Đang thi công, chủ đầu tư “quay xe” xin điều chỉnh công suất
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTheo Bộ Xây dựng, việc xây dựng công trình tiềm ẩn nhiều rủi ro mất an toàn trong thi công và vận hành về an toàn đập... |
Bộ Công thương phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý DA
DA thủy điện Suối Ngang được đầu tư xây dựng tại xã Pa Tần và xã Hồng Thu, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. DA thuộc Quy hoạch thủy điện nhỏ toàn quốc trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã được Bộ Công thương phê duyệt tại Quyết định số 1175/QĐ-BCT ngày 24/4/2020, theo đó DA thủy điện Suối Ngang có công suất 5MW.
Ngày 16/9/2020, UBND tỉnh Lai Châu có Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư DA thủy điện Suối Ngang. Theo đó, chủ đầu tư là Cty TNHH MTV thủy điện Thanh Tuyền do ông Phạm Thanh Tuyền làm GĐ. Nhà máy có 2 tổ máy với công suất lắp máy là 0,5MW, điện lượng trung bình khoảng 19,89 triệu kWh/năm. Diện tích đất sử dụng 17,03ha, riêng phần diện tích lòng hồ rộng 8,5ha. Tổng vốn đăng ký đầu tư là 188.295 triệu đồng. DA khởi công vào quý III/2021 và hoàn thành vào quý III/2023. Cũng trong quý III/2023 nhà máy sẽ được đưa vào khai thác.
Như vậy, thiết kế ban đầu của nhà máy chỉ có công suất 5MW. Tuy nhiên, đang trong giai đoạn thi công phía chủ đầu tư tiếp tục xin điều chỉnh nâng công suất lên 12MW với 02 tổ máy; tổng diện tích lưu vực đến tuyến đập 17,8km; mực nước dâng bình thường 915m và 1.200m; cột nước lớn nhất 635,37m.
Về phía Bộ Công thương cũng không phản đối với màn “quay xe” của chủ đầu tư, đồng thời có hồ sơ điều chỉnh quy hoạch gửi kèm Văn bản số 6350/BCT-ĐL ngày 14/10/2022 đề xuất nâng công suất lên 12MW gửi tới Bộ Xây dựng. Hồ sơ điều chỉnh quy hoạch DA thủy điện Suối Ngang do Cty CP Tư vấn Sông Đà lập tháng 9/2022.
Sau khi nhận được văn bản từ Bộ Công thương, ngày 10/11/2022, Bộ Xây dựng chính thức có văn bản hồi âm gửi tới Bộ Công thương nêu quan điểm: “DA thủy điện Suối Ngang, tỉnh Lai Châu cần bổ sung cơ sở pháp lý điều chỉnh quy hoạch đáp ứng các quy định tại Thông tư số 43/2012/TT-BCT ngày 27/12/2012 về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng DA thủy điện và vận hành khai thác công trình thủy điện và các quy định hiện hành của pháp luật có liên quan.
Về đề xuất nâng quy mô công suất từ 5MW lên 12MW cần được xem xét căn cứ vào các yêu cầu kỹ thuật của hệ thống điện khu vực DA, đảm bảo cân đối cơ cấu nguồn điện trong tổng thể phát triển ngành điện. Bộ Công thương đánh giá và chịu trách nhiệm về hồ sơ quy hoạch của DA nhằm đảm bảo tính pháp lý làm cơ sở xem xét hồ sơ điều chỉnh quy hoạch theo quy định đồng thời đảm bảo đúng mục tiêu, sự phù hợp và yêu cầu về cơ cấu nguồn điện trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được phê duyệt”.
DA tiềm ẩn rủi ro trong thi công
Bộ Xây dựng nhận định: “DA thủy điện Suối Ngang được bố trí trên dòng Suối Ngang có độ dốc lòng suối lớn. Suối Ngang là phụ lưu cấp I hữu ngạn của sông Nậm Na, trong khi sông Nậm Na là phụ lưu cấp I của sông Đà, bắt nguồn từ Vân Nam, Trung Quốc. Cần có đánh giá tổng thể bậc thang các công trình thủy điện có liên quan thuộc lưu vực Suối Ngang nhằm đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả trong việc phát triển các DA thủy điện theo quy định; đồng thời cần bổ sung đánh giá sơ bộ về an toàn hồ, đập và an toàn các công trình có liên quan đến DA các yêu cầu kỹ thuật trong quá trình khai thác, vận hành an toàn công đảm bảo an sinh cho người dân hạ du khu vực DA”.
Về thiết kế sơ bộ, để đảm bảo tính đồng bộ, Bộ Xây dựng yêu cầu: “cần bổ sung các bản vẽ thiết kế phương án đấu nối của DA vào lưới điện khu vực (trạm biến áp và hệ thống cột điện lưới điện đấu nối), nhà quản lý vận hành, hệ thống công trình phụ trợ và thuyết minh các nội dung về đầu tư xây dựng của DA… Nội dung đầu tư xây dựng của DA liên quan đến các hạng mục công trình: Hệ thống đập; hầm chuyển nước; tuyến năng lượng; nhà máy thủy điện và các hạng mục phụ trợ .. cần được nghiên cứu, triển khai các bước thiết kế căn cứ trên số liệu và kết quả điều tra, khảo sát địa chất công trình, khảo sát địa chất thủy văn nhằm đảm bảo cơ sở đề ra các giải pháp thiết kế an toàn công trình và an toàn công trình lân cận trong khu vực DA”.
Trong văn bản gửi tới Bộ Công thương, Bộ Xây dựng nhấn mạnh: “DA thủy điện Suối Ngang nằm trong khu vực đồi núi trải dài, địa hình phức tạp có độ dốc lớn với cao độ tại vị trí nghiên cứu thay đổi từ 245-910m. Do vậy, khi đầu tư xây dựng sẽ có nhiều tác động đến môi trường. Việc xây dựng công trình tại khu vực suối dốc, đồi núi cao tiềm ẩn nhiều rủi ro mất an toàn trong thi công xây dựng và vận hành về an toàn đập, hồ chứa, ổn định mái dốc, đào hầm, .. đặc biệt là biến đổi cực đoan của thời tiết trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Vì vậy, cần có phân tích, đánh giá về tính đặc thù nêu trên của DA làm cơ sở để đưa ra các giải pháp kỹ thuật sơ bộ nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế-xã hội của DA”.
Theo ông Nguyễn Chí Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng: “DA thủy điện Suối Ngang cần rà soát, cập nhật đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn thuộc các lĩnh vực kỹ thuật đặc thù của DA. Đối với các nội dung liên quan tới giải tỏa công suất của hệ thống điện khu vực tỉnh Lai Châu cần được phân tích làm rõ để đảm bảo tính khả thi phương án đấu nối vào lưới điện khu vực. Đồng thời cần có phân tích, đánh giá đầy đủ về những khó khăn, thuận lợi và hiệu quả kinh tế-xã hội của DA”. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại