Có thu hồi được tài sản khi bị cáo tử vong
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênLuật sư Nguyễn Tiến Hùng - Cty Luật TNHH H-Trung Lương. Ảnh: N.D |
Bị cáo tử vong trước ngày xét xử
Ngày 9/9, tin từ Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Gia Lai cho biết, do đối tượng Dương Thị Thanh (SN 1950, trú tại xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, tạm trú ở thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa) đã tử vong nên đình chỉ vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định. Đối tượng Thanh bị cơ quan chức năng truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền hơn 13,9 tỷ đồng. Theo lịch phiên tòa hình sự TAND tỉnh Gia Lai, Hội đồng xét xử sơ thẩm sẽ đưa bị cáo Dương Thị Thanh ra xét xử vào ngày 7/9 về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Tuy nhiên, chiều ngày 6/9, CA tỉnh Gia Lai thông báo, đối tượng Thanh đã tử vong vào lúc 16 giờ 45 phút cùng ngày, tại BV Đa khoa tỉnh Gia Lai. Trên cơ sở đó, Hội đồng xét xử sơ thẩm tiến hành đình chỉ vụ án theo đúng quy định pháp luật. Theo cáo trạng, đối tượng Dương Thị Thanh đăng ký tạm trú tại Tổ 7 (thị trấn Đak Đoa) từ tháng 3/2020. Trong quá trình sinh sống và buôn bán nhỏ ở Trung tâm Thương mại huyện Đak Đoa, đối tượng này tự giới thiệu rằng, có một số người làm ăn lớn cần vốn đáo hạn ngân hàng nên đặt vấn đề với người quen để vay mượn tiền và hứa trả lãi suất cao.
Trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 11/2021, Thanh đã vay mượn tiền của 4 cá nhân trên địa bàn huyện Đak Đoa tổng cộng hơn 13,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi đến hạn trả nợ gốc, Thanh không trả và bỏ trốn khỏi nơi cư trú tại Tổ 7, thị trấn Đak Đoa. Ngày 15/2/2023, qua nắm thông tin, CA tỉnh Gia Lai đã phối hợp với CA huyện Cẩm Thủy bắt giữ Thanh khi đối tượng đang lẩn trốn trên địa bàn huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa.
Có thu hồi được số tiền lừa đảo hay không?
Nếu bị cáo chết và chưa biết số tiền lừa đảo ở đâu và chưa thu hồi được vì không biết số tiền lừa đảo sử dụng vào mục đích gì, các nạn nhân có cơ hội đòi lại được không? Có ai là người thay bị cáo trả lại tiền không?
Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Cty Luật TNHH H - Trung Lương - Đoàn Luật sư cho biết, Nếu bị cáo chết và chưa thu hồi được số tiền lừa đảo vì không biết số tiền ở đâu, sử dụng vào mục đích gì thì các nạn nhân có cơ hội đòi lại được số tiền bị chiếm đoạt.
“Trường hợp vụ án này chỉ có 1 bị can và đã chết thì sẽ không có phiên tòa hình sự nào, mà việc yêu cầu bồi thường thiệt hại sẽ phải được thực hiện ở một vụ kiện dân sự. Ở đây, những người bị thiệt hại có thể khởi kiện những người kế thừa trách nhiệm của bị can, người thừa kế tài sản của bị can để yêu cầu được bồi thường thiệt hại” - luật sư Hùng cho biết.
Theo đó, nếu xác minh được tài sản khác của bị cáo để lại thì các bị hại có quyền yêu cầu người thừa kế của bị cáo thực hiện nghĩa vụ tài sản do bị cáo để lại theo quy định tại các Điều 614 và 615 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Lúc này, những người thừa kế của bị cáo đã chết sẽ được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tòa án vẫn thụ lý đơn kiện nhưng không triệu tập bị đơn (tức bị cáo đã chết), còn những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan sẽ bị triệu tập.
Tuy nhiên, nếu người chết để lại di sản thì di sản này sẽ được dùng để thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho người bị thiệt hại. Đối với tài sản chung như nhà, đất của vợ chồng thì tòa án sẽ phải xác định phần tài sản của người chết là bao nhiêu thì phần đó là di sản và phải dùng để thực hiện nghĩa vụ của người chết trước. Sau đó, nếu còn dư thì sẽ chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất như cha mẹ, vợ con.
Tuy nhiên, luật sư Hùng cho biết, cũng cần lưu ý thêm, bởi những người hưởng thừa kế chỉ có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp có tranh chấp thì các bị hại có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự để buộc những người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại.
“Nếu bị cáo chết mà không còn tài sản thì bị hại không có căn cứ để yêu cầu bồi thường, người thân của bị cáo không có trách nhiệm bồi thường thay bị cáo, trừ trường hợp họ tự nguyện bồi thường thay người đã chết” - luật sư Hùng nói.
Có chuyện trên bởi trên thực tế trong nhiều vụ án hình sự, dù bị cáo bị tuyên phải bồi thường thiệt hại cho người bị hại nhưng việc bồi thường này thường không dễ thực hiện khi bị cáo đi thi hành án không có tài sản, gia cảnh khó khăn, người thân cũng không tình nguyện bồi thường thay thì phần thiệt thòi luôn ở phía người bị hại. Cho nên việc đòi bồi thường khi bị cáo đã chết gặp khó khăn hơn rất nhiều so với việc bị cáo còn sống - luật sư Hùng cho biết.
Nhân viên quản lý chợ đêm Phú Quốc tham ô gần 1 tỷ đồng | |
Vì sao 5 nhân viên bốc xếp hành lý tại Sân bay Nội Bài bị bắt? | |
Cặp vợ chồng lập 5 Cty lừa… cán bộ ngân hàng |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại