Thứ sáu 22/11/2024 05:24

Công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2024

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 20/6, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Công bố Báo cáo Kinh tế thường niên Việt Nam 2024 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách trực thuộc Trường Đại học Kinh Tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) phối hợp với Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) Việt Nam tổ chức.
Công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2024
Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam là sản phẩm của Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách trực thuộc Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, đã liên tục công bố trong 16 năm qua. Ảnh: Gia Thành

2 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2024

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, cho biết, chuyển đổi xanh là yêu cầu thực tiễn và xu hướng thời đại, mang tầm vóc toàn cầu, đang ngày càng trở thành ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trên hành trình hội nhập, hướng tới phát triển bền vững và toàn diện.

Là một trong những quốc gia châu Á có tham vọng lớn tại COP26, chiến lược phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam cam kết giảm 43,5% lượng khí thải vào năm 2030.

Tuy nhiên, theo PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, áp lực ngày càng tăng từ các quy định nghiêm ngặt về môi trường của các nước phát triển đang thúc giục Chính phủ cũng như các doanh nghiệp (DN) Việt Nam tham gia nhanh và mạnh mẽ hơn vào chuyển dịch năng lượng hướng tới xanh hóa nền kinh tế.

Điều này vừa là thách thức, vừa là cơ hội để các quốc gia như Việt Nam đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và tận dụng các cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư mới.

Theo đánh giá của Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, nửa đầu năm 2024, tăng trưởng GDP của Việt Nam phục hồi khá (Quý I đạt 5,66% so với cùng kỳ 2023, Quý II/2024 ước đạt 6% và 6 tháng đầu năm ước đạt 5,8%). Kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2024 mặc dù vẫn khó khăn nhưng được kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Kinh tế nước ta trong năm 2024 có thể diễn biến theo 2 kịch bản. Thứ nhất, tăng trưởng GDP 2024 ở mức 5,85%, lạm phát ở mức 4,5%, tỷ giá VND bình quân năm mất giá ở mức 5-6% năm 2024, giải ngân đầu tư công đạt mục tiêu đề ra cũng như đầu tư FDI không có biến động bất thường trong nửa cuối năm 2024.

Kịch bản thứ 2 là điều chỉnh chính sách tăng GDP 2024 ở mức 6.01% với điều kiện có điều chỉnh chính sách giảm chênh lệch lãi suất đồng Việt Nam trong nước và các các ngoại tệ mạnh trên thị trường quốc tế, giảm chênh lệch về lãi suất thực về huy động giữa đồng VND và USD, góp phần làm tăng cấu phần xuất khẩu ròng đạt mức 24 tỷ USD. Tăng trưởng đầu tư công và tư tốt hơn nhờ cải thiện môi trường đầu tư, kiểm soát tốt lạm phát ở mức 5%. Trong cả hai kịch bản, nền kinh tế đều đang hoạt động dưới mức tiềm năng.

Gợi mở khuyến nghị để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5%

Tại hội thảo, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, PGS.TS. Nguyễn Anh Thu, đã gợi mở một số khuyến nghị chính sách quan trọng:

Theo đó, trong ngắn hạn, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5% năm 2024, cần tiếp tục ưu tiên trọng tâm công cụ tài chính của chính sách tài khóa thúc đẩy tổng cầu; tăng cường giải ngân đầu tư công đảm bảo đúng tiến độ và tập trung, đặc biệt là các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng.

Do động lực tiêu dùng nội địa còn yếu, cần có thêm chương trình và chính sách kích cầu tiêu dùng cụ thể, cần đi theo hướng hỗ trợ trực tiếp người tiêu dùng thanh toán chi phí mua sản phẩm, dịch vụ, nhất là để định hướng tiêu dùng theo các xu hướng tiêu dùng xanh, sạch, bảo vệ môi trường, góp phần thực thiện cam kết Net Zero vào năm 2050.

Cùng với đó, cần có thêm các gói tín dụng cho DN để đầu tư sản xuất bền vững, trung hòa cacbon. Chính phủ cần sớm công bố danh mục phân loại xanh để các DN đủ điều kiện có thể dễ dàng tiếp cận các nguồn tín dụng xanh trong nước và nước ngoài.

Đồng thời, đảm bảo hài hoà, hiệu quả trong mục tiêu tăng trưởng tín dụng hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho DN nói riêng, thúc đẩy tiêu dùng và phục hồi tăng trưởng nói chung.

Thúc đẩy đa dạng hoá các kênh dẫn vốn và đầu tư ngoài tín dụng ngân hàng, nâng cao hiệu quả và tính minh bạch thị trường cổ phiếu, trái phiếu, các kênh dẫn vốn khác gắn với tín dụng xanh, chuyển dịch năng lượng công bằng,...

Về giải pháp trung, dài hạn, PGS.TS. Nguyễn Anh Thu khuyến nghị rằng, cần hoàn thiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy các yếu tố tạo giá trị gia tăng thực của nền kinh tế số, như công nghệ phần mềm, kinh doanh nền tảng, thương mại điện tử để tạo ra động lực đổi mới sáng tạo.

Nghiên cứu hoàn thiện mô hình phát triển nhà ở xã hội để khắc phục những hạn chế hiện nay. Thành lập DN nhà nước chuyên thực hiện phát triển nhà ở xã hội (đầu tư, quản lý nhà ở xã hội). Phát triển nhà ở xã hội ngoài mục tiêu chính là hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội, còn có vai trò quan trọng trong hỗ trợ cân bằng thị trường bất động sản.

Bên cạnh đó, phát triển nhà ở xã hội là mục tiêu dài hạn, xuyên suốt và việc giao thị trường, nhất là khu vực tư nhân sẽ khó đảm bảo mục tiêu xã hội do tính thương mại và khó khăn trong triển khai dự án đầu tư và quản lý nhà ở xã hội giai đoạn vận hành.

Cần tiếp tục chú trọng các giải pháp kích thích đầu tư, nhất là đầu tư tư nhân để đảm bảo tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt mức cao và mở rộng cung tiền hợp lý nhằm kích thích tăng trưởng, như tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên...

Để hỗ trợ DN, ưu tiên các chính sách và cải cách nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm gánh nặng cho các DN, tạo dựng niềm tin vào môi trường đầu tư để khuyến khích DN quay lại thị trường và mở rộng quy mô.

Các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các DN cần cụ thể và khả thi (chính sách hỗ trợ xuất khẩu khá thành công). Về lâu về dài, các chính sách tổng thể nhằm nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của ngành, DN.

Sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thúc đẩy sự lạc quan, tuy nhiên các rào cản pháp lý vẫn tồn tại
Nền kinh tế Việt Nam đang có tín hiệu phục hồi
VEPR dự báo tăng trưởng của Việt Nam đạt khoảng cận dưới mục tiêu 6% năm nay
Nguyễn Đăng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động