Cty Thanh Hà hủy hoại môi trường thị xã Phú Thọ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đã gần 2 năm trôi qua, hàng trăm hộ dân sống cạnh Cty Thanh Hà có một mong muốn là Cty bỏ công nghệ đốt cao su đi để người dân đỡ phải chịu ô nhiễm, nhưng đến nay mong muốn ấy chưa được thực hiện. Cty đã hứa hẹn và đưa ra những lý lẽ khó khăn...
Đem băn khoăn, lo lắng của người dân đến Cty Thanh Hà, chúng tôi đã nhận được những lý do nghe có vẻ rất đáng “thông cảm” của đơn vị này. Tiếp chúng tôi là hai đại diện của Cty - ông Nguyễn Phi Long và bà Nguyễn Thị Huyền Trang. Khi chúng tôi đặt vấn đề về việc Cty đã và đang hủy hoại môi trường thì hai vị này cho rằng việc người dân phản ánh là “chụp mũ” và vô căn cứ (?!)
Cao su – nguyên liệu Cty Thanh Hà dùng để đốt lò.
Lúc này vị đại diện Cty Thanh Hà bắt đầu hạ giọng: “Chúng tôi làm vậy cũng chỉ vì đời sống của mấy chục công nhân thôi anh ạ. Mấy năm nay kinh tế gặp khó khăn, việc chúng tôi duy trì công việc ổn định cho công nhân là rất vất vả. Trước đây chúng tôi đốt lò bằng củi nhưng giờ này chúng tôi tận dụng nguồn cao su sau đó dùng phương pháp nhiệt thủy phân để ra một chất dầu phục vụ cho quá trình đốt lò. Đây là giải pháp để chúng tôi tiết kiệm nhiên liệu đốt trong thời kì bão giá”.
Theo bà Trang, Cty Thanh Hà có đốt lò và có khói ra, nhưng phía Cty đã họp dân và đưa ra hướng khắc phục. “Còn về việc dầu tràn thì cũng có nhưng không phải là ngày nào cũng thải ra. Những hình ảnh mà anh ghi được là do mấy hôm trước mấy công nhân gác lò ngủ quên nên mới để tràn dầu ra ngoài? Đây là một việc làm gây tổn hại với Cty và nguy hại với môi trường nên tôi đã cho họ nghỉ việc”.
Tuy nhiên, có vẻ như hai vị đại diện này càng nói thì họ lại càng thừa nhận những việc làm sai trái của Cty mình. Bởi lẽ nhiều người dân phản ánh với chúng tôi rằng, họ đã phải tập trung để đào những cái rãnh chạy dọc phía sau nhà máy để cho dầu không chảy ra đất sản xuất. Trên thực tế con rãnh được người dân đào với chiều rộng khoảng 40cm và sâu khoảng 30cm nhưng nhiều khi dầu vẫn còn tràn vào đất sản xuất. Thử hỏi như vậy có phải là do công nhân sơ ý làm tràn dầu như hai vị đại diện Cty kia nói?
Cũng trong buổi làm việc, chúng tôi được ban lãnh đạo đưa đi xem cái được gọi là “công nghệ mới” của đơn vị này. Công nghệ đâu chưa biết nhưng chúng tôi thấy rất rõ hàng đống cao su thải như: săm lốp ô tô, xe máy và thậm chí cả nhựa thải. Những thứ đó được thu lượm từ nhiều nơi và đã bị cháy dở, đen thui. Khi chúng tôi đưa máy ảnh lên định chụp một vũng dầu loang ngay cạnh đó thì một vị nói “đó là do sơ suất thôi anh ạ”.
Thời điểm đó cũng là lúc các lò không đốt và đang bảo trì. Mặc dù vậy, mùi nồng nặc vẫn bốc lên khiến chúng tôi không thể đứng lâu thêm. Trước vẻ khó chịu của chúng tôi, một vị đại diện Cty đã nở một nụ cười tươi và “vụng chèo khéo chống” rằng: “Chắc các anh ngửi không quen ấy chứ, chúng tôi chẳng thấy mùi gì cả”. Vị này còn so sánh: “So với Hà Nội có nhiều đống rác to vật vã thì đây còn dễ chịu hơn đúng không anh”. Tôi lặng thinh mà chợt nhớ tới những phản ánh của bà con trong lá đơn “kêu cứu”. Họ nói rằng: “Chúng tôi đã bị ám ảnh bởi khói bụi và dầu thải ở đây. Con em chúng tôi rất có thể bị bệnh từ ô nhiễm nguồn nước và không khí do Cty Thanh Hà gây ra”.
Đành rằng cải tiến kĩ thuật để tiết kiệm nhiên liệu chăm lo cho đời sống công nhân là việc làm tốt. Nhưng phải chăng cứ lo cho công nhân là phải hủy hại môi trường như Cty Thanh Hà đang làm? Câu hỏi này đang chờ một lời giải đáp từ phía Cty Thanh Hà cùng các cơ quan hữu trách.
Bài, ảnh: Đ.Thuận- V.Bắc
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại