Thứ sáu 26/04/2024 10:08

Đại biểu Quốc hội: Liệu có lợi ích nhóm khi không muốn kiểm toán dự án BOT giao thông?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Vì sao 2 Bộ không muốn kiểm toán các dự án BOT giao thông và nếu Kiểm toán Nhà nước không kiên quyết thì dân có phải trả tiền oan cho 222 năm của 61 dự án này không? Và có lợi ích nhóm ở đây không?

Tiếp tục phiên chất vấn, ngày 5-6, Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể.

Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng, sau khi kiểm toán 61 dự án BOT giao thông, Kiểm toán nhà nước kiến nghị giảm 222 năm thu phí của 61 dự án này. Tuy nhiên, trước đó 2 bộ là Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Giao thông với nhiều lập luận cho rằng Kiểm toán Nhà nước không được kiểm toán các dự án BOT giao thông với lý do đây là các dự án của nhà đầu tư tư nhân.

“Tôi xin hỏi Bộ trưởng vì sao 2 Bộ không muốn kiểm toán các dự án BOT giao thông và nếu Kiểm toán Nhà nước không kiên quyết thì dân có phải trả tiền oan cho 222 năm của 61 dự án này không? Và có lợi ích nhóm ở đây không”, đại biểu hỏi.

dai bieu quoc hoi lieu co loi ich nhom khi khong muon kiem toan du an bot giao thong
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn (ảnh: Quốc hội)

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, ngay từ khi dự án BOT triển khai, Bộ Giao thông vận tải đã mời kiểm toán và chủ các doanh nghiệp BOT, trực tiếp mời kiểm toán vào cuộc để kiểm toán chứ không phải như thông tin nói rằng Bộ Giao thông vận tải không đồng ý cho kiểm toán vào.

“Chúng tôi chủ động mời và thậm chí mời cả công an. Do đó, số liệu các dự án BOT được kiểm toán là gần như 100%. Còn số liệu các đại biểu đã phản ánh, trong kỳ trả lời trước tôi đã cung cấp thông tin”, Bộ trưởng GTVT nói.

Theo Bộ trưởng GTVT, theo quy định của pháp luật, khi dự án được phê duyệt thì sẽ ký hợp đồng nguyên tắc với nhà đầu tư, nhà đầu tư triển khai xong phải thực hiện công tác quyết toán, căn cứ vào quyết toán thực tế những việc doanh nghiệp làm thì chúng ta điều chỉnh lại hợp đồng, hợp đồng cuối cùng mới là hợp đồng cho thu phí.

“Còn nếu kiểm toán căn cứ vào dự án khi mới được phê duyệt thì hoàn toàn công tác giải phóng mặt bằng, khối lượng phát sinh có thể không đúng thực tế. Điều này chúng tôi đã giải trình một lần rồi, chúng tôi xin báo cáo là số liệu các đại biểu đã phản ánh là đúng, nhưng nó đúng với dự án được duyệt, còn số liệu thực tế quyết toán và cho thu phí thì giảm chứ không phải như số liệu của kiểm toán”, Bộ trưởng trả lời.

dai bieu quoc hoi lieu co loi ich nhom khi khong muon kiem toan du an bot giao thong
Đại biểu Bùi Văn Phương tranh luận tại phiên chất vấn (ảnh: Quốc hội)

Tuy nhiên, đại biểu Bùi Văn Phương đã tranh luận lại. Theo đại biểu, Bộ trưởng vừa trả lời là không hề né tránh kiểm toán các dự án BOT giao thông mà đã chủ động mời Kiểm toán nhà nước vào kiểm toán các dự án thì có lẽ trả lời của Bộ trưởng không thật chính xác.

Vì mới chỉ mời kiểm toán 3 dự án đó là hầm Đèo Cả, Trung Lương - Mỹ Thuận và Bắc Giang - Lạng Sơn, còn trước đó Bộ Giao thông cũng đồng ý với đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là không được kiểm toán các dự án BOT giao thông.

Giải trình thêm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, Bộ GTVT đã chỉ đạo các nhà đầu tư phải chủ động mời Kiểm toán nhà nước vào ngay từ đầu.

“Chúng tôi chỉ đạo chứ không phải các nhà đầu tư đồng loạt đi thuê tư vấn vào kiểm toán đâu. 5, 6 chục dự án BOT là Kiểm toán nhà nước đã vào làm cùng với nhà đầu tư từng dự án.

Đó là sự chỉ đạo của Bộ chứ không phải ý thức của từng nhà đầu tư. Do đó, ngay từ đầu chúng tôi đã chủ động, còn sau này hậu kiểm thì những vấn đề lớn như đại biểu nói 3, 4 dự án, những dự án nào có vấn đề liên quan đến dư luận thì chúng ta sẽ phối kết hợp để làm rõ hơn nữa”, Bộ trưởng GTVT nói.

H.L
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động