Cựu Chủ tịch huyện Yên Định hầu toà vì gây thiệt hại 8,8 tỷ đồng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCác bị cáo tại phiên tòa (ảnh: Minh Hải) |
Chiều 23/11, TAND tỉnh Thanh Hóa đã tuyên án vụ “Vi phạm các quy định về bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất” xảy ra tại huyện Yên Định. Theo đó, sau khi xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Lưu Vũ Lâm, cựu Chủ tịch UBND huyện Yên Định và bị cáo Hoàng Văn Phúc, cựu Phó chủ tịch UBND huyện Yên Định đều với mức án 3 năm tù; bị cáo Hà Duyên Lục, cựu Phó trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Yên Định, cựu Trưởng phòng TN-MT huyện Yên Định 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. HĐXX cũng đã yêu cầu các bị cáo khắc phục hậu quả thiệt hại hơn 8,8 tỉ đồng tiền của ngân sách Nhà nước.
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2017 - 2018, khi thực hiện dự án công viên quảng trường trung tâm huyện Yên Định và dự án hạ tầng khu dân cư số 1, với tổng diện tích thu hồi đất là hơn 160.000 m2 (chủ yếu là đất nông nghiệp) thì vấp phải khó khăn, vướng mắc do đa số người dân có đất thu hồi không đồng tình mức hỗ trợ, bồi thường khi thu hồi đất.
Dự án Công viên quảng trường trung tâm huyện Yên Định nơi xảy ra sai phạm |
Các bị cáo: Lưu Vũ Lâm, Hoàng Văn Phúc và Hà Duyên Lục đã thực hiện hồ sơ, thủ tục nâng mức hỗ trợ việc làm, chuyển đổi nghề lên 1,5 lần so với quy định, dù trước đó UBND tỉnh Thanh Hóa và các đơn vị liên quan có văn bản không đồng ý. Hậu quả từ việc làm trái quy định này đã gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước số tiền hơn 8,8 tỷ đồng.
Khai nhận trong phiên tòa, bị cáo Lưu Vũ Lâm cho rằng thời điểm thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) giai đoạn 2017 - 2018, thu hồi đất nông nghiệp của người dân để thực hiện dự án công viên quảng trường trung tâm huyện Yên Định và dự án hạ tầng khu dân cư số 1 (TT.Quán Lào, huyện Yên Định), hầu hết người dân có đất thu hồi không đồng ý với mức bồi thường, hỗ trợ mà Nhà nước quy định.
Trong khi sức ép từ cấp trên là 2 dự án phải sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng, nên đã "nghĩ ra cách giải quyết" là nâng mức hỗ trợ giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề lên 1,5 lần (tăng thêm hơn 8,8 tỉ đồng) để trả cho người dân thì mới GPMB được.
“Tôi đã sai, còn anh em họ làm theo tôi, tất cả anh em đều tốt. Đương nhiên tôi là người đứng đầu, người chỉ đạo nên chịu trách nhiệm chính về những cái sai đó”, bị cáo Lưu Vũ Lâm nhận lỗi.
Trong khi đó, bị cáo Hoàng Văn Phúc không đồng tình với những cáo buộc trong cáo trạng. Theo bị cáo Phúc, ban đầu khi thực hiện kiểm kê, bồi thường, hỗ trợ thì đã thực hiện đúng theo quy định, nhưng sau đó không GPMB thực hiện các dự án được, và có ý kiến chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy nên mới làm hồ sơ để hỗ trợ tăng thêm 1,5 lần.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại