Thứ sáu 22/11/2024 00:29
Khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV:

Đây là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp rất lớn

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 21/10/2024, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Đây là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp rất lớn

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Quốc hội

Trước khi diễn ra phiên họp trù bị, các vị đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau khi làm lễ chào cờ, Quốc hội đã tiến hành mặc niệm chiến sĩ hy sinh, đồng bào tử nạn do thiên tai trong thời gian qua.

Dự lễ khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV có: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư Lương Cường; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Về phía Quốc hội có Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các phó Chủ tịch Quốc hội; Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội thuộc đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tại 63 địa phương.

Theo sự phân công của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành Phiên họp sáng nay.

Đây là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp rất lớn
Quốc hội đã tiến hành mặc niệm chiến sĩ hy sinh, đồng bào tử nạn do thiên tai trong thời gian qua. Ảnh: Quốc hội

Phát biểu khai mạc kỳ họp, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các vị đại biểu Quốc hội, các vị khách quý, đại diện các Đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế đã đến dự phiên khai mạc Kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, kỳ họp này có ý nghĩa rất quan trọng, Quốc hội sẽ thảo luận, quyết định nhiều vấn đề để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực, khắc phục các điểm nghẽn, tất cả vì phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và bảo đảm đời sống của Nhân dân.

Theo chương trình của kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định về công tác lập pháp. Đây là nội dung trọng tâm, chiếm phần lớn thời gian của kỳ họp, có 31 dự án luật, dự thảo nghị quyết được thảo luận, trong đó, Quốc hội sẽ xem xét, phấn đấu thông qua 15 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật và thảo luận, cho ý kiến lần đầu đối với 13 dự án luật khác.

Đây là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp rất lớn
Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV sáng 21/10. Ảnh: Quốc hội

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, đây là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp rất lớn; các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét tại Kỳ họp này liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực mà thực tiễn đang đòi hỏi cấp thiết và nhiều doanh nghiệp và cử tri, Nhân dân rất quan tâm.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, trí tuệ, chuyên nghiệp, khoa học, tập trung góp ý toàn diện cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp của các dự án luật, Luật cần ngắn gọn, chỉ quy định những vấn đề theo đúng thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa các vấn đề thuộc thông tư, nghị định… đảm bảo khi các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua đạt chất lượng cao và tuổi thọ lâu, tạo điều kiện thuận lợi và giao quyền chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện luật, gắn việc xây dựng luật và tổ chức thi hành luật đạt hiệu quả cao nhất.

Về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, Hội nghị lần thứ 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 được tổ chức sớm hơn thường lệ, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có thời gian nhiều hơn để nghiên cứu, thẩm tra các báo cáo của Chính phủ để trình Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2024; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025 (trong đó có kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2025-2027); tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024 và quyết định kế hoạch đầu tư công năm 2025.

Đây là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp rất lớn
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc. Ảnh: Quốc hội

Đồng thời, Quốc hội cũng xem xét, quyết định việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương; chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035; chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma tuý đến năm 2030; chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và nhiều nội dung quan trọng khác.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội; phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, tập trung vào những vấn đề lớn, những kết quả quan trọng đã đạt được, những bất cập, hạn chế, yếu kém, đề xuất những giải pháp thiết thực, hiệu quả; lưu ý những tác động và khó khăn mới phát sinh do diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, nhất là khắc phục hậu quả nặng nề do thiên tai, lũ lụt gây ra ở 26 tỉnh, thành phố phía Bắc và một số tỉnh miền Trung...; nhằm phát huy được nguồn lực, tận dụng được cơ hội phát triển, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Về giám sát tối cao, Quốc hội sẽ nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; xem xét báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; giám sát tối cao chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến năm 2023”; thảo luận, xem xét các báo cáo của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao và Kiểm toán Nhà nước; đồng thời thảo luận, cho ý kiến lần đầu vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân.

Về công tác nhân sự, theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội sẽ xem xét tiến hành bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một số nội dung công tác nhân sự khác thuộc thẩm quyền theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Nhấn mạnh khối lượng công việc của Kỳ họp thứ 8 là rất lớn, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trân trọng đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy dân chủ, nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận sôi nổi trên tinh thần xây dựng, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, đáp ứng sự mong đợi của cử tri và Nhân dân cả nước.

Quốc hội xem xét dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: bước đột phá hạ tầng giao thông Việt Nam Quốc hội xem xét dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: bước đột phá hạ tầng giao thông Việt Nam
Hôm nay, Quốc hội tiến hành quy trình bầu Chủ tịch nước Hôm nay, Quốc hội tiến hành quy trình bầu Chủ tịch nước
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động