Thứ tư 24/04/2024 17:49

Dấu hiệu nhận biết ung thư tụy

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Dấu hiệu nhận biết ung thư tụy, nguyên nhân và cách phòng ngừa căn bệnh này như thế nào? Cùng tìm hiểu về ung thư tụy ngay sau đây:

Ung thư tuyến tụy là gì?

Ung thư tuyến tụy là những tổn thương ác tính xuất phát từ bất kỳ thành phần nào của mô tụy, bao gồm các tế bào của mô tụy ngoại tiết, tế bào tụy nội tiết (tế bào đảo Langerhans) và các tế bào thuộc mô liên kết của tụy. Trên 95% ung thư tụy có nguồn gốc từ mô tụy ngoại tiết (gồm tế bào biểu mô ống tụy, tế bào “acinar”, tế bào mầm, …) trong đó khoảng 85% là xuất phát từ tế bào biểu mô ống tụy ngoại tiết; còn lại ung thư xuất phát từ tế bào tụy nội tiết và của mô liên kết rất hiếm gặp. Nội dung tiếp theo của bài viết sẽ chủ yếu nói về ung thư tụy ngoại tiết.

Nguyên nhân gây bệnh ung thư tụy

Nhiều người vẫn luôn thắc mắc về nguyên nhân của bệnh ung thư tụy, tuy nhiên điều này vẫn chưa được xác định cụ thể. Các nhà nghiên cứu đều cho rằng các yếu tố nguy cơ có liên quan gây ung thư tụy bao gồm: di truyền, tính chất gia đình, bệnh lý mãn tính ở tụy, môi trường…

Các nghiên cứu cho thấy, khoảng 10-15% ung thư tụy có liên quan tới yếu tố di truyền.

Một số bệnh bệnh lý mạn tính ở tụy cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư tụy gồm: Đái tháo đường, viêm tụy mạn, bệnh xơ nang tụy,…rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra bệnh đái tháo đường và ung thư tụy có quan hệ mật thiết với nhau, theo đó đái tháo đường vừa là yếu tố nguy cơ vừa là hậu quả của ung thư tụy.

Ngoài ra, các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư tụy trong đó kể đến hút thuốc lá, béo phì, ít hoạt động thể lực, nghiện rượu,…

Yếu tố tuổi tác có liên quan tới nguy cơ ung thư tuyến tụy. Bệnh thường xuất hiện ở độ tuổi 50 – 80. Gần 50% người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tụy ở độ tuổi 75 trở lên.

Thừa cân và béo phì: Theo nghiên cứu, những người bị thừa cân có khoảng 20% khả năng phát triển bệnh ung thư tuyến tụy.

Dấu hiệu nhận biết ung thư tụy

Dấu hiệu nhận biết ung thư tụy giai đoạn sớm thường rất ít. Khi bệnh tiến triển, triệu chứng lâm sàng khá đa dạng, thay đổi tùy theo vị trí khối u và mức độ lan rộng của nó. Theo thống kê, 60-70% u nằm ở vùng đầu tụy, 20-25% nằm ở thân/đuôi tụy, u chiếm toàn bộ thể tích của tụy chiếm tỉ lệ thấp.

‎Khi mắc ung thư tụy, một trong những dấu hiệu thường gặp nhất là đau bụng. Đau bụng thường bắt đầu xuất hiện trước khi phát hiện bệnh khoảng 1- 2 tháng và tăng dần theo tiến triển của bệnh, nhưng ban đầu thường chỉ đau thoáng qua vùng thượng vị nên dễ nhầm với viêm dạ dày.

Đau thường khởi phát ở vùng thượng vị, khi bệnh tiến triển thường lan sang 2 bên và/hoặc xuyên ra sau lưng, cơn đau có thể không liên tục nhưng thường nặng hơn sau khi ăn hoặc khi nằm ngửa khiến người bệnh phải nằm tư thế cuộn tròn cho đỡ đau; đau nhiều ra sau lưng thường gặp khi khối u nằm ở vùng thân hoặc đuôi tụy hơn là vùng đầu tụy.

Thông thường đau bụng trong ung thư tụy xuất hiện từ từ, tăng dần theo tiến triển của bệnh, song cũng có trường hợp người bệnh đột ngột đau một cách dữ dội do u làm tắc ống tụy gây viêm tụy cấp.

Dấu hiệu nhận biết tiếp theo khi mắc ung thư tụy là vàng da, nước tiểu sẫm màu. Vàng da do ung thư tụy là vàng da liên tục, tăng dần do u gây tắc ống mật chính làm dịch mật từ gan không xuống được tá tràng, hậu quả là mật vào trong máu gây vàng da và nước tiểu sẫm màu. Vàng da thường gặp và xuất hiện sớm với những khối u vùng đầu tụy.

Ngoài ra người mắc ung thư tụy có các biểu hiện đi đại tiện phân sống và là một trong những nguyên nhân làm người bệnh ung thư tụy bị suy kiệt rất nhanh. Người bệnh suy nhược, sụt cân, chán ăn, nôn, tiêu chảy…

Điều trị ung thư tụy như thế nào?

Điều trị ung thư tụy cũng như các loại ung thư khác với nguyên tắc điều trị đa mô thức (kết hợp xạ trị, hóa chất, phẫu thuật…). Trong đó phẫu thuật đóng vai trò quan trọng nhất nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống, kéo dài thời gian sống cho người bệnh.

Việc điều trị như thế nào còn tùy vị trí và giai đoạn bệnh có các phương pháp điều trị tương ứng.

Điều trị phẫu thuật can thiệp cần kết hợp với chăm sóc giảm nhẹ, nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh. Trong ung thư tụy, chăm sóc giảm nhẹ bao gồm điều trị đau, điều trị tâm lý, xử trí tình trạng nặng khác.

Phòng ngừa ung thư tụy

Để phòng ngừa nguy cơ mắc ung thư tụy, mọi người cần thực hiện lối sống lạnh mạnh, ăn uống khoa học, cụ thể:

- Thực hiện chế độ ăn uống khoa học: Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều trái cây, thực phẩm giàu protein, giàu chất béo sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy.

- Bỏ thuốc lá: Người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh cao gấp đôi so với những người không hút thuốc vì thế việc từ bỏ thuốc lá là việc làm cần thiết để bảo vệ sức khỏe bản thân và cho cả những người xung quanh.

- Duy trì cân nặng hợp lý: Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao sẽ làm giảm được một nửa nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy.

- Tránh tiếp xúc với hóa chất độc hại: Việc tránh làm việc trong môi trường có chứa các chất độc hại hoặc sử dụng các dụng cụ bảo hộ lao động khi buộc phải tiếp xúc với hóa chất… cũng là cách phòng ngừa ung thư tuyến tụy hiệu quả.

Ngoài ra cần khám sức khỏe định kỳ và khám chuyên khoa: Chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ và đi khám ngay nếu có dấu hiệu bất thường.

Gia Huy
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động