Con đường Gốm sứ chính thức xác lập kỷ lục thế giới về bức tranh ghép gốm lớn nhất
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênSáng nay (5/10), trong không khí hào hùng của những thời khắc thiêng liêng, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, UBND Thành phố Hà Nội, Sở VH,TT&DL, Công ty TNHH Nghệ thuật Tân Hà Nội đã trang trọng tổ chức Lễ Khánh thành và gắn biển công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cho dự án nghệ thuật công cộng "Con đường gốm sứ ven sông Hồng".
Đặc biệt, buổi Lễ càng trang trọng và ý nghĩa hơn khi cũng trong sáng nay dự án “Con đường gốm sứ ven sông Hồng" chính thức được Tổ chức Guinness Thế giới trao quyết định công nhận là Bức tranh ghép gốm sứ lớn nhất thế giới.
Tham dự buổi lễ có rất nhiều các vị quan khách đặc biệt của Việt Nam và quốc tế: Bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, Phó trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; bà Katherine Muller - Trưởng đại diện UNESCO tại Hà Nội; bà Beatriz Fernandez - Giám đốc pháp chế Tổ chức Guinness Thế giới và nhiều đại diện Ban, ngành liên quan.
Công trình "Con đường gốm sứ ven sông Hồng" là do nhà báo - họa sỹ Nguyễn Thị Thu Thủy, công tác tại Báo Hà Nội Mới đã đề xuất ý tưởng, sáng kiến làm đẹp bức tường đê chạy dọc sông Hồng qua các tuyến phố Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải - Trần Khánh Dư. Sáng kiến đó đã được UBND Thành phố Hà Nội đồng ý cho phép triển khai thực hiện, đồng thời hỗ trợ kinh phí ngân sách, tạo những điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện. Dự án đã được Ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, UBND Thành phố Hà Nội đưa vào là một trong những công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Sau gần bốn năm triển khai thực hiện, “Con đường gốm sứ ven sông Hồng” đã thu hút sự tham gia của 20 họa sĩ Việt Nam, 15 họa sĩ quốc tế đến từ 10 nước trên thế giới. Tính đến thời điểm này, “Con đường gốm sứ” đã có độ dài tổng cộng 3,85km và tổng diện tích đạt 6.950m².
Các đoạn tranh ghép gốm sứ kéo dài từ cửa khẩu An Dương trên đường Yên Phụ, dọc theo các phố Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải và Trần Khánh Dư đến tận cửa khẩu Vạn Kiếp, rực rỡ sắc mầu, đa dạng phong cách sáng tác, chủ đề thể hiện.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó chủ tịch Thành phố Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định: Sau 4 năm triển khai thực hiện, dự án "Con đường Gốm sứ đã" thu hút sự tham gia của 35 họa sĩ của Việt Nam, Đan Mạch, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Italia, Vương quốc Anh, Mỹ, Argentia, New Zealand và Australia, sự tham gia của các tổ chức quốc tế: UNESCO, UNDP…
Ngoài ra, còn có hơn 100 nghệ nhân, thợ thủ công của các làng nghề gốm ở Việt Nam, 500 người dân, sinh viên các trường nghệ thuật... cùng tham gia thực hiện dự án để hôm nay chúng ta đã có một Con đường gốm sứ rực rỡ sắc màu. Đây là công trình nghệ thuật công cộng mang nhiều màu sắc văn hóa của khắp mọi miền tổ quốc và cả của quốc tế, góp phần làm sáng, xanh, sạch, đẹp Thủ đô.
Đây là kết quả của sự chỉ đạo và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất từ lãnh đạo Thành phố và các cơ quan, ban, ngành liên quan, sự chung tay đóng góp trí tuệ, công sức, kinh phí sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động nghệ thuật công chúng. Điều đó thể hiện tình yêu, tình hữu nghị của nhân dân, bạn bè trong nước và quốc tế đối với Thủ đô Hà Nội của chúng ta. Thành phố Hà Nội trân trọng đón nhận những tình cảm tốt đẹp được gửi gắm trong công trình Con đường gốm sứ”.
Bà Ngô Thị Thanh Hằng cũng thể hiện mong muốn: “Sau sự kiện này, các cơ quan Ban, ngành chức năng và nhân dân, du khách cùng phát huy ý thức, bảo vệ giữ gìn thành quả của những người thợ để làm sao bức tranh này mãi mãi tồn tại và đẹp trong lòng mọi người dân và du khách. Cũng từ công trình này, Thành phố Hà Nội mong muốn các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước sẽ tích cực tham gia đóng góp sáng kiến, trí tuệ, tài lực để làm đẹp các không gian công cộng khác của Thủ đô. Hãy cùng chung tay làm cho Thành phố Hà Nội của chúng ta ngày càng tươi sáng, văn minh và đậm đà bản sắc dân tộc”.
Sau lễ gắn biển “Công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội” cho “Con đường gốm sứ”, một lần nữa dự án này đã vinh dự được đại diện Tổ chức Guinness Thế giới - bà Beatriz Fernandez - Giám đốc pháp chế Tổ chức Guinness Thế giới lên trao Quyết định công nhận “Bức tranh ghép gốm lớn nhất thế giới”.
Đoạn tranh được Guinness công nhận và trao bằng kỷ lục “Bức tranh ghép gốm sứ lớn nhất thế giới” là đoạn tranh “Hoa văn Việt Nam trong dòng chảy lịch sử”. Đoạn tranh này có chiều dài 810m, tổng diện tích hơn 1.570,2m². Theo bà Beatriz Garcia Fernandez, chuyên gia thẩm định, đại diện cho Tổ chức Kỷ lục Guinness, tác phẩm “Hoa văn Việt Nam trong dòng chảy lịch sử” đã vượt qua kỷ lục trước đó của bức tranh ghép gốm thuộc sở hữu của một tập đoàn dược phẩm Trung Quốc (dài 200,87m - diện tích 1.494,4m²).
Theo quy định của Tổ chức này, chỉ những bề mặt liền mạch mới nhau mới tính là một bức tranh. Tuy “Con đường gốm sứ ven sông Hồng” của Hà Nội có tổng chiều dài gần 4km, diện tích lên tới gần 7.000m² nhưng lại bị phân cách bởi các cửa khẩu nên không thể được tính là một bức tranh thống nhất.
Phát biểu về cảm xúc của mình khi tham gia sự kiện đặc biệt này của Thủ đô, bà Beatriz Fernandez - Giám đốc pháp chế Tổ chức Guinness Thế giớicho biết: Với tôi thật là tuyệt vời khi đại diện cho Guiness có mặt ở đây để trao Bằng chứng nhận cho con đường gốm sứ. Đây là một hoạt động trong chương trình Đại lễ 1000 năm Thăng Long. Tôi cũng vui mừng khi thấy rất nhiều đoàn đại biểu ở các nước bè bạn trên thế giới đã đến đây để xem công trình nghệ thuật này. Đối với tôi đây là một khoảnh khắc đáng nhớ, vì đây là cơ hội của tôi để giới thiệu ra toàn thế giới một kỷ lục được làm từ năm 2007 đã hoàn thành”.
Nhà báo, họa sỹ Thu Thủy - tác giả của “Con đường gốm sứ” thì không giấu được sự xúc động cho biết: “Tôi rất xúc động và tự hào vì công trình Con đường Gốm sứ đã hoàn thành, không lỡ hẹn với Đại lễ. Đặc biệt, trong buổi lễ trọng đại này, dự án lại được đón nhận Quyết định công nhận Kỷ lục Guiness của “Bức tranh ghép gốm lớn nhất thế giới”. Đây sẽ là một món quà ý nghĩa thể hiện một tình yêu sâu sắc đối với Hà Nội của các nghệ sỹ nói chung và tôi nói riêng”.
Bt: Theo HNM
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại