Thứ ba 10/09/2024 11:47

Đánh thức giá trị di sản trăm năm tuổi tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nằm trên tuyến trải nghiệm chính của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, Tháp nước Hàng Đậu cùng với Ga Gia Lâm, Ga Long Biên, cầu Long Biên và Nhà máy xe lửa Gia Lâm là các công trình xây dựng hơn trăm năm tuổi sẽ được thiết kế trở thành không gian nghệ thuật độc đáo, mới lạ.
Đánh thức giá trị di sản trăm năm tuổi tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023

Những thiết kế nghệ thuật sẽ được thực hiện tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm là điểm nhấn đặc sắc của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023. Ảnh: Quang Thanh

Thiết kế không gian sáng tạo từ di sản lịch sử

Đúng với chủ đề “Dòng chảy”, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 tiếp tục đánh thức giá trị di sản văn hóa từ các công trình hơn trăm năm tuổi. Từ Tháp nước Hàng Đậu, ga Gia Lâm, ga Long Biên và Nhà máy xe lửa Gia Lâm sẽ được các kiến trúc sư, nghệ sĩ thiết kế thí điểm trở thành không gian nghệ thuật sáng tạo mới.

Các không gian Pavilion bao gồm: Triển lãm, Kiến Trúc và Nhà máy và “vẽ (lại) Giấc mơ hiện đại” (Nhà máy xe lửa Gia Lâm); không gian Kiến trúc Bến Chờ (Nhà máy Xe lửa Gia Lâm); Không gian Kiến trúc và Nghệ thuật Phân xưởng Nóng (Nhà máy xe lửa Gia Lâm), triển lãm “Sắp đặt Nước và Di sản” Tháp nước Hàng Đậu (Tháp nước Hàng Đậu).

Từ ngày 17/11, công trình kiến trúc Tháp nước Hàng Đậu sẽ chính thức mở cửa đón du khách tham quan, trải nghiệm. Công trình kiến trúc được xây dựng năm năm 1894, nằm tại ngã sáu của các phố cổ Hàng Than, Hàng Lược, Hàng Giấy, Hàng Đậu, Quán Thánh và đường Phan Đình Phùng (quận Hoàn Kiếm).

Nhiều năm nay, Tháp nước Hàng Đậu dừng công năng cấp nước, là địa điểm chụp ảnh yêu thích của đông đảo người dân và du khách. Ngoài chụp ảnh, nhiều du khách bày tỏ nhu cầu muốn khám phá, tham quan phía trong công trình kiến trúc gần 130 tuổi.

Thông qua Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội, người dân và du khách cơ hội tham quan, trải nghiệm công trình kiến trúc độc đáo, hấp dẫn. Theo nhóm thiết kế gồm kiến trúc sư Cao Thế Anh, họa sĩ Nguyễn Đức Phương và các cộng sự, Tháp nước Hàng Đậu sẽ được cải tạo, tổ chức trưng bày “Không gian sắp đặt Nước” và “Di sản Tháp nước Hàng Đậu”.

Du khách được trải nghiệm hệ sắp đặt âm thanh tái hiện âm thanh của nước trong tự nhiên và hệ sắp đặt ánh sáng mở rộng thị giác về hình ảnh hiện vật được tái chế từ rác thải đô thị.

Biến di sản công nghiệp thành tổ hợp sáng tạo mới

Là địa điểm tổ chức chính của Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm nay, Nhà máy xe lửa Gia Lâm (xây dựng năm 1905) được cải tạo thành các tổ hợp sáng tạo độc đáo.

Công trình gần 120 năm tuổi từng nằm trong diện di dời khỏi nội đô, thông qua Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội đã khoác lên diện mạo mới của một “điểm hẹn văn hóa” yêu thích của giới trẻ.

Các không gian Pavilion được tái hiện qua triển lãm “Kiến trúc, Nhà máy và vẽ (lại) giấc mơ hiện đại”. Triển lãm được đan xen khai phá tài liệu lịch sử về những di sản công nghiệp của Hà Nội và khai phá tinh thần sáng tạo mới.

Cụ thể, tại phân xưởng gia công nóng B1, TOOB Studio, thiết kế nên Pavilion “Không gian Kiến trúc và Nghệ thuật Phân xưởng nóng”, để trưng bày các ghi chép về hiện vật, cung cấp chuỗi tư liệu, hình ảnh của các cơ sở công nghiệp khác ở Việt Nam.

Khu vực Cầu lăn chìm của nhà máy được cải tạo thành không gian kiến trúc Pavilion “Bến chờ” do kiến trúc sư Lê Quang Thạc thực hiện.

“Bến chờ” là công trình biểu trưng của Lễ hội và là sân khấu chính tổ chức các sự kiện. Với thiết kế sân khấu ngoài trời, “Bến chờ” sẽ là nơi tổ chức các chương trình nghệ thuật “Khơi dòng” và các hoạt động nghệ thuật trình diễn.

Lần đầu tiên, âm nhạc, thời trang được biểu diễn không gian nhà máy cũ. Các chương trình tiêu biểu như trình diễn trang phục “Vân Long lưu vũ”, show nhạc Rock “Dòng chảy”, show Acoustic “Giai điệu tự hào”, trình diễn âm thanh “Âm cảnh Ga Hà Nội, trình diễn nghệ thuật “Đường trường”, “Đối thoại Đôi bờ”….

Tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm còn thực hiện các triển lãm tiêu biểu, “Thí điểm kiến trúc và sắp đặt không gian Ga”; triển lãm “Chuyển động ngoại biên #2; triển lãm tư liệu “Thủy phủ”, sắp đặt hội hoa “Tiếng gọi”,…

Trong đó, triển lãm “Thí điểm kiến trúc và sắp đặt không gian Ga” được tổ chức thiết kế tại 3 địa điểm ga Long Biên, ga Gia Lâm, ga Hà Nội, kết nối 4 không gian sáng tạo mang đến hình ảnh mới về di sản công nghiệp văn hóa có tuổi đời hơn trăm năm lịch sử.

Dịp này, Tổng Cty Đường sắt Việt Nam tổ chức chuyến tàu “Hành trình di sản”, được khởi hành từ ga Hà Nội đến ga Long Biên, đi qua cây cầu Long Biên lịch sử, kết thúc ga Gia Lâm. Sau đó, du khách tham quan đi bộ đến Nhà máy xe lửa Gia Lâm tham gia các hoạt động sáng tạo.

Các hoạt động thiết kế, sáng tạo trên nền di sản công nghiệp mang đến chuỗi hoạt động có tính chuyên môn cao với những giải pháp và sản phẩm ứng dụng cụ thể, biến di sản công nghiệp thành tổ hợp văn hóa sáng tạo mới của Thủ đô. Đây là một trong những hoạt động hiện thực hóa sáng kiến, thực hiện cam kết với UNESCO khi Hà Nội tham gia Mạng lưới thành phố sáng tạo.

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 là sự kiện văn hóa lớn của Thủ đô, quy tụ hơn 60 hoạt động văn hóa với 4 công trình kiến trúc, 16 triển lãm, 17 hội thảo và tọa đàm, 9 show nghệ thuật, chuỗi sự kiện cộng đồng và hội chợ sáng tạo. Với chủ đề “Dòng chảy”, Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 mang đến trải nghiệm mới lạ, độc đáo dành cho du khách tham quan.
Tháp nước Hàng Đậu lần đầu tiên mở cửa có gì đặc sắc? Tháp nước Hàng Đậu lần đầu tiên mở cửa có gì đặc sắc?
Chuyến tàu kết nối giá trị văn hóa xưa và nay Chuyến tàu kết nối giá trị văn hóa xưa và nay
Phát huy các giá trị di sản của Thủ đô Hà Nội Phát huy các giá trị di sản của Thủ đô Hà Nội
Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động