Thứ sáu 26/04/2024 05:06

Đặt tiền bảo lãnh để được tạm giữ, bảo quản phương tiện giao thông vi phạm hành chính

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hỏi: Tôi mới mua một chiếc ô tô, mới có giấy phép lái xe. Tôi lái xe chưa được thành thạo, khi tham gia giao thông tôi đã vi phạm hành chính và bị cảnh sát giao thông tạm giữ phương tiện. Tuy nhiên, do xe mới mua nên tôi muốn xin đặt tiền bảo lãnh có được không? Mức tiền cần đặt là như nào?  

(Đỗ Khánh Huyền, trú tại Tây Hồ, Hà Nội)

dat tien bao lanh de duoc tam giu bao quan phuong tien giao thong vi pham hanh chinh
Ảnh minh họa

Trả lời:

Tại Điều 14 Nghị định số 115/2013/NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính được sửa đổi bởi Khoản 5 Điều 1 Nghị định 31/2020/NĐ-CP quy định:

“Điều 14. Giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản

1. Phương tiện giao thông vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm có một trong các điều kiện dưới đây thì người có thẩm quyền tạm giữ có thể giao cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản phương tiện dưới sự quản lý của cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ, trừ các trường hợp theo quy định tại khoản 7 Điều này, cụ thể:

a) Cá nhân vi phạm có nơi đăng ký thường trú hoặc có đăng ký tạm trú còn thời hạn hoặc có giấy xác nhận về nơi công tác của cơ quan, tổ chức nơi cá nhân vi phạm đang công tác; tổ chức vi phạm phải có địa chỉ hoạt động cụ thể, rõ ràng. Tổ chức, cá nhân vi phạm phải có nơi giữ, bảo quản phương tiện;

b) Tổ chức, cá nhân vi phạm có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được xem xét để giao giữ, bảo quản phương tiện.

...

7. Các trường hợp không giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản:

a) Phương tiện giao thông của vụ vi phạm là vật chứng của vụ án hình sự;

b) Phương tiện giao thông được sử dụng để đua xe trái phép, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng hoặc gây tai nạn giao thông;

c) Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện bị làm giả, sửa chữa;

d) Biển kiểm soát giả, phương tiện bị thay đổi trái phép số khung, số máy hoặc bị xóa số khung, số máy.”

Theo các quy định trên, cá nhân vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tạm giữ phương tiện giao thông có thể được đặt tiền bảo lãnh để được giao giữ, bảo quản phương tiện nếu đảm bảo các điều kiện: có nơi đăng ký thường trú hoặc có đăng ký tạm trú còn thời hạn hoặc có giấy xác nhận về nơi công tác của cơ quan, tổ chức nơi cá nhân vi phạm đang công tác; tổ chức vi phạm phải có địa chỉ hoạt động cụ thể, rõ ràng; có nơi giữ, bảo quản phương tiện; và có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh. Nếu bạn đảm bảo các điều kiện trên thì có thể được đặt tiền bảo lãnh phương tiện giao thông.

Về mức tiền cần đặt: Tại điểm c khoản 3 Điều 15 Nghị định số 115/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 6 Điều 1 Nghị định 31/2020/NĐ-CP quy định về đặt tiền bảo lãnh phương tiện giao thông bị tạm giữ theo thủ tục hành chính: “Sau khi người có thẩm quyền tạm giữ ra quyết định cho đặt tiền bảo lãnh, tổ chức, cá nhân có thể nộp tiền đặt bảo lãnh trực tiếp hoặc qua tài khoản cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện. Mức tiền đặt bảo lãnh ít nhất bằng mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt quy định cho một hành vi vi phạm; trường hợp thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính trong cùng một vụ vi phạm thì mức tiền đặt bảo lãnh ít nhất phải bằng tổng mức tiền phạt tối đa của các hành vi vi phạm”. Như vậy, cần căn cứ vào mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt quy định đối với hành vi vi phạm cụ thể để xác định mức tiền bảo lãnh bạn cần phải nộp.

Đỗ Hưng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động