Đại diện UNDP đánh giá cao sự hợp tác tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênƯu tiên của Việt Nam trong thời gian tới là phục hồi kinh tế - xã hội hậu Covid-19 theo hướng xanh, bền vững, bao trùm và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, |
Tại các buổi hội đàm, Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang đánh giá cao sự đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam của UNDP với tư cách là cơ quan phát triển hàng đầu trong các công cuộc xóa nghèo, phát triển con người và biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và của UNFPA với tư cách là cơ quan hàng đầu trong công tác dân số, sức khỏe sinh sản và dân số và già hóa. Thứ trưởng gửi lời cảm ơn tới UNDP và UNFPA vì đã giúp đỡ Việt Nam chống đại dịch Covid-19.
Khẳng định ưu tiên của Việt Nam trong thời gian tới là phục hồi kinh tế - xã hội hậu Covid-19 theo hướng xanh, bền vững, bao trùm và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang hoan nghênh các lĩnh vực trọng tâm cốt lõi của văn kiện Chương trình Quốc gia giai đoạn 2022-2026 (CPD) và Chương trình quốc gia thứ 10 vừa được Ban điều hành UNDP và Ban điều hành UNFPA thông qua.
Thứ trưởng cũng đánh giá cao nỗ lực hợp tác hiện nay giữa UNDP và Bộ Ngoại giao trong việc tổ chức Hội nghị quốc tế về phục hồi kinh tế - xã hội xanh, bền vững, bao trùm và đổi mới sáng tạo trong tháng 2-2022; tin tưởng mạnh mẽ rằng Hội nghị sẽ tạo ra được những khuyến nghị chính sách hữu ích cho phục hồi sau đại dịch Covid-19 tại Việt Nam cũng như trên thế giới.
Về phần mình, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen và Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam Naomi Kitahara đều khẳng định coi trọng quan hệ hợp tác với Việt Nam, đánh giá cao sự hợp tác tích cực, có trách nhiệm của các cơ quan, bộ, ngành Việt Nam với UNDP và UNFPA.
Các Trưởng đại diện các cơ quan phát triển LHQ nêu trên cũng chia sẻ về các ưu tiên về các hoạt động cơ quan mình, khẳng định sẵn sàng tăng cường hợp tác hỗ trợ Việt Nam trong phục hồi xanh và bền vững sau đại dịch, giải quyết bất bình đẳng, xóa nghèo, chăm sóc bảo vệ những người dễ bị tổn thương, công tác dân số, thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26).
UNDP là tổ chức viện trợ phát triển lớn nhất hệ thống LHQ hiện nay. UNDP được thành lập năm 1965 tại New York (Hoa Kỳ) trên cơ sở hợp nhất hai cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ) là Chương trình hỗ trợ Kỹ thuật mở rộng (EPTA) và Quỹ đặc biệt của LHQ; là cơ quan trực thuộc Đại hội đồng LHQ, chịu sự chi phối của Đại hội đồng và Hội đồng Kinh tế Xã hội (ECOSOC). Đại hội đồng quyết định các vấn đề chính sách lớn của UNDP, ECOSOC xác định các nguyên tắc, quy chế hoạt động. UNDP có chức năng nhiệm vụ: Giúp đỡ nỗ lực của các quốc gia nhằm đạt được mục tiêu phát triển con người bền vững, bằng cách hỗ trợ xây dựng năng lực trong việc thiết kế và thực hiện các chương trình phát triển nhằm xoá bỏ đói nghèo, tạo công ăn việc làm và tìm phương cách mưu cầu sự sống bền vững, nâng cao địa vị của phụ nữ, bảo vệ và tái tạo môi trường, ưu tiên hàng đầu cho xoá đói giảm nghèo; nâng cao sự tự chủ của các nước đang phát triển đối với năng lực quản lý, kỹ thuật, hành chính và những nghiên cứu cần thiết để xây dựng và thực hiện các chính sách và kế hoạch phát triển của các nước; tăng cường sự tham gia rộng rãi hơn của Nhân dân. UNFPA là 1 trong 6 Quỹ/Chương trình của LHQ, có trọng tâm hoạt động là thúc đẩy việc thực hiện Chương trình nghị sự của Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD) năm 1994, các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG) trước đây và các Mục tiêu phát triển bền vững hiện nay về tăng cường sức khỏe sinh sản, dân số và phát triển, cụ thể: Trợ giúp các nước đang phát triển thông qua việc cung cấp các dịch vụ có chất lượng trong sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình trên cơ sở sự lựa chọn của cá nhân và giảm thiểu tỉ lệ tử vong của mẹ đang mang thai, hỗ trợ việc xây dựng các chính sách dân số phục vụ phát triển bền vững; Thúc đẩy việc thực hiện các nội dung của Chương trình hành động của Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển năm 1994 và được điều chỉnh/bổ sung tại Khóa họp đặc biệt của Đại hội đồng LHQ năm 1999 (ICPD+5); cũng như các vấn đề khác liên quan tới dân số như tình trạng già hóa, tình trạng đô thị hóa và di cư; Thúc đẩy chấm dứt bạo lực dựa trên cơ sở giới và các hình thức nguy hiểm khác. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại