Thứ bảy 23/11/2024 14:14
Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi):

Đảm bảo chính sách ưu đãi, ưu tiên trong phát triển hệ thống giao thông công cộng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
“Hà Nội đang có tốc độ gia tăng dân số cơ học rất cao, người dân từ khắp nơi đổ về học tập, kinh doanh, làm việc, tập trung rất lớn ở khu vực lõi. Việc xây dựng chính sách quy hoạch đô thị về giao thông công cộng gắn với mô hình TOD có thể là “lời giải” giúp Hà Nội phát triển theo xu hướng hình thành đô thị nén, biến khó khăn thách thức thành cơ hội thực sự cho hiện tại và cả tương lai” - đó là nhận định của TS Mai Thị Mai - Trường ĐH Luật Hà Nội.
Đảm bảo chính sách ưu đãi, ưu tiên trong phát triển hệ thống giao thông công cộng
Đảm bảo chính sách ưu đãi, ưu tiên trong phát triển hệ thống giao thông công cộng trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: Khánh Huy

Nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), TS Mai Thị Mai đã có một số góp ý nhằm đảm bảo chính sách ưu đãi, ưu tiên phát triển hệ thống giao thông công cộng của Thủ đô trong Dự thảo.

Thứ nhất, về khía cạnh kỹ thuật lập pháp trong xây dựng quy phạm điều chỉnh về TOD

Trong phần giải thích từ ngữ đã đề cập phát triển định hướng giao thông công cộng (TOD) tại khoản 12 Điều 3, theo đó: “Phát triển theo định hướng giao thông công cộng (TOD) là mô hình phát triển đô thị trên cơ sở định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng, lấy đầu mối giao thông làm điểm trung tâm để phát triển đô thị nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, công trình công cộng, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường”.

Theo TS Mai Thị Mai, phần giải thích từ ngữ này khá tương thích với các khái niệm của TOD - Transit Oriented Development được đưa ra bởi các viện nghiên cứu khác nhau trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Cùng với đó, Chính sách phát triển đô thị thuộc Thủ đô tại Điều 31 của Dự thảo quy định về thẩm quyền của HĐND TP Hà Nội có đề cập việc HĐND TP Hà Nội có thẩm quyền quy định về: “b) Chính sách phát triển các thành phố thuộc TP Hà Nội và đô thị vệ tinh, đô thị mới, phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), cơ chế chia sẻ lợi ích của các nhà đầu tư với nhà nước và người đang sử dụng đất”.

Nội dung này cho thấy tầm nhìn chiến lược và chính sách phát triển quy hoạch giao thông của Thủ đô Hà Nội đã được định hướng xây dựng theo TOD - định hướng có tính bền vững cao…

Trên thực tế, Hà Nội đã và đang xác định đây là một định hướng tốt có thể tham khảo cho sự phát triển trong tương lai của Hà Nội. Trong Dự thảo Luật Thủ đô (với 6 chương và 54 điều), các nội dung đề cập TOD được ghi nhận ở các khoản của 5 điều (không tính phần phần giải thích thuật ngữ), cụ thể, các nội dung về xây dựng giao thông công cộng được đề cập trong các điều khoản sau về: Điều 31. Chính sách phát triển đô thị thuộc Thủ đô; Điều 34. Phát triển, quản lý hạ tầng giao thông; Điều 37. Huy động nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô; Điều 39. Cơ chế thu hút đầu tư xã hội và cơ chế thực hiện đầu tư; Điều 41. Thu hút nhà đầu tư chiến lược.

TS Mai Thị Mai cho biết, bằng cách ghi nhận các nội dung về TOD trong nội dung điều khoản liệt kê nói trên, có thể thấy Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã định hướng việc ưu đãi, ưu tiên phát triển hệ thống giao thông công cộng của Thủ đô ngay từ khía cạnh chính sách phát triển đô thị, phát triển quản lý hạ tầng, huy động nguồn tài chính ngân sách cho phát triển Thủ đô, cũng như cơ chế thu hút đầu tư xã hội và nhà đầu tư chiến lược để có thể xây dựng và hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng của Thủ đô. Về cơ bản, các nội dung để tạo ra hành lang pháp lý cho việc xây dựng và phát triển hệ thống giao thông công cộng (TOD) của Thủ đô ghi nhận trong Dự thảo Luật Thủ đô đã khá đầy đủ và hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, qua phân tích ở trên có thể thấy, nếu xác định TOD là một giải pháp quy hoạch cho Hà Nội trong việc hướng tới người dân sử dụng giao thông công cộng, giảm ùn tắc giao thông, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và bảo vệ môi trường thì các quy định về TOD nên được nhấn mạnh hơn, trở thành một trong những trọng tâm cần được lưu ý trong chính sách phát triển đô thị của Thủ đô.

Do đó, các nội dung điều chỉnh về TOD trong Dự thảo luật Thủ đô cần được tách riêng ra thành một điều khoản độc lập với nội dung về - Xây dựng phát triển hệ thống giao thông công cộng của Thủ đô. Trong điều khoản này sẽ tập hợp toàn bộ các điều khoản quy định về TOD nằm rải rác ở các điều khoản khác nhau về quản lý hạ hầng, huy đồng tài chính, huy động nhà đầu tư…

Đảm bảo chính sách ưu đãi, ưu tiên trong phát triển hệ thống giao thông công cộng

Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Hải Linh

Thứ hai, về khía cạnh kỹ thuật trong áp dụng các điều khoản của Luật Thủ đô

Theo TS Mai Thị Mai, trong Dự thảo Luật Thủ đô, tại Điều 4 quy định các nguyên tắc áp dụng Luật Thủ đô, theo đó: Điều 4. “Áp dụng Luật Thủ đô”. Tại khoản 1 Điều 4 thể hiện rất rõ nội dung về nguyên tắc ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô trong quá trình áp dụng quy phạm pháp luật điều chỉnh. Nguyên tắc này hoàn toàn phù hợp với các định hướng phát triển Thủ đô của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, đối với khoản 2 Điều 4 thì cần phải xây dựng lại về mặt kỹ thuật lập pháp. Bởi lẽ, nội dung khoản 2 Điều 4 đưa ra trường hợp quy định rằng:

Trường hợp luật, nghị quyết khác của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực có quy định cơ chế, chính sách thuận lợi hơn cho xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô thì việc áp dụng do HĐND TP Hà Nội quyết định” - xây dựng nội dung quy định này vi phạm 2 nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật.

Một là, vi phạm nguyên tắc theo khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 ghi nhận nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật ghi rõ: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau”.

Như vậy, nếu theo quy định tại khoản 2 thì Luật Thủ đô do Quốc hội ban hành, các luật, nghị quyết khác cũng do Quốc hội ban hành sau thời điểm Luật Thủ đô có hiệu lực thì sẽ áp dụng theo văn bản quy phạm có hiệu lực sau.

Hai là, vi phạm nguyên tắc áp dụng hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật - Luật của Quốc hội (Luật Thủ đô) lại phụ thuộc vào Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội quyết định. Theo khoản 2 Điều 4 Dự thảo, trong trường hợp luật, nghị quyết khác của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực có quy định cơ chế, chính sách thuận lợi hơn cho xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô thì việc áp dụng do HĐND TP Hà Nội quyết định.

Như vậy, với cách xây dựng quy phạm như khoản 2 Điều 4 thì rõ ràng dẫn đến tình trạng rằng luật, nghị quyết do Quốc hội ban hành nhưng việc áp dụng hay không lại phụ thuộc vào việc đồng ý của HĐND TP Hà Nội. TS Mai Thị Mai cho rằng, điều này là không phù hợp với nguyên tắc áp dụng của Hiến pháp và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trên thực tế, để tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội; khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Thủ đô. Việc ưu tiên tăng tính chủ động cho thủ đô thông qua nguyên tắc ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô hoặc ưu tiên phân cấp phân quyền cho chính quyền Thủ đô là định hướng hoàn toàn đúng đắn...

Vùng Thủ đô cần là sự phát triển bền vững của cả khu vực quanh Thủ đô Vùng Thủ đô cần là sự phát triển bền vững của cả khu vực quanh Thủ đô
Đẩy mạnh quản lý, sử dụng đất đai bảo đảm phát triển Thủ đô Hà Nội Đẩy mạnh quản lý, sử dụng đất đai bảo đảm phát triển Thủ đô Hà Nội
Bạch Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động