhanh, tỷ lệ tử vong cao; thiếu trang thiết bị, đồ bảo hộ...

Các cán bộ y tế đối mặt với nhiều áp lực trong điều trị khi phải làm việc gấp đôi bình thường. Họ còn phải chịu áp lực lớn nữa là số ca bệnh tăng nhanh, bệnh nhân tử vong nhanh chóng khiến các cán bộ y tế bất lực. Nhiều người đã bật khóc, stress vì không cứu được người bệnh, bà Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam chia sẻ.

Nhân viên y tế của đoàn Quảng Ninh chi viện cho TP Hồ Chí Minh
Nhân viên y tế của đoàn Quảng Ninh chi viện cho TP Hồ Chí Minh

Để bảo vệ cho lực lượng y tế tuyến đầu, bà Phạm Thanh Bình cho biết, Công đoàn Y tế đã 2 lần đề nghị Tổng liên đoàn đề xuất Chính phủ, Nhà nước phong tặng liệt sĩ với nhân viên y tế tử vong khi làm nhiệm vụ trong đại dịch, coi họ là người thi hành công vụ, có chính sách với thân nhân của họ như được ưu tiên têm vắc-xin.

Đối với 3 trường hợp cụ thể là nhân viên y tế hi sinh khi làm nhiệm vụ, Công đoàn Y tế đang tập hợp hồ sơ từ địa phương để gửi Cục Người có công, Bộ Lao động, thương binh và xã hội, đề xuất công nhận danh hiệu liệt sĩ. 3 nhân viên y tế này gồm 1 người ở Củ Chi, 1 làm việc tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP Hồ Chí Minh và 1 làm việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương.

Chứng kiến sự vất vả, hi sinh của cán bộ/nhân viên y tế trong công tác phòng chống dịch suốt thời gian qua, trên mạng xã hội đã có nhiều ý kiến cho rằng cần nhanh chóng phong tặng danh hiệu liệt sỹ cho họ bởi “chống dịch như giống giặc”, sự hi sinh của họ cũng để bảo vệ cộng đồng.

Tài khoản có tên Thuy H… đề nghị: Nhà nước hãy phong ngay danh hiệu liệt sỹ kịp thời cho họ, họ quá xứng đáng, họ đã cống hiến và hi sinh bản thân mình để cứu hàng trăm người đấy.

Anh Nguyễn L. bày tỏ: Người người nhớ thương và biết ơn các anh hùng áo trắng. Mong Nhà nước quan tâm và cho họ một danh hiệu để xứng đáng với sự hi sinh của họ cho người dân bình an và hạnh phúc.

Anh Nguyễn Hồng T. viết: Đề nghị Nhà nước phong tặng bác sỹ, y sỹ tử vong khi đang làm nhiệm vụ danh hiệu liệt sỹ.

Tài khoản Tuấn X. cho rằng: Nên phong liệt sỹ cho họ vì họ hoàn toàn xứng đáng.

Tài khoản B.A cho biết, đề xuất phong tặng liệt sỹ cho cán bộ/nhân viên y tế hi sinh khi làm nhiệm vụ “rất hay, nhân văn và ý nghĩa. Lực lượng y tế đã quá vất vả rồi, họ xứng đáng được như vậy dù không ai mong muốn nhận danh hiệu liệt sĩ đó đâu. Cầu mong cho tuyến đầu chống dịch được bình an vô sự”.

Những căn cứ pháp lý

Về các quy định công nhận liệt sỹ đối với cán bộ/nhân viên y tế hi sinh khi làm nhiệm vụ, ThS. Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế-Bộ Y tế cho biết: Theo khoản 3 Điều 59 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Điểm k khoản 1 Điều 14 Pháp lệnh ưu đãi người có công thì cán bộ y tế làm nhiệm vụ chống dịch, chăm sóc, điều trị người bệnh Covid-19 hi sinh được xem xét công nhận là liệt sỹ.

Về thẩm quyền công nhận liệt sỹ cho cán bộ, nhân viên y tế hi sinh khi chống dịch, theo quy định tại Khoản 3 Điều 18 Nghị định 31/2013/NĐ-CP thì: Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Thủ trưởng các Bộ và tương đương kiểm tra hồ sơ, thủ tục xác nhận liệt sĩ chuyển Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng “Tổ quốc ghi công”.

Bà Trần Thị Trang cho biết, về hồ sơ, thủ tục đề nghị công nhận, theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều 18 Nghị định 31/2013/NĐ-CP thì: Cơ quan, tổ chức, đơn vị, chính quyền địa phương có người hy sinh có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ.

Cấp giấy báo tử cho người hy sinh là quân nhân, công nhân viên quốc phòng do Thủ trưởng Trung đoàn hoặc cấp tương đương trở lên; Người hi sinh là CAND, công nhân viên CAND do Giám đốc Công an cấp tỉnh hoặc cấp tương đương trở lên;

Người hi sinh thuộc cơ quan trung ương do Bộ trưởng hoặc cấp tương đương; Người hi sinh thuộc cơ quan cấp tỉnh quản lý do Chủ tịch UBND cấp tỉnh;

Người hi sinh thuộc cơ quan cấp huyện hoặc cấp xã và các trường hợp đóng trên địa bàn không thuộc quy định tại Điểm a, b, c, d Khoản này do Chủ tịch UBND cấp huyện.

ThS. Trần Thị Trang nhấn mạnh: Anh chị em công tác tại phòng Tổ chức cán bộ của các cơ sở y tế hãy nghiên cứu để lập hồ sơ đề nghị công nhận liệt sỹ ngay cho cán bộ của cơ sở mình nếu không may vì chống dịch mà hy sinh. Quốc hội, Chính phủ rất nhân văn, có quy định hết rồi.

Làm rõ thêm một số quy định này, TS. Nguyễn Huy Quang-nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế-Bộ Y tế: Để tôn vinh những chiến sỹ áo trắng đã anh dũng hi sinh trong trận chiến cam go chống dịch, pháp luật đã quy định khá rõ về điều kiện để cán bộ y tế được công nhận liệt sỹ.

Khoản 3 Điều 59 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định “Trong quá trình chống dịch, khi người tham gia chống dịch dũng cảm cứu người mà bị chết… thì được xem xét để công nhận liệt sỹ… theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng”.

Điểm K khoản 1 Điều 14 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng cũng quy định điều kiện để được công nhận liệt sỹ: “Đặc biệt dũng cảm cứu người…” nhưng phải là “tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, lan toả rộng rãi trong xã hội”.

Theo quy định trên thì mọi đối tượng dù là cán bộ y tế, công an, quân đội hay bất kỳ ai khác hy sinh khi đặc biệt dũng cảm cứu người, trong chống dịch và được chứng minh là tấm gương sáng có ý nghĩa tôn vinh, lan toả rộng rãi trong xã hội thì được xét công nhận liệt sỹ.

Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động