Cựu nhân viên ngân hàng hứa đổi tiền mới, “nẫng” 4,3 tỷ đồng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênẢnh minh họa |
Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ ngày 30-1-2021 đến ngày 24-3-2021, CQĐT - CA quận Ba Đình, Hà Nội, nhận được đơn của nhiều người tố cáo Nguyễn Ngọc Kiên có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc đổi tiền mới có mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng, 50.000 đồng, 100.000 đồng trong dịp Tết Nguyên đán năm 2021.
CQCA làm rõ, từ tháng 10-2020, Nguyễn Ngọc Kiên mở tài khoản “KienSHB55” để tham gia chơi sàn giao dịch Wefinex, dự đoán giao dịch tiền ảo – sự lên xuống của đồng Bitcoin, trên mạng Internet nhưng bị thua lỗ.
Nắm được chủ trương của Ngân hàng Nhà nước cấm đổi tiền mới nhưng do cần tiền để tiếp tục chơi sàn giao dịch Wefinex nên Kiên đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của các đồng nghiệp làm cùng ngân hàng thông qua việc Kiên đưa ra thông tin gian dối có thể đổi được tiền mới có mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng, 50.000 đồng, 100.000 đồng vào dịp Tết Nguyên đán năm 2021.
Kiên thông báo, ai có nhu cầu sẽ chuyển tiền trước vào tài khoản của Kiên để Kiên đổi hộ (không mất phí đổi) trong 2-7 ngày.
Tuy nhiên, đến ngày hẹn nếu đồng nghiệp nào hỏi, giục nhiều lần đòi tiền đổi thì Kiên vào mạng Internet tìm người đổi tiền mới (Kiên không biết tên tuổi, địa chỉ) mất phí đổi theo thỏa thuận để Kiên trả lại đồng nghiệp đó một phần tiền đổi. Sau đó, Kiên lại hứa hẹn để các đồng nghiệp khác tin tưởng Kiên có khả năng đổi được tiền mới và tiếp tục chuyển tiền cho Kiên.
Bằng thủ đoạn trên, từ tháng 12-2020 đến cuối tháng 1-2021, Nguyễn Ngọc Kiên đã chiếm đoạt của 17 đồng nghiệp làm cùng ngân hàng với tổng số tiền hơn 4,3 tỷ đồng.
Trong số 17 bị hại là đồng nghiệp bị Kiên lừa đổi tiền mới, có anh Nguyễn Đình N, SN 1986, nhờ Kiên đổi hơn 1 tỷ đồng tiền mới. Đến hẹn không thấy Kiên giao tiền mới, anh N giục nhiều lần thì Kiên vào mạng Internet liên hệ tìm người có tiền mới để đổi và trả lại anh N được tổng số 55 triệu đồng tiền mới.
Số tiền còn lại hơn 1 tỷ đồng, Kiên đã sử dụng để nạp vào tài khoản của Kiên để chơi sàn giao dịch Wefinex thua lỗ hết, không có khả năng trả lại cho anh N. Anh N đề nghị xử lý Kiên theo quy định của pháp luật và buộc Kiên bồi thường cho anh N số tiền hơn 1 tỷ đồng mà Kiên đã chiếm đoạt.
Bị Kiên lừa nhiều tiền nhất trong số các bị hại là anh Lê Hồng P, SN 1977. Khoảng đầu tháng 1-2021, Kiên nhắn tin cho anh P mời đổi tiền mới các mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng và 50.000 đồng.
Do có nhu cầu đổi tiền mới cho dịp Tết nên anh P đã nhiều lần chuyển tiền cho Kiên với tổng số 1,5 tỷ đồng. Hiện Kiên không có khả năng trả lại tiền cho anh P. Anh P cũng đề nghị xử lý Kiên theo quy định của pháp luật và buộc Kiên bồi thường cho anh P số tiền 1,5 tỷ đồng.
Mặc dù việc buôn bán, đổi tiền lẻ ăn chênh lệch không đúng quy định sẽ bị xử phạt nhưng thực tế, chỉ cần gõ từ khóa “đổi tiền lẻ” trên các công cụ tìm kiếm, hàng chục website cung cấp dịch vụ này sẽ hiện ra. Luật sư Nguyễn Minh Long, Đoàn Luật sư TP Hà Nội chia sẻ, theo pháp luật hiện hành, hoạt động đổi tiền lẻ nhằm hưởng phần trăm chênh lệch là hành vi trái pháp luật. Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định, hành vi đổi tiền không đúng quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền ở mức thấp nhất là 20 triệu đồng và cao nhất là 40 triệu đồng. Mức phạt này áp dụng cho các cá nhân vi phạm; tổ chức vi phạm bị phạt gấp 2 lần. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại