Cựu Phó Chủ tịch xã vướng lao lý vì xác nhận sai đền bù đất
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên Các bị cáo chờ tòa nghị án (Ảnh: N.N) |
Hầu tòa là: Nguyễn Văn Thắng - SN 1983, cựu cán bộ địa chính xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, tội “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”, Trần Quốc Tuấn – SN 1977, cựu Phó Chủ tịch UBND xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Theo cáo trạng, năm 2013, UBND TP Hà Nội có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Dự án Trung tâm y tế huyện Sóc Sơn. Năm 2014, UBND huyện Sóc Sơn có thông báo về việc thu hồi đất khu vực đồng Mục Bài, thôn Phù Mã, xã Phù Linh. Năm 2016, UBND huyện Sóc Sơn kiện toàn thành viên Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án trên.
Hội đồng bồi thường gồm 13 thành viên, trong đó, Trần Quốc Tuấn là Tổ trưởng. Trần Quốc Tuấn và Nguyễn Văn Thắng cũng là thành viên Hội đồng tư vấn nhằm xác định nguồn gốc đất phục vụ công tác giải phóng mặt bằng.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, bị cáo Tuấn giao cho Thắng cùng 3 người khác lập danh sách chủ hộ sử dụng đất, diện tích đất nằm trong diện tích thu hồi dự án. Ngày 16/6/2016, Tổ công tác đã lập biên bản điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm đất đai, tài sản gắn liền với đất.
Ngày 25/6/2016, căn cứ danh sách theo biên bản điều tra, Hội đồng tư vấn đã họp và thống nhất 49 phương án với tổng diện tích 10.894,4m2 đều là đất nông nghiệp giao theo Nghị định 64/CP cho các hộ gia đình, cá nhân tại thôn Phù Mã.
Năm 2016, UBND huyện Sóc Sơn đã phê duyệt 49 phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng; phương án hỗ trợ ổn định đời sống và ổn định sản xuất phục vụ giải phóng mặt bằng dự án với số tiền gần 12 tỷ đồng. Trong 49 phương án đền bù, các cơ quan tố tụng xác định, có 2 gia đình bị xác nhận sai nguồn gốc đất gồm hộ ông Phạm Văn T (diện tích 157,4m2) và hộ bà Phạm Thị Th (diện tích 111m2).
Cụ thể, thửa đất của ông Phạm Văn T có ký hiệu "M" là đất công do UBND xã Phù Linh quản lý. Tuy nhiên, thửa đất trên được UBND xã Phù Linh xác nhận là đất nông nghiệp được giao theo Nghị định 64/CP vào năm 1999 theo biên bản xác nhận số 47 ngày 27/6/2016 do Thắng lập; sau đó trình bị cáo Tuấn ký đóng dấu. Gia đình ông T được nhận hơn 179 triệu đồng tiền đền bù.
Gia đình bà Phạm Thị Th có ký hiệu "Ao" và một phần thuộc thửa đất có ký hiệu "M" là đất công. Tuy nhiên, theo biên bản xác nhận số 42 ngày 27/6/2016, UBND xã Phù Linh xác nhận là đất nông nghiệp được giao theo Nghị định 64/CP. Hộ này được nhận đền bù hơn 125 triệu đồng; tổng số tiền 2 hộ trên được nhận đền bù là hơn 300 triệu đồng.
Giai đoạn điều tra, Thắng khai nhận là cán bộ công chức địa chính xã. Khi triển khai dự án, Thắng được giao nhiệm vụ điều tra. Quá trình thực hiện, bị cáo không đối chiếu bản đồ địa chính đất nông nghiệp xã Phù Linh, không thu thập các giấy tờ xác định nguồn gốc đất của các gia đình nên xác định sai nguồn gốc đất của 2 hộ trên.
Bị cáo Tuấn trình bày, do tin tưởng Thắng và Hội đồng tư vấn nên bị cáo đã thiếu trách nhiệm, không kiểm tra lại các tài liệu, giấy tờ. Theo hồ sơ, 2 thửa đất trên thuộc đất công do UBND xã quản lý, khi thu hồi đất phục vụ mục đích phát triển kinh tế nên không được bồi thường về đất theo quy định tại Điều 74,75 Luật Đất đai 2013.
Cơ quan tố tụng xác định, 2 gia đình trên chỉ được hỗ trợ bồi thường về tiền, tài sản trên đất, tiền thưởng tiến độ; không được bồi thường các khoản như đất, hỗ trợ chuyển đổi nghề, ổn định đời sống. Việc xác nhận sai nguồn gốc đất dẫn đến bồi thường sai, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 300 triệu đồng.
Do đó, Hội đồng xét xử đã tuyên Thắng 36 tháng tù, Tuấn 12 tháng tù.
Về số tiền 300 triệu đồng, tòa tuyên bị cáo hoàn trả lại cho UBND huyện Sóc Sơn theo quy định của pháp luật.
Án mạng đau lòng từ mâu thuẫn nhỏ |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại